Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Tưng bừng mùa khai hội

Tưng bừng mùa khai hội
Copy từ http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2013/2/311335/ ; đăng ngày 14/02/13, mục Văn hóa-Văn nghệ.
(SGGP)- Tối 13-2-13 (mùng 4 Tết Quý Tị), tại Khu di tích lịch sử, văn hóa núi Bà Đen (Tây Ninh), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh tổ chức khai mạc Hội xuân Núi Bà năm 2013 và họp mặt kiều bào về quê ăn tết.
Dự lễ có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên; Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và hơn 10.000 cán bộ, nhân dân và kiều bào các nơi hội tụ về tham gia hội xuân.
Hội xuân Núi Bà Tây Ninh là hoạt động văn hóa, du lịch, hành hương lớn nhất phía Nam, mỗi năm được tổ chức một lần nhân dịp tết đến. Lễ hội diễn ra từ mùng 4 Tết đến 16 tháng giêng âm lịch, thu hút hàng triệu lượt khách hành hương từ các nơi về tham quan du lịch, phúng viếng chùa Bà.
Sáng cùng ngày, tại Chùa Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, Lễ hội Khán hoa mẫu đơn - Chùa Phật Tích đã khai hội thu hút hàng ngàn du khách thập phương nô nức về trẩy hội. Đây là lễ hội có từ lâu đời gắn liền với chùa Phật Tích, nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam. Lễ hội năm nay diễn ra trong 5 ngày, từ 13 đến 17-2 (mùng 4 đến 8-1 âm lịch) với nhiều chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống, nơi gặp gỡ của các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận như: Dân ca Quan họ, Ca trù, Chầu văn, hát Chèo và nghệ thuật hát Xẩm tại ngôi chùa có bề dày lịch sử. Tối 14-2-13 (mùng 5 Tết Quý Tị), Đại lễ khai Xuân cầu quốc thái, dân an được cử hành tại quảng trường Đại Phật Tượng trên núi Phật Tích.
Đông đảo người dân đến tham dự Lễ tế trời đất tại Khu di tích Bảo Sơn Thiên Ấn tưởng niệm vua Quang Trung. Ảnh: Đức Trung
 
Tại Khu di tích chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cũng tổ chức lễ hội mùa xuân 2013 với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn. Cùng với lễ hội chùa Keo, tỉnh Thái Bình còn có lễ hội đền Trần (Hưng Hà) diễn ra từ ngày 13 đến hết ngày 18 tháng giêng năm Quý Tỵ. Đây là dịp để người dân tưởng nhớ công lao to lớn của các vị vua Trần và giao lưu giữa các vùng văn hóa.
Từ ngày 14-2-13 (mùng 5 Tết), tại Nghệ An bắt đầu diễn ra các lễ hội đầu năm. Mở đầu cho chuỗi các hoạt động lễ hội đầu năm là lễ hội Pẩn nang-Nang ny tại bản Mường Ham, xã Châu Cường (huyện Quỳ Hợp) diễn ra trong 2 ngày 14 và 15-2, tiếp đó là lễ hội Vua Mai tại huyện Nam Đàn từ lễ hội Đền Vạn Lộc tại thị xã Cửa Lò...
Sáng 13-2-13, Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với UBND huyện Krông Ana tổ chức giải đua thuyền nam truyền thống toàn tỉnh lần thứ VI trên Hồ Sen thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Tham dự có 250 tay chèo của 22 đoàn thuyền đua đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Krông Ana. 22 đội thuyền đua được chia làm 3 bảng thi đấu vòng loại theo lộ trình 4 vòng quanh Hồ Sen và trên mỗi thuyền có 15 tay chèo. Kết quả, giải nhất thuộc về Đội 1 (thôn 2, xã Quảng Điền), giải nhì thuộc về Đội 9 (thôn 1, xã Quảng Điền) và giải ba thuộc về Đội 8 (thôn 1, xã Quảng Điền).
Trưa cùng ngày, diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống của người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhằm cầu mong biển bình an, thuyền đầy ắp cá, nghề nông thuận lợi. Đồng thời tri ân những người lính Hoàng Sa đã ra đi từ hàng trăm năm trước. 4 thuyền đua Long, Lân, Quy, Phụng trong mỗi xã sẽ cùng nhau tranh tài.
Trưa mùng 4 Tết, diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống của người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhằm cầu mong biển bình an, thuyền đầy ắp cá, nghề nông thuận lợi. Đồng thời tri ân những người lính Hoàng Sa đã ra đi từ hàng trăm năm trước. 4 thuyền đua Long, Lân, Quy, Phụng trong mỗi xã cùng nhau tranh tài. Ảnh: VĨNH SƠN
 
Cùng thời điểm, tại đồi cát bay Mũi Né (TP Phan Thiết) đã diễn ra Hội thi chạy vượt đồi cát, với sự tham gia của gần 300 vận động viên của 25 đoàn. Không khí đầu xuân se lạnh là điều kiện lý tưởng để các vận động viên thi thố tài nghệ. Từng bước chạy quyết liệt cùng những pha bứt phá ngoạn mục trên cát đã thu hút sự theo dõi và cổ vũ nhiệt tình của du khách.
Ngày 13-2-13, hàng chục ngàn du khách và người dân Đà Lạt đã đến các khu du lịch du xuân. Một số tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố và trước cổng các khu du lịch: Vườn hoa Đà Lạt, Thung lũng Tình yêu...bị ùn tắc cục bộ trong giờ cao điểm. Ảnh: Nam Viên
 
Ngày 13-2-13, hàng chục ngàn du khách và người dân Đà Lạt đã đến các khu du lịch du xuân. Lượng khách tăng đột biến đã khiến các dịch vụ ăn uống quá tải, một số tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố và trước cổng các khu du lịch: Vườn hoa Đà Lạt, Thung lũng Tình yêu bị ùn tắc cục bộ trong giờ cao điểm.
Từ sáng sớm, bãi đậu xe của Vườn hoa Đà Lạt đã chật kín, còn tại Thung lũng Tình yêu, xe khách đậu nối đuôi thành hàng dài trên đường Mai Anh Đào. Theo thống kê, trong hai ngày 12 và 13-2-1, mỗi ngày khu du lịch Vườn hoa Đà Lạt đón trên 10.000 lượt khách, Thung lũng Tình yêu đón 9.000 lượt, Đồi Mộng mơ đón 3.700 khách, tăng khoảng 10% - 15% so tết năm ngoái.
 
Ngày 13-2-13, người dân và du khách gần xa nô nức tề tựu về đình làng Gia Viên (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) để thưởng thức và tham gia trò chơi đu tiên truyền thống. Trong ảnh: Hai thiếu nữ nhún mình đánh đu tại lễ hội đu tiên. Ảnh: Văn Thắng
 
Ngày 13-2, người dân và du khách gần xa nô nức tề tựu về đình làng Gia Viên (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) để thưởng thức và tham gia trò chơi đu tiên truyền thống. Lễ hội đu tiên có 2 phần đua của đôi nam và đôi nữ. Ban giám khảo chấm điểm dựa theo tiêu chí: đu cao nhất rồi mới đến đẹp nhất để trao giải. Hội đu tiên kéo dài đến mùng 10 Tết. Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc của vùng quê ven sông Bồ trong những ngày xuân mới. Cùng ngày, tại Công viên Thương Bạc (TP Huế) diễn ra trò chơi thi đấu cờ tướng, chọi gà.
Tết này, nhiều du khách Việt Nam ra nước ngoài du lịch. Trong ảnh: Tham quan đền Bayon (Campuchia). Ảnh: HOÀNG HƯNG
Kỷ niệm 224 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
Chiều 13-2-2013, tại Bảo tàng Quang Trung (thuộc Khu di tích Tây Sơn hạ đạo, nằm tại địa bàn huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), tỉnh Bình Định đã long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ Tây Sơn Tam kiệt. Đúng vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (mùng 5 Tết), vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đem đại quân Tây Sơn (còn gọi đạo quân áo vải cờ đào), thần tốc tiến ra kinh thành Thăng Long, đánh tan 20 vạn quân Mãn Thanh xâm lược, làm nên mùa xuân chiến thắng trong lịch sử phong kiến nước nhà.
Tiếp đó, tại Khu di tích Bảo Sơn Thiên Ấn (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Định, cùng lãnh đạo các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Phú Yên, TPHCM, đại diện Quân khu V, cùng đông đảo doanh nhân, nhân dân các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã đến dâng hương và tham dự Lễ tế trời đất, nhân kỷ niệm 224 năm Chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2013). Hôm nay (mùng 5 Tết), tại Bảo tàng Quang Trung khai diễn Lễ hội Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, với các tiết mục múa võ cổ truyền, biểu diễn trống trận, múa lân…
Nhóm PV

Không có nhận xét nào: