Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Đắng cay

Hôm nay là ngày thi.
Người người cùng đi thi.
Mình quá tuổi đi thi.
Ngơ ngác,chẳng làm gì.
Sáng dậy làm tô mì,
Rồi lên máy ghi ghi ...

dvnien

Đoãn-thiên

Đắng cay

Nếu đọc được những dòng này, X. hãy tha thứ cho tôi

LAN

Copy từ Tạp chí Phổ Thông số 211 (tháng 7 năm 1968),trang 43 - 48.

 

Tôi không biết tôi sinh vào ngày nào vì tôi không có khai sinh. Tôi sống nhờ trong gia đình Bác Hai. Bác gái bảo rằng cha mẹ tôi đã chết rồi. Tôi lớn lên trong sự không ngờ của mọi người. Trong gia đình của bác chỉ có chị Hai thương tôi. Năm 7 tuổi tôi đòi đi học. Bác trai đem tôi lên Tân-An giao cho cô Năm. Cô Năm là 1 người đàn bà rất khéo. Cô là chủ tiệm may nổi tiếng ở Tân An. Sống với cô Năm những ngày đầu thật đẹp. Lúc ấy tôi còn nhỏ quá nên không thể hiểu thế nào là xa nhà? Thế nào là khổ?

Những năm về trước, đi học không cần khai sinh nên tôi học rất dễ. Tôi còn nhớ được một buổi chiều đó tôi đi học một cách rất bình tĩnh vì từ nhỏ tôi đã sống trong sự thiếu tình thương. Tết năm đó tôi được bác Hai trai lên rước về nhà. Đường về Tân Trụ thật xa đối với một cô bé đã rời nhà từ lâu.

Năm lên 8 tuổi bắt đầu nhận biết cuộc đời. Sở dĩ tôi biết như thế vì tôi đã bị vất ra đời rất sớm. Nhận xét đầu tiên là bác trai thương tôi rất nhiều. Dù bác rất kín đáo không để cho ai biết được tình thương ấy nhưng tôi nhận được. Tôi hiểu rằng đó là tình thương của một người cha.

Tôi đã tự bảo: Nếu tôi có cha thì cha tôi cũng bằng bác mà thôi. Tôi cần 1 người mẹ. Tôi muốn nghe tiếng "má ơi" của chính tôi. Không ai có thể thay thế ngôi vị ấy. Bác gái rất hờ hửng với tôi. Tôi đau khổ khi nghe bác đay nghiến. Tôi vui sướng khi úp đầu vào ngực chị Hại. Và niềm vui sướng nhất là bác trai lén cho tôi tiền.

Sau cái Tết đó tôi lại trở lên Tân An để sống với cô Năm. Cô Năm thường bảo với tôi:

Con chào đời trong sung sướng. Khi con tròn một tháng, khi con đúng thôi nôi là những buổi tiệc linh đình. Bao nhiêu người nâng con trên tay mà nói câu chúc tụng. Thuở nhỏ con vui sướng nhiều quá nên lớn lên con phải khổ.

Tôi ngây thơ lắm.

- Khổ là làm sao, cô ?

Cô Năm vuốt tóc tôi:

- Rồi con sẽ hiểu.

Từ đó ấn tượng khổ cứ in vào óc tôi. Tại sao tôi phải khổ ? Khổ là như thế nào ?

Mùa hè năm 10 tuổi tôi trở về Tân Trụ. Tôi thích Tân Trụ hơn vì gia đình bác Hai, có những anh chị nho nhỏ như tôi. Có người thương tôi.

Tôi nhớ đến một buổi sáng, có một người đàn bà trẻ tuổi, đẹp, tìm đến bác trai. Chị Hai, và bác gái bảo đó là vợ bé của bác trai. Tôi nhìn người đàn bà lạ với cặp mắt của con nai. Người đàn bà trẻ đẹp ấy cho tôi 10đ. Số tiền rất lớn đối với tôi. Tôi vui sướng có lẽ vì tiền hơn là vì cặp mắt âu yếm của người đàn bà. Bà ấy đi rồi. Cả gia đình nhao nhao lên. Bác gái, chị Hai và các anh chị khác đều ghét bà ta. Tôi cũng ghét lây mặc dầu bà ta cho tôi tiền.

Mùa hè năm sau, tôi còn ở Tân An. Người đàn bà ấy tìm đến tiệm may của cô Năm. Bà ta gọi:

- Xuân ơi.

- Dạ

- Chừng nào con về Tân Trụ ?

- Con đợi bác Hai lên rước

- Bây giờ con về với...dì nha

Mắt tôi tìm cô Năm. Cô Năm hiểu ý tôi.

- Ừ, con về với dì...Ba của con đi. Bác Hai lên cô nói dùm cho

Bao giờ tôi cũng thích đi chơi. Dì Ba dẫn tôi về làng...( bây giờ tôi đã quên tên). Đó là một làng nhỏ cách Tân An chừng 6 cây số. Làng ấy đẹp và rất nên thơ. Dù tôi còn nhỏ nhưng tôi biết được cái đẹp của trái lựu kèm một bông đỏ thắm. Một bờ tre đâm rể xuống sông.

flower-row

Hơn một tháng sau bác Hai tìm xuống nhà Dì Ba. Tôi đi chơi về thì nghe tiếng cãi vã lôi thôi trong nhà. Tôi chạy vào. Bác Hai trông thấy tôi ngưng tiếng ngay. Dì Ba ngẩng mặt lên. Tôi thấy 2 đường nước mắt chảy dài trên mặt dì. Cả 2 người im lặng khi nhìn thấy tôi. Riêng tôi, tôi sợ bác Hai đánh. Tôi nhìn bác như một con thú không tự biết lỗi. Không khí bao quanh tôi trở nên nặng nề. Sau một lúc im lặng, Bác Hai gọi:

-Xuân.

Tôi bắt đầu run

-Dạ.

-Sửa soạn theo bác về Tân Trụ.

Tôi đứng yên nhìn dì Ba. Đôi vai nhỏ của người thiếu phụ ấy hơi run. Bác Hai hét lên:

-Mau. Tao không muốn mày ở đây nữa nghe chưa. Rồi chưa?

Tôi sợ hãi và hơi ngạc nhiên.

-Đi ngay bây giờ hả bác ?

-Ừ.

Tôi thưa dì Ba. Dì nhìn tôi, đôi mắt dì hơi máy. Trông nét đau khổ cùng cực ấy, tôi hơi rợn người. Tôi chờ cái gật đầu của dì. Tuy tôi có nét ngạc nhiên nhưng trời không cho tôi linh tánh và tôi rất ngu. Tại sao tôi không tìm hiểu được nét đau khổ của dì Ba. Tại sao dì ấy lại khóc? Tại sao dì ấy lại tìm đến nhà bác tôi và bác tôi biết nhà dì. Ngày ấy không có chữ "tại sao" với tôi.

Tôi theo bác trai trở về Tân Trụ. Về đến nhà, thấy cặp mắt của bác gái và của anh chị con bác, tôi sợ quá. Tôi bị ăn đòn vô cớ. Chính cô Năm cho tôi theo dì Ba cơ mà. Bác gái đánh tôi khi không có bác trai ở nhà. Tôi uất ức nhưng không biết làm gì.

Một buổi chiều ở trường học về. Lúc 5g. Thay vì về nhà cô Năm, tôi lại ra bến xe. Tìm xe đi về nhà dì Ba. Hết xe. Tôi đành đi bộ.Mãnh lực nào xui khiến tôi trở về đây? Đường dài hơn 8 cây số. Trời mỗi lúc càng tối. Chỉ có mình tôi đi thui thủi. Tay ôm cặp da, tay xách nón lá. Đến bây giờ tôi tự hỏi tại sao tôi không đi lạc? Về đến nhà dì Ba lúc đỏ đèn. Hai chân tôi mõi dừ. Gặp tôi dì Ba mừng rỡ:

- Trời ơi, Xuân. Sao con về tối vậy?

- Con đi bộ.

- Có mỏi chân không ? Con không sợ ma sao ? Con còn nhớ đường đi... Rủi con lạc đường con làm sao ?

- Chắc con khóc quá.

- Con ăn cơm chưa?

- Chưa.

- Tội nghiệp. Chắc con đói lắm hả ?

- Dạ.

Nếu dì Ba hỏi tại sao tôi về với dì tôi không biết trả lời sao cả. Dì chưa kịp hỏi tôi. Tôi chưa lựa được câu trả lời. Ngày hôm sau bác tôi xuống. Bác bẻ nhánh ổi làm roi đi vào nhà. Vừa trông thấy bác, tôi chạy trốn sau lưng dì Ba. Bác kêu tôi ra khỏi vạt áo của dì. Tôi cầu cứu:

- Dì Ba !

Bác Hai ngạc nhiên:

- Ai dạy mầy kêu vậy ?

- Cô Năm.

- Cô Năm của mầy ?

- Dạ.

-Xuân, tại sao đi học mầy không về nhà? Để cô năm mầy kiếm tới Tân Trụ lận ? Sao mầy về đây ?...

Thật ra ngày ấy tôi cũng không biết trả lời cách nào. Có lẽ là tôi thích ở đây! hay có một sợi dây vô hình nào ràng buộc tôi với dì Ba. Lần đầu tiên bác Hai đánh tôi. Dì Ba khóc khi thấy tôi hứng những ngọn roi đầu tiên với tiếng khóc "má ơi". Tôi khóc vì bị đòn đau. Dì Ba cũng khóc, lúc đó tôi nghỉ rằng dì Ba ân hận vì đã làm cho tôi quyến luyến chỗ nầy. Tôi đọc được nét buồn bực trên mặt bác tôi.

flower-row

Bác Hai bắt tôi trở về Tân An. Giao người canh giữ tôi cẩn thận.

Tôi rất chăm và rất thích đọc sách. Một hôm Vân dưa cho tôi xem một quyển sách. Tôi quên mất tựa. Nhưng tôi nhớ đó là một quyển sách nói về chính trị. Những nhân vật nổi danh thời bấy giờ đều có trong sách ấy. Hai hôm sau một chiếc xe Công An dừng trước cửa tiệm cô Năm. Người ta mời tôi và cô Năm về trụ sở tại Tân An. Cô Năm sợ xanh mặt. Riêng tôi không biết sợ. Tôi hơi ngạc nhiên khi được mời về đây. Ông Trưởng Phòng Thẩm vấn cầm quyển sách đưa tôi xem:

- Có đọc quyển sách này không?

- Dạ có.

- Đọc tới đâu ?

Tôi lật đến chỗ tôi đã đọc:

- Dạ tới đây.

- Tốt lắm. Bây giờ thì bà ký tên vào tờ cam đoan nầy bà bảo lãnh cho con bà.

Cô Năm cải lại:

- Nó là cháu của tôi.

Ông ấy ôn tồn:

- Bà vẫn có thể ký tên vào đây và cam đoan rằng bà sẽ chịu mọi trách nhiệm về hành động của cô bé ... Nếu sau này ...

Cô Năm đọc mảnh giấy và gật đầu.

- Tôi hiểu.

Trước khi ký tên cô năm quay lại nhìn tôi. Ngày ấy cái nhìn đó không có nghĩa đối với tôi.

Lá xanh hoa tímLá xanh hoa tím

 

Cũng năm đó chị Hai rời Tân Trụ lên ở với tôi. Nhà cô Năm trở nên ấm cúng khi có chị Hai. Chị lớn hơn tôi 2 tuổi và đã học qua những năm tiểu học. Khi tôi được 12 tuổi chị đã bắt đầu biết đơm nút, lượt áo phụ cô Năm. Cô Năm may đồ rất khéo, nấu ăn rất ngon và thêu vẽ rất đẹp. Có lẽ vì vậy mà cô trở nên khó tánh đối với tôi. Một hôm tôi đi chợ về trưa. Cô Năm xuống bếp la rầy tôi:

- Đồ con gái hư. Đi đâu đi cả buổi trời. Không giỏi đi luôn đi ?

- Tại con mua đồ ăn không được.

Cô Năm làm dử:

-Chứ không phải kiếm chuyện la cà ở ngoài chợ ? Nói ra là cải.Hở ra là chống lại, giỏi quá mà ...

Những tiếng cằn nhằn làm tôi bực mình. Tôi không khóc nhưng tôi biết tủi thân. Tại sao má tôi lại bỏ tôi ? Nếu tôi có má, chắc chắn má tôi không có tật cằn nhằn ấy đâu. Buổi trưa có mặt những người thợ may, cô Năm lại kiếm chuyện la rầy tôi. Việc nầy làm tôi xấu hổ.

Nếu tôi có má, má tôi sẽ không làm xấu hổ tôi trước mặt người lạ đâu. Ngày hôm sau cô Năm lại đưa tiền cho tôi đi chợ. Khi tôi về, cô Năm bận có khách. Sau khi kiểm điểm lại tôi thấy thiếu một món đồ. Bao nhiêu ý nghỉ đến với tôi. Lo sợ thì không đúng, buồn vì hoàn cảnh của mình rất nhiều. Nổi buồn từ hôm qua vẫn còn. Câu nói của cô Năm vẫn còn trong trí tôi: "Đi đâu đi cả buổi trời. Không giỏi đi luôn đi?". Đi luôn đi? Ý nghĩ thoáng qua rất mau. Tôi xếp quần áo rất mau và lấy giấy nhật trình gói lại. Tôi đón xe đi xuống Mỹ Tho mặc dầu tôi không quen ai. Tôi đi với một niềm tin. Tôi tin rằng sẽ có người cho tôi ở trọ hay ở mướn cũng được.

Lá xanh hoa tímLá xanh hoa tím

Lên xe tôi quen với một cô gái bán trái cây.

Cô ta hỏi :"Em về Mỹ Tho?"

- Dạ.

- Nhà em ở đâu?

Tôi nhìn người con gái lạ ấy thật lâu:

- Nhà em ở Tân An. Còn chị?

- Nhà chị ở Tân Thạch. Em xuống Mỹ Tho làm gì?

- Em chưa biết làm gì.

- Hay là em ở với chị? Chị có mướn căn nhà dựa trái cây gần bắc Rạch Miểu.

Tôi gật đầu:

- Em về ở với chj.

Tôi phụ chị ấy đem hai giỏ chuối vào nhà. Chị ấy thân mật:

- Em tên gì?

- Xuân.

- Xuân kêu chị bằng chị Hiền nha. Xuân ăn cơm chưa?

- Rồi.(mặc dầu từ sáng đến giờ tôi chưa có hột cơm nào trong bụng)

- Chị cũng ăn rồi. Tưởng Xuân chưa ăn chị đi nấu. À, có chuối, mận, lôm chôm, mảng cầu, Xuân ăn cái gì lấy ăn.

Dầu đói thật nhiều nhưng tôi chỉ ăn một trái chuối.

Chị Hiền đi tắm. Tôi nuốt thật nhanh. Hai trái chuối, một trái mảng càu, một nhánh lôm chôm.

Buổi tối chị Hiền hỏi tôi:

Ba má em còn dủ?

Tôi nói dối:

- Má em chết.Ba em có vợ khác. Ba em mắc làm việc ở Sài Gòn. Má ghẻ dằn vật em hoài. Không chịu nổi nên em đi.

- Tội nghiệp em tôi quá. Năm nay em bao nhiêu tuổi?

- 12.

Sáng hôm sau chị Hiền đem trái cây ra chợ bán. Tôi chỉ việc giết thì giờ bằng cách quét dọn trong nhà. Trưa tôi ra chợ. Đồ ăn chị Hiền đã để sẵn trong giỏ. Tôi xách giỏ. Chị Hiền lo đem trái cây về. Dầu đói lả nhưng tôi không muốn chị Hiền biết. Tôi kiên nhẫn đợi chờ bữa cơm. Sau một ngày nhịn đói tôi ăn rất ngon, nhưng không dám ăn nhiều.

Giữa cánh đồng hoa

 

(Còn nữa)

 

Không có nhận xét nào: