Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/494626/Cam-Ranh-loi-long.html ;đăng ngày 02/06/12,mục Thời sự-Suy nghĩ.
Cam Ranh lơi lỏng
TT - Cam Ranh là thành phố nhỏ nằm ở phía nam tỉnh Khánh Hòa, giáp Ninh Thuận. Cam Ranh có gì quý giá? Trang web của thành phố nhỏ này viết như sau: “Cam Ranh có nhiều cảnh đẹp nổi tiếng như hòn Rồng, hòn Quy, núi Cam Linh...
Sản vật của Cam Ranh xưa nay nổi tiếng như sò huyết Thủy Triều, tôm hùm Bình Ba, hàu Trà Long, ốc tai tượng, muối Cam Ranh, xoài Thanh Ca...”. Thật ra, cái quý nhất của Cam Ranh không phải là những thứ đó. Cái quý nhất của Cam Ranh được tạp chí Hải quân Mỹ Proceedings số tháng 10-1991 viết như sau: “Ai làm chủ được Cam Ranh sẽ làm chủ được vùng biển Đông Nam Á và biển Đông”.
Chính vì vậy khi báo chí đưa tin người Trung Quốc lập bè cá cách quân cảng Cam Ranh có vài trăm mét, người dân VN mới lao xao. Chứ nếu Cam Ranh chỉ có tôm hùm Bình Ba, hàu Trà Long... thì chẳng có gì phải nói.
Nhân câu chuyện mấy hôm nay dân tình lao xao về việc bè cá Trung Quốc ở sát quân cảng Cam Ranh, tôi chợt nhớ đến chuyện của mình:
Cuối năm 1975, gia đình tôi khi ấy ở Nha Trang, theo chủ trương của Nhà nước nên đã vào Cam Ranh mua đất làm nông. Mảnh đất ấy ở cây số 8 thuộc khóm Hòa Do, xã Cam Phúc (bây giờ là phường Cam Phúc Nam). Nơi ấy chẳng phải khu quân sự mà chỉ gần thôi. Cụ thể ở phía sau 2km, sát chân núi Hòn Rồng là một đơn vị bộ đội tên lửa, phía trước mặt là đầm Thủy Triều rồi mới đến khu vực quân sự thuộc quân cảng Cam Ranh. Nếu tính trung tâm chính của quân cảng Cam Ranh (Ba Ngòi) thì chỗ nhà tôi ở cách xa đến 8km. Ngày đó, khi còn là học sinh của Trường THCS Cam Phúc, lâu lâu vào những dịp đi lao động toàn trường, chúng tôi mới có dịp qua quân cảng bằng chiếc cầu ở Mỹ Ca để trồng rừng. Mỗi lần đi lao động đều có thầy cô cùng các chú bộ đội theo sát để quản lý.
Gia đình tôi sống ở đó được gần bốn năm thì phải chuyển đi vì không được nhập hộ khẩu, với lý do mà chính quyền xã Cam Phúc lúc đó đưa ra là: hạn chế nhập hộ khẩu ở nơi này vì gần khu vực quân sự.
Dĩ nhiên, chuyện của những năm 1979-1980 phải khác với chuyện bây giờ. Trong trang web của TP Cam Ranh có viết: ”Sau gần hai thập kỷ được sử dụng cho mục đích quân sự, Chính phủ đã cho phép Khánh Hòa sử dụng phần phía bắc bán đảo Cam Ranh cho phát triển kinh tế. Chủ trương này đã được Chính phủ cụ thể hóa trong quyết định số 101/2003/QĐ-TTg ngày 20-5-2003”. Nhờ đó chúng ta mới được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của con đường men theo bãi Dài từ Nha Trang vào sân bay Cam Ranh.
Nhưng mở cửa không đồng nghĩa với việc không kiểm soát, ai vào ra làm gì cũng được. Chủ trương của Chính phủ nêu rất rõ là cho phép Khánh Hòa sử dụng phần phía bắc bán đảo Cam Ranh cho phát triển kinh tế. Nghĩa là phần phía nam của bán đảo vẫn là khu quân sự. Mà đã là quân sự thì không được phép lơ là. Và cũng cần phải nhớ rằng ở bất cứ nơi đâu trên đất nước chúng ta chứ không chỉ những nơi gần khu quân sự, quy định phải trình báo tạm trú, tạm vắng vẫn còn nguyên giá trị. Ấy vậy mà nhiều bè cá hoành tráng của những người Trung Quốc đã xuất hiện sát quân cảng, ở phía nam của bán đảo gần chục năm.
Khi gắt thì đến độ dân mình cũng cấm nhập hộ khẩu dù ở cách quân cảng đến 8km! Còn bây giờ dễ thì đến mức mất cảnh giác khi người lạ vào sát nhà mà vẫn cứ tỉnh bơ. Một sự lơi lỏng đến lạ kỳ của chính quyền địa phương tại Cam Ranh.
Huy Thọ
Tin liên quan:"Người TQ dựng bè cá kiên cố trên vịnh Cam Ranh" - xem tại http://tuoitre.vn/Kinh-te/494259/Nguoi-TQ-dung-be-ca-kien-co-tren-vinh-Cam-Ranh.html.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét