Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Tháp cổ Ponagar

Tháp cổ Ponagar
Copy từ http://www.baotayninh.vn/newsdetails.aspx?id=230&newsid=45991;11 ảnh; đăng ngày 05/03/13, mục Đất nước mén yêu .
Được xây dựng từ thế kỷ VIII, Khu di tích Tháp Bà Ponagar (phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) là một trong những quần thể kiến trúc tiêu biểu của nền văn hóa Chăm Pa và gần như còn nguyên vẹn qua thời gian…
Bên quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2km về phía Bắc, Tháp Bà Ponagar nằm trên đỉnh một ngọn đồi, sát cửa sông Cái. Tổng thể kiến trúc Tháp Bà Ponagar bao gồm 3 tầng, trong đó, tầng thấp, ngang bằng mặt đất là ngôi tháp cổng nay không còn nữa. Trước cửa tháp là 2 hàng 10 cột lớn và 2 cột nhỏ hai bên. Chính giữa đặt một bàn thờ, bát hương, nơi từng diễn ra các hoạt động múa hát của người Chăm cổ vào mỗi dịp hội hè, lễ tết. Tầng giữa gọi là Mandapa với ý nghĩa là nhà khách, dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật và sửa soạn trang phục trước khi làm lễ chính thức ở tầng trên. Tầng trên là nơi các ngọn tháp được xây dựng, nổi bật nhất là Tháp Bà Ponagar, bốn tầng, tượng trưng cho sắc đẹp, nghệ thuật và sự sáng tạo, bên trong có tượng nữ thần cao 2,6 mét, tạc bằng đá hoa cương màu đen, ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề.
Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chăm Pa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Các tháp khác thờ thần Shiva, thần Sanhaka và thần Ganeca.
Ảnh 2: Du khách tới thăm Tháp Bà Ponagar.
Ảnh 3: Hai hàng trụ trước Tháp Bà Ponagar.
Ảnh 4: Du khách tìm hiểu lịch sử Tháp Bà Ponagar.

Ảnh 5:Phòng trưng bày hiện vật.
Ảnh 6a: Hiện vật trưng bày ở khu tháp cổ.
Ảnh 6b: Hiện vật trưng bày ở khu tháp cổ.
Tháp Bà Ponagar là di tích lịch sử - văn hóa, là công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân tộc Chăm. Tên gọi “Tháp Ponagar” được dùng để chỉ chung cho cả công trình kiến trúc này nhưng thực chất nó là tên của ngọn tháp lớn nhất, cao khoảng 23 mét. Các tháp ở đây đều được xây bằng gạch, trang trí nghệ thuật bằng chất liệu đá - gốm, nội dung thể hiện gắn liền với các vị thần được thờ. Cho đến nay, người ta vẫn chưa hiểu được người Chăm đã làm cách nào để những viên gạch cứ chồng khít lên nhau mà không cần bất kỳ một loại chất kết dính nào.
Hàng năm, cứ vào ngày lễ vía Bà (từ 20 - 23/3 âm lịch), Khu di tích Tháp Bà Ponagar lại đón hàng vạn du khách tới hành hương. Lễ hội Tháp Bà Ponagar, được coi là một trong những lễ hội lớn nhất khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, gắn liền với truyền thuyết và tục thờ nữ thần Thiên Y Thánh Mẫu Ana - bà mẹ xứ sở của đồng bào Việt, Chăm ở các tỉnh miền Trung. Trong những ngày vía Bà, xen kẽ giữa lễ chính là các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng dân gian như: đọc kinh cầu an của nhà sư, biểu diễn hát bộ, trình diễn múa lân, múa bóng…
Ảnh 7: Điệu múa “Huyền thoại Ponagar”.
Ảnh 8: Vũ điệu Chăm bên tháp cổ Ponagar.
Ảnh 10: Biểu diễn văn nghệ ở Khu di tích Tháp Bà Ponagar.
Ảnh 11: Thiếu nữ Chăm trình diễn kỹ thuật dệt thổ cẩm.
Để giới thiệu rộng rãi những nét văn hóa độc đáo của người Chăm, cách đây chưa lâu, Ban quản lý Khu di tích Tháp Bà Ponagar đã mời một số vũ công, nhạc công, nghệ nhân dân tộc Chăm đến đây biểu diễn dệt thổ cẩm, các vũ điệu Chăm… Các buổi tối thứ bảy, chủ nhật còn có múa biểu diễn “Huyền thoại Ponagar”, đề cập đến sự tích Bà Thiên Y Thánh Mẫu Ana và Tháp Ponagar phục vụ du khách. Hiện nay, mỗi ngày Tháp Bà Ponagar thu hút hàng ngàn du khách tới tham quan.
Theo BAVN

Không có nhận xét nào: