Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Du lịch home-stay ở Mai Châu hơi bị xịn!Du lịch home-stay ở Mai Châu hơi bị xịn!

Du lịch home-stay ở Mai Châu hơi bị xịn!
Copy từ http://ihay.thanhnien.com.vn/pages/20120618/du-lich-home-stay-o-mai-chau-hoi-bi-xin.aspx; đăng ngày 13/06/12 , mục Phượt thủ kể chuyện .
(iHay) Mấy người bạn khó tính của tôi cứ khăng khăng: “Việt Nam chưa có homestay đúng nghĩa, chỉ có housestay thôi” (trong tiếng Anh house là cái nhà chung chung, vô tri. Còn home là nhà có người ở, sống động. Về nhà là go home chứ không ai nói go house). Nhưng khi đến bản Lác ở Mai Châu, mọi người không chỉ thừa nhận mà còn quả quyết “hơn cả homestay ở nhiều nước”.
Bản Lác thuộc xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Đó là một thung lũng đẹp như tranh, cách Hà Nội 135 km. Theo già làng Hà Công Nhấm, năm nay 85 tuổi, bản Lác được hình thành từ thời nhà Trần - thế kỷ 13, chủ yếu sống bằng nghề lúa nương và dệt thổ cẩm. Trong cộng đồng người Việt Nam, dân tộc Thái đông thứ 3, sau dân tộc Việt (Kinh), dân tộc Tày. Người Thái ở bản Lác là Thái trắng với các dòng họ: Hà, Lò, Vi, Mác, Lộc. Phụ nữ Thái mặc áo cánh ngắn ôm chặt thân, bỏ vào trong cạp váy. Cổ áo phụ nữ Thái trắng hình chữ V, còn Thái đen là cổ tròn. Khăn piêu đội đầu của phụ nữ Thái đen có nhiều hoa văn trang trí còn người Thái trắng thì không. Phụ nữ có chồng búi tóc trên đỉnh đầu. Khi chồng chết, thì búi thấp xuống sau gáy. Chưa có chồng thì tóc thả tự nhiên.
Nhà sàn của người Thái luôn cao ráo, thoáng mát và sạch sẽ. Hiện nay các bạn trẻ người Thái có khuynh hướng tách nhà ở riêng nhưng gia đình nào cũng cố làm nhà to và đẹp, trước là để ở cho sướng thân, sau là đón bà con, bạn bè đến chơi thoải mái. Dù phải qua dốc Cun quanh co và đèo Thung Nhuối hiểm trở, nhưng nhờ nằm sát quốc lộ 6 đi Sơn La nên từ lâu bản Lác là điểm hẹn kỳ thú của du khách nước ngoài. Nhiều người năn nỉ xin được ngủ lại trong bản nhưng đều bị từ chối vì chính quyền chưa cho phép. Khách về mà tiếc ngẩn ngơ. Đến năm 1993, sau nhiều lần khẩn thiết đề nghị, tỉnh Hòa Bình mới cho phép dân bản Lác mở cửa đón khách qua đêm. Lâu nay, bản chỉ nhộn nhịp vào dịp lễ, tết, bây giờ thì quanh năm tấp nập, khách khứa ra vào như trẩy hội. Chẳng cần quảng cáo, cứ “talk to talk” truyền miệng mà nhiều lúc khách đông hơn chủ nhà. Có cầu là có cung. Cả bản rủ nhau làm đẹp nhà cửa, dọn dẹp bản làng đón khách. Từng nhà thu xếp lại chỗ ở cho gọn gàng, làm thêm nhà vệ sinh, nhà tắm nước nóng - lạnh. Rồi trang bị thêm nệm, gối, chiếu, mùng, chén, đĩa, ly, tách... Cứ như cả bản Lác là của khách du lịch. Cứ như cả bản chỉ dành đón khách.
Nhiều phượt thủ khen "homestay ở Mai Châu hơi bị xịn!" - Ảnh: Hoàng Long
Bản Lác có đường nhựa đến tận từng nhà. Hai bên đường cảnh đẹp đến sững sờ. Ruộng nương thay áo theo thời vụ giữa nhấp nhô đồi núi. Bản như cô sơn nữ dịu dàng, e ấp bên những dãy núi kiêu hãnh tựa chàng dũng sĩ bốn mùa chở che. Cả bản có 116 hộ thì 31 hộ nhường bớt nhà làm homestay. Tầng trên khách ở cùng với chủ nhà.
Tầng trệt là nơi sản xuất, trưng bày, bán sản phẩm thổ cẩm và nhà bếp. Có thêm hơn 40 nhà khác không đón khách ngủ lại nhưng là điểm tham quan các xưởng dệt thổ cẩm, làm hàng lưu niệm. Khi phụ nữ đan, dệt thì cánh đàn ông tranh thủ làm cung, nỏ, mõ trâu, lục lạc, tù và, phách gỗ, nhịp tre... làm quà cho khách. Ở đây không có khái niệm chủ - khách, thay vào đó là tình cảm chân chất của dân bản, đón khách như đón người thân ở xa về chơi.
Tôi đã ở homestay một số nước. Thường là những nhà sàn rộng, thoáng, nằm rải rác trong làng. Đan xen là mấy lò sản xuất hàng thủ công và nhà hàng phục vụ du khách. Tinh ý có thể thấy sự sắp đặt cố ý. Tôi chưa thấy nước nào mà cả làng làm homestay như bản Lác. Vừa mộc mạc, chân quê, tự nhiên mà chuyên nghiệp. Giá cả lại rất mềm. Chỉ cần hơn 100.000 đồng là có chỗ nghỉ với chăn êm nệm ấm qua đêm trên nhà sàn và dùng bữa tối thịnh soạn với chủ. Có thể ngủ với mùng chiếu đơn từng người, từng cặp hoặc tập thể kiểu từng người sát vào nhau cho ấm.
Có rúc rích chuyện trò đến khuya cũng phải im lặng để không làm phiền người khác. Cách ngủ dân dã này rất lý thú. Nhà vệ sinh, nhà tắm có nước nóng, sử dụng chung nhưng rất sạch sẽ. Ít ai dùng ti vi vì trò chuyện với chủ nhà hoặc với nhau thú vị hơn. Bản chưa có wifi vì đến đây các máy móc hiện đại hiếm thấy khách sử dụng. (Nguyễn Văn Mỹ)
Ăn thường phải đặt ăn trước vì chủ nhà không có tủ trữ thức ăn. Trên đường vào bản, tôi cứ bị thôi thúc vì “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” (Quang Dũng). Cái giống nếp xôi mùi thơm dịu nhẹ mà tỏa bay ngào ngạt, quyến rũ. Xôi nếp Mai Châu không dính, cứ dùng tay bốc. Ăn với thịt gà “đi bộ”, cá suối nướng, thịt nướng, rau rừng luộc, canh chua măng cá chép... thì ngon hơn đại tiệc.
Thêm ché rượu cần là “trời sà xuống chơi với đất”, khách - chủ như thể một nhà. Rượu cần Hòa Bình ngọt thanh, nồng nàn, khêu gợi chứ không nhẫn đắng khó chịu, uống dễ say lúc nào không biết. Cần rượu Hòa Bình làm bằng loại trúc đặc biệt, nhỏ xíu, thông ruột, uốn cong nghệ thuật và lịch lãm, không phải loại ống trúc nối với ống nhựa, nằm bẹp dúm như thường thấy.
Du lịch là nguồn thu chủ yếu mang đến sự sung túc cho bản Lác. Nhiều nhà sắm được xe hơi nhưng không để dưới nhà mà phải gửi vào bãi. Xe chủ, xe khách đều vậy. Bản Lác làm du lịch kiểu gia đình nhưng rất khoa học. Chủ nhà cũng là nhân viên phục vụ, đầu bếp và cả diễn viên nghệ thuật. Con trai con gái trong bản hiếu khách, giỏi nấu ăn, hát hay, múa dẻo, lại đẹp như... diễn viên. Sau bữa ăn chiều, loáng một cái, như có phép lạ, các nhân viên phục vụ biến hóa thành những diễn viên múa xòe, múa sạp, múa cồng chiêng, giã gạo, đợi bạn, hát “khap tay”... lúng liếng đưa tình. Ngoài tiếng Việt và tiếng Thái - gần giống tiếng Thái Lan và Lào, nhiều người ở bản còn nói được tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa.
Bản Lác là khu du lịch mẫu mực về đặc trưng văn hóa và sinh thái thuần Việt với “5 không” ấn tượng: Không ăn xin; Không bán hàng rong; Không nhậu nhẹt; Không karaoke; Không trộm cắp. Nửa đêm trăng tràn vào cửa sổ, tôi giật mình thức giấc, cùng trăng rảo chơi quanh bản. Trong bảng lảng sương giăng, các cửa hàng vẫn y nguyên như ban ngày. Không có cửa để đóng, cũng không có tủ bỏ hàng. Cứ tự nhiên trưng bày.
Bản Lác không có chỗ cho lòng tham, sự đố kỵ và những toan tính hẹp hòi. Mấy năm trước có vài người Việt dưới xuôi lên mua đất xây nhà làm homestay trong bản nhưng thất bại. Bản Lác không dung nạp kiểu kinh doanh chụp giựt, ăn xổi ở thì. Tôi nhớ lần đưa các cụ hưu trí đi Tây Bắc. Đêm đầu ngủ ở bản Lác, ai cũng thích thú. Duy có điều bất tiện: nhà vệ sinh dưới đất, nhà sàn thì cao. Người già hay đi tiểu khuya, chỉ sợ lọ mọ lên xuống trượt chân. Biết chuyện, anh Hà Công Toàn, con trai chủ nhà cho người ra quán thu gom, tặng mỗi cụ một cái bô nhựa để dùng. Chỉ có cái tình của cháu con ruột thịt mới phục vụ kiểu đó. Hỏi thêm mới biết, Toàn là Bí thư Huyện đoàn Mai Châu, 30 tuổi, chưa có vợ. Toàn bảo “nhờ làm du lịch nên yên tâm công tác vì lương cán bộ Đoàn chẳng là bao”. Thấy Toàn đẹp trai, năng nổ, chịu khó, nhiều cụ trong đoàn tấm tắc khen và bảo “mày mà ở gần Sài Gòn thì tao gả cháu cho, thích đứa nào tao gả đứa đó”. Nghe vậy, Toàn đỏ mặt, chỉ cười hi hi.
Du khách Việt đến Mai Châu thường chỉ ở lại qua đêm rồi tiếp tục hành trình. Du khách nước ngoài thường ở lại năm ba bữa, có khi cả tuần; để tận hưởng những nét văn hóa độc đáo. Họ học nghề dệt vải, làm mấy sản phẩm giản đơn hoặc ra nương làm rẫy. Họ thích đạp xe ra chợ và khám phá các thắng cảnh trong vùng.
Đến bản Lác, người Việt có thể tự hào về loại hình homestay của mình. Chỉ có điều băn khoăn là bất đầu thấy hàng Trung Quốc trà trộn trong các cửa hàng. Từ túi xách, búp bê và cả đồ chơi đủ loại. Phải giữ được sự thuần khiết của hàng lưu niệm Mai Châu trước khi quá muộn. Rất cần phục hồi lại bếp lửa chính giữa nhà, để chủ - khách quây quần trò chuyện. Càng cần thiết phải giữ bằng được tập tục chủ múc nước rửa chân cho khách trước khi lên nhà sàn như một nét văn hóa đặc trưng. Đó chính là cái hồn của dân tộc.
Về lại Sài Gòn với chiếc khăn quàng cổ thêu dòng chữ “Ông mặc noọng - Anh yêu em”, tôi cứ liêu xiêu theo đôi mắt lúng liếng thiết tha và lời ca giã biệt: “Kín khẩu na lùm pa, kín pa na lùm nậm - Ai bảo anh đến chậm, nên mình là bạn thôi...”. Nhất định tôi sẽ trở lại bản Lác với nhiều du khách và bạn bè, để thăm em và thăm bản.
Nguyễn Văn Mỹ

Không có nhận xét nào: