Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Cao tổ Đoàn Văn Khâm

Họ Đoàn tại Việt Nam - Tư liệu lịch sử dòng họ.
Cao tổ Đoàn Văn Khâm
Copy từ http://doantocvietnam.com/news/view/id/31 ; đăng ngày 23/10/2012.
Cao tổ Đoàn Văn Khâm, sinh ra thời nhà Lý đang thịnh trị, quê chính của Người ở xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Sau một trận lũ lụt lớn, gia đình phải di chuyển sang đất Thái Bình một thời gian, rồi lại chuyển về đất Hải Dương, nhưng Người và gia đình không về chốn cũ ở huyện Kim Thành mà về huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương và định cư ở xã Đoàn Thượng ngày nay. Tại đây, cao tổ vốn là người ham học , Người dự khoa thi nho học đầu tiên của nước Việt Nam, triều Lý. Khoa thi này được gọi là khoa thi Minh Kinh Bác Học ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Cụ đỗ khoa đầu tiên (tương đương Tiến sỹ sau này).
Đoàn Văn Khâm là cư sĩ, danh thần đời Lý Cao Tông (李高宗; 1173 - 1210), có sách chép tên là Liễm.
Người làm quan đến Thượng thư bộ Công, mộ đạo Phật, hay giao du với khách thiền lâm, có ý muốn từ quan, thời thường quấn khăn vải, mặc áo nâu.
Ngoài ra, Người còn là một nhà thơ nổi tiếng đương thời. Tác phẩm của người phần lớn đã thất lạc chỉ còn lại một ít bài , chẳng hạn 3 bài:
1. Tặng Quảng Trí thiền sư
2. Truy điệu Chân Không thiền sư
3. Vãn Quảng Trí thiền sư
Bài 1: Tặng Quảng Trí thiền sư
Trụ tích nguy phong bãi lục trần,
Mặc cư huyễn mộng vấn phù vân.
Ân cần vô kế tham Trừng, Thập,
Sách bạn trâm anh tại lộ quần.
Tặng thiền sư Quảng Trí (Người dịch: Nguyễn Tấn Hưng)
Gậy thiền ngài vượt sắc không,
Tôi nơi mộng ảo hỏi lòng phù vân.
Muốn theo Trừng, Thập bao lần,
Cân đai vướng chút nợ trần chưa xong.
- dịch nghĩa:
Chống gậy Thiền trên núi cao, rũ sạch bụi trần,
Lặng lẽ trong cảnh mộng ảo, chỉ hỏi áng mây nổi.
Rất thiết tha nhưng không cách nào theo học được Trừng, Thập,
Vì đã trót vướng trâm anh trong bầy cò.
Bài 2: Truy điệu Chân Không thiền sư
Hạnh cao triều dã chấn thanh phong,
Tích trụ như vân mộ tập long.
Nhân vũ hốt kinh băng tuệ đống,
Đạo lâm trường thán yển minh tùng.
Phần oanh bích thảo thiêm tân tháp,
Thuỷ trám thanh sơn nhận cựu dung.
Tịch tịch thiền quan thuỳ cánh khấu?
Kinh qua sầu thính mộ thiên chung.
Bài 2: Truy điệu Chân Không thiền sư (Người dich: Hòa Thượng Thanh Từ.
Trong triều, ngoài nội kính gia phong,
Chống gậy, đường mây quyện bóng rồng.
Cửa từ chợt hoảng rường cột đổ,
Rừng đạo bùi ngùi cội thông long.
Cỏ biếc quanh mồ thêm tháp mới,
Non xanh nước thắm gởi thân trong.
Vắng vẻ cửa thiền ai đến gõ,
Văng vẳng chuông chiều nát cõi lòng.
Bài 3: Vãn Quảng Trí thiền sư.
Lâm loan bạch thủ độn kinh thành,
Phất tụ cao sơn viễn cánh hinh.
Kỷ nguyện tịnh cân xu trượng tịch,
Hốt văn di lý yểm thiền quynh.
Trai đình u điểu không đề nguyệt,
Mộ tháp thuỳ nhân vị tác minh.
Ðạo lữ bất tu thương vĩnh biệt,
Viện tiền sơn thuỷ thị chân hình.
Bài 3: Viếng Quảng Trí thiền sư (Người dịch: (Không rõ))
Rừng sâu, đầu bạc lánh kinh thành,
Rũ áo về non thơm ngát danh.
Những ước sửa khăn hầu cửa Phật,
Thoắt nghe tin báo, mộng hồn kinh.
Sân chùa chim tối kêu vầng nguyệt,
Mộ tháp ai người viết bức minh ?
Ðạo hữu can chi buồn vĩnh biệt,
Chùa xưa, non nước hiện chân hình.
- dịch nghĩa:
Xa lánh kinh thành, vào nơi rừng núi cho đến bạc đầu
Phất tay áo trên núi cao, càng xa càng ngát thơm.
Ðã mấy lần (tôi) những muốn chít khăn tu hành đến hầu bên chiếu,
(Thế mà nay) bỗng nghe nhà sư qua đời, cửa chùa đã khép kín.
Trước sân nhà trai, tiếng chim khuya khắc khoải kêu dưới bóng trăng.
Có ai vì người mà đề bài minh vào ngọn tháp trên mộ?
Các bạn tu hành chớ nên đau thương về nỗi vĩnh biệt,
Sông núi trước chùa, chính là hình ảnh chân thực của người.
 Nhà thờ Tộc Đoàn ở huyện Duy Xuyên,tỉnh Q.Nam.

BVA sưu tầm

Không có nhận xét nào: