Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

"Người hát xẩm cuối cùng" đã ra đi

"Người hát xẩm cuối cùng" đã ra đi
Copy từ http://sgtt.vn/Van-hoa/175408/“Nguoi-hat-xam-cuoi-cung”-da-ra-di.html; đăng ngày 04/03/13, mục Văn hóa.
SGTT.VN - Trưa ngày 3.3.13, những người yêu xẩm nghe tin dữ: nghệ nhân Hà Thị Cầu, người hát xẩm cuối cùng đã ra đi tại nhà riêng ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Ai cũng bàng hoàng chưa muốn tin, dù lâu nay, bệnh tình của bà ngày một trầm trọng. Trước tết Nguyên đán vừa rồi, thấy đôi chân của bà, đôi chân gần hết cuộc đời lang bạt khắp nơi cùng xẩm, cứ lạnh dần, lạnh dần, con cháu đã phải gạt nước mắt, dự phòng chuyện xấu. Nhưng rồi, bà đã gắng gượng trụ lại, để đón nhận mùa xuân cuối cùng trong cuộc đời.
Người hát xẩm chân truyền cuối cùng Hà Thị Cầu. Ảnh: T
Người ta hay gọi nghệ nhân Hà Thị Cầu là “Người hát xẩm cuối cùng”, không phải vì nay không còn ai hát xẩm nữa, mà bởi, bà giống như một cuốn bách khoa “sống” về xẩm, nơi lưu giữ những giá trị chân xác của một loại hình âm nhạc cổ truyền vô cùng độc đáo, qua thời gian đã bị mai một, thậm chí bị biến dạng. Không đọc được chữ, nhưng trong căn nhà ọp ẹp ở Ninh Bình, hễ ai tìm đến xin học hát xẩm, là bà hết lòng truyền dạy, dĩ nhiên là theo lối truyền khẩu, cho đến khi không thể “truyền” được nữa thì thôi. Thi thoảng, liên hoan này, hội diễn kia, vẫn thấy bà nhiệt tình tham dự. Tuổi đã cao, giọng không còn ngân vang như trước, nhưng nội lực thì còn nguyên đó; cái chất dân dã, mộc mạc, phóng khoáng khiến người xưa mê đắm xẩm, cũng còn nguyên đó, khiến lớp con cháu sau này phục sát đất.
Thi thoảng có dịp đến thăm bà, ai cũng thấy đắng lòng. Cả cuộc đời bà rong ruổi hát xẩm, lúc về già, mới vinh dự được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Nghệ sĩ ưu tú…, nhưng cuộc sống thì vẫn cơ cực. Có câu chuyện truyền đời rằng, hễ theo xẩm, chẳng mấy ai được vinh hoa phú quý, dù có tài hoa đến mấy. Ngẫm số phận truân chuyên của con người cả đời mê xẩm, hát xẩm ấy, chả sai!
Lễ khâm liệm nghệ nhân Hà Thị Cầu sẽ diễn ra sáng ngày 4.3, lễ an táng tiến hành lúc 9 giờ 30 sáng ngày 5.3 tại nghĩa trang Đầm Thuần, xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình.
Hương Lan
Nghệ nhân Hà Thị Cầu (tên thật Hà Thị Năm, Cầu là cách gọi theo tên con trai cả của cụ, theo cách mà ở vùng Yên Mô, Ninh Bình) sinh năm 1917, tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình ba đời hát xẩm.
Ngày 25.12.2004, cụ Hà Thị Cầu đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tổ chức trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Sau đó, cụ được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 2008, Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã nhận được giải thưởng Đào Tấn, giải thưởng cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc.
Theo ca nương Thu Sợi, người được coi là “truyền nhân” của cụ Cầu ở Yên Mô, Ninh Bình, lúc sinh thời, cụ vẫn thường kể lại những câu chuyện trong kiếp đời hát rong lang bạt của mình ở nhiều nơi như Bắc Ninh, Hà Nội, Nghệ An,… Cụ Cầu có biệt tài cùng lúc miệng hát, chân phách, tay sênh, tay kia gõ một lúc hai trống mảnh. Bởi vậy, lúc sinh thời, cụ được coi là “báu vật nhân văn sống” của nghệ thuật hát xẩm. (TTXVN)

Không có nhận xét nào: