Bạn đọc viết:
Ba biện pháp đối phó với “chiêu mới” của Trung Quốc ở Biển Đông
Copy từ http://sgtt.vn/Ban-doc/164632/Ba-bien-phap-doi-pho-voi-chieu-moi-cua-Trung-Quoc-o-Bien-Dong.html;ngày 01/06/12.
Ba biện pháp đối phó với "chiêu mới" của Trung Quốc ở Biển Đông
SGTT.VN - Gần đây, Trung Quốc bắt đầu thực hiện các phương thức mới nhằm ngăn cản không cho ngư dân Việt Nam tiếp cận các ngư trường khai thác thuỷ sản tại các khu vực tranh chấp (Trung Quốc tung “chiêu” mới, ngư dân Việt Nam lao đao). Các lực lượng Trung Quốc đã dùng trực thăng áp sát các tàu cá Việt Nam, đập phá hết tài sản, ngư cụ cũng như hàng tấn hải sản của ngư dân. Điều này nhằm khiến cho ngư dân sợ hãi và không dám ra khơi. Qua đó, Trung Quốc đã phần nào thành công trong chiến lược phong toả của mình, biến các vùng Hoàng Sa, Trường Sa thành vùng biển của riêng Trung Quốc.
Trong khi đó, ngư dân Việt Nam hiện nay thông thường ra khơi với rất ít sự trợ giúp cần thiết từ các cơ quan chức năng trong vấn đề đối phó lại với sự phá hoại từ phía Trung Quốc.
Đối phó với vấn đề này cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa tất cả các bộ ngành và địa phương cũng như từ phía ngư dân. Trước tiên cần có một chiến lược dài hơi đầu tư vào ngành ngư nghiệp, mà việc làm đầu tiên chính là nâng cấp đóng mới các tàu cá của ngư dân. Tăng cường sức chịu đựng, tốc độ cũng như khả năng định vị trên biển là những việc ưu tiên.
Ngoài tàu cá, phía Trung Quốc hay điều các loại tàu như Hải giám, Ngư chính ra biển Đông.
Hiện nay, Việt Nam đã có vệ tinh trên quỹ đạo, nên sử dụng công nghệ GPS và các đài thông tin duyên hải hiện có, nhằm thông tin kịp thời các diễn biến có thể xảy ra. Việc này áp dụng cho các tỉnh có các ngư đội đang đánh bắt ở Hoàng Sa và Trường Sa trước tiên, sau đó có thể nhân rộng ra những nơi khác. Việc thành lập dân quân biển cũng là một cách thức hay nhằm tăng cường sự tự vệ trong quá trình xảy ra tranh chấp.
Thứ hai là đổi mới các phương thức đánh bắt xa bờ, đặc biệt là ở các ngư trường ở Hoàng Sa, Trường Sa và DK1. Hình thức “tàu mẹ tàu con” cũng là một ví dụ tốt để thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, Nhà nước cần đứng ra trợ giá sản phẩm cho công ty nếu tiến hành xã hội hoá. Thậm chí cần thành lập hẳn một cơ chế chuyên hỗ trợ ngư dân về mặt hậu cần và thu mua các sản phẩm mà họ đánh bắt được ngay trên biển. Mô hình “tàu mẹ tàu con” này sẽ giúp tạo ra một nhóm ngư dân đông đảo cùng với một tàu lớn đi kèm theo, có nhiệm vụ vừa cảnh giới vừa hoạt động mua bán. Điều này sẽ khiến ngư dân có thể an tâm hơn khi ra biển. Chính “tàu mẹ” cũng có thể ứng dụng các phương tiện theo dõi và liên lạc hiện đại nhằm phát hiện trước bất cứ nguy cơ nào xảy ra, và bước đầu tiến hành đối phó với máy bay của Trung Quốc. Đáng chú ý hơn là các “tàu mẹ” này có thể làm nhiệm vụ tương tự như hải giám hay ngư chính của Trung Quốc, có thể trực thuộc luôn bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thứ ba chính là nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển và hải quân. Đây là hai lực lượng chấp pháp chính của Việt Nam trên biển. Tuy quá trình hiện đại hoá hai lực lượng này vẫn còn chậm nhưng đang được đẩy nhanh. Hiện tại, với cách thức mà Trung Quốc đang sử dụng hiện nay là dùng các tàu phi vũ trang xâm nhập quấy rối thì việc sử dụng các tàu chiến được trang bị vũ khí để đối phó là một hạ sách.
Các tàu của cảnh sát biển có thể được sử dụng như là một biện pháp đối phó khá hiệu quả, vì được trang bị nhẹ là chủ yếu. Song do mới thành lập từ năm 2008, nên lực lượng cảnh sát biển Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều về trang thiết bị hỗ trợ. Theo báo Quân đội nhân dân, hiện tại, biên chế cảnh sát biển chủ yếu là các tàu dưới 1.000 tấn, tàu lớn nhất khoảng 2.200 tấn đang trong giai đoạn hoàn thiện với công nghệ của Hà Lan.
Đồng bộ hoá và tăng cường sự phối hợp giữa tất cả các lực lượng là bước đầu tiên để giảm thiểu các nguy cơ tổn thất, trước khi đi đến một chiến lược tổng thể hơn trong việc bảo vệ quyền tài phán và chủ quyền của nước ta trên Biển Đông.
Báo The Saigon Times tường thuật: Trong tương lai, cảnh sát biển Việt Nam cũng sẽ nhận được một loạt các máy bay do thám và tuần tra biển CASA được trang bị rađa hiện đại. Các máy bay này sẽ kết nối với các đài rađa duyên hải cũng như hệ thống vệ tinh nhằm thông tin kịp thời nhất tới các “tàu mẹ” hay tàu cá của ngư dân hoạt động trên biển. Hải quân hiện nay cũng đã thành lập lực lượng không quân hải quân, với biên chế là các loại máy bay trực thăng và máy bay tuần tra trên biển. Nhiệm vụ của hải quân phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác, với ngư dân, thiết lập đường dây nóng hoặc một mạng lưới thông tin liên lạc hiệu quả, thông qua VINASAT, thông qua các nhà giàn và các trạm liên lạc trên các đảo tiền tiêu.
Các biện pháp trên cần thời gian, trong bối cảnh tiềm lực còn hạn chế. Tuy nhiên, nên đặt ưu tiên là nâng cấp tàu cá cho ngư dân với hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, cộng với hình thức đánh bắt theo nhóm. Đồng thời, hiện đại hoá các lực lượng như cảnh sát biển hay hải quân, sẵn sàng cơ động khi có tranh chấp. Đồng bộ hoá và tăng cường sự phối hợp giữa tất cả các lực lượng là bước đầu tiên để giảm thiểu các nguy cơ tổn thất, trước khi đi đến một chiến lược tổng thể hơn trong việc bảo vệ quyền tài phán và chủ quyền của nước ta trên Biển Đông.
Nguyễn Thế Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét