Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/494917/Cham-dut-nan-lua-loc.html ;đăng ngày 04/06/12,mục Thời sự - Suy nghĩ.
TT - Vào Google gõ bốn từ “thương lái Trung Quốc”, bạn sẽ có trên 8,5 triệu kết quả, hầu như không có tin bài nào tốt đẹp. Mới thì có thương lái Trung Quốc ào ào mua dứa xanh vào giữa tháng 5-2012, nhưng đến cuối tháng thì bỏ rơi dứa. Xa hơn thì vụ cua, sầu riêng non...
Điển hình nhất là vụ khoai lang. Đầu năm họ thu gom với giá hơn 1 triệu đồng/tấn, nông dân ùn ùn trồng khoai, nay đến mùa thu hoạch thì chẳng thấy ai đến mua, khoai rớt giá thảm hại.
Cần nhắc lại những thương vụ khó hiểu của thương lái Trung Quốc mà ai cũng phải đặt vấn đề “có gì đó bất thường”. Những năm 1997-1998, thương lái Trung Quốc sang VN mua mèo với giá cao, hậu quả là mèo gần như biến mất, nông dân phía Bắc phải chịu đại dịch chuột hoành hành, ảnh hưởng nặng đến mùa màng.
Năm 2002-2003, thương lái Trung Quốc mua móng trâu với giá cao, gây ảnh hưởng nặng đến sức kéo của bà con nông dân nghèo phía Bắc.
Năm 2007, Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN thiệt hại hàng chục triệu USD khi bị cắt trộm mất 11km cáp quang. Nhiều người thắc mắc không hiểu cắt trộm cáp quang làm gì do thứ này không thể bán phế liệu được. Sau đó, Công an Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt được “cáp tặc” Nguyễn Thị Bích Phượng, và từ lời khai khiến mọi người ngã ngửa: cắt cáp để bán cho thương lái Trung Quốc nhưng cũng không biết họ dùng để làm gì.
Mới đây nhất là vụ gỗ sưa, mà giáo sư Phùng Tửu Bôi đã nói với Tuổi Trẻ rằng ông lo ngại sẽ tạo nên những rối loạn khó lường.
Còn nhiều nữa những phi vụ khó hiểu, bất thường do thương lái Trung Quốc gây ra mà khuôn khổ một bài báo không thể nêu hết.
Người dân đang bức xúc, phải làm gì đó để chặn đứng, ngăn ngừa những câu chuyện bất thường từ một số thương lái Trung Quốc. Chúng ta không nghĩ đến chuyện cấm cản khi VN đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Nhưng mở cửa cũng không có nghĩa là mở toang, mà tất cả đều phải tuân theo pháp luật, đó là những gì chúng ta đã cam kết với thế giới. Người dân hoan nghênh những thương nhân nước ngoài làm ăn theo đúng pháp luật VN, nhưng họ cũng muốn nhanh chóng phải loại bỏ những người làm ăn chụp giật, lừa đảo; những kẻ thiếu đạo đức kinh doanh, kiếm tiền hoặc làm giàu từ hoạt động bất chính.
Hệ thống luật pháp của chúng ta không thiếu hoặc lỏng lẻo đến mức không thể trị được những thương nhân nước ngoài làm ăn chụp giật. Vấn đề là phải nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương. Dưới đây là một ví dụ về việc quản lý hoạt động của người nước ngoài. Anh Huỳnh Huy Tuệ, điều phối viên của Tổ chức Giáo dục môi trường cầu châu Á - Nhật Bản (BAJ), cho biết: “Tổ chức BAJ hoạt động có xin phép đàng hoàng. Cứ ba tháng một lần, những người Nhật làm việc cho tổ chức này đều đến cơ quan chức năng gia hạn thời gian ở VN. Chỉ cần trễ một ngày đã có người nhắc nhở”. Anh Tuệ đặt câu hỏi: “Tại sao việc quản lý các thương lái Trung Quốc lại không chặt như thế?”.
Anh Tuệ nói đúng, nếu quản lý đúng pháp luật thì chẳng ai có thể liên tục lừa lọc. Chắc chắn khi các cơ quan chức năng sâu sát, cảnh giác và kiên quyết hơn, mọi người dân sẽ cộng tác để cùng vạch mặt những thương nhân nước ngoài không tuân thủ luật pháp. Ngay lúc này, hệ thống khuyến nông cũng sớm vào cuộc để tư vấn, trang bị cho nông dân những kiến thức cần thiết, giúp họ trở thành người đầu tiên phát hiện những “chiêu, trò” lừa đảo của một số thương nhân bất chính.
HUY THỌ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét