Copy từ Bán nguyệt san Thuốc & Sức khỏe (báo in) số 453 (ngày 01/06/12),trang 10.
Ngộ độc chì & cách phòng tránh
Copy từ Bán nguyệt san Thuốc & Sức khỏe (báo in) số 453 (ngày 01/06/12),trang 10.
Từ sau Tết Nhâm Thìn đến nay, có 130 trẻ bị ngộ độc chì, những ngày gần đây, mỗi ngày bệnh viện Bạch Mai có 30 - 40 em đến kiểm tra ngộ độc chì do dùng thuốc cam. Thanh tra Bộ Y tế đã phát hiện các cơ sở sản xuất thuốc này. Ngoài ra, cần biết các lý do nhiễm độc chì khác để có biện pháp phòng tránh.
Chì có ở đâu?
Nồng độ chì trong máu người ở các nước công nghiệp phát triển dưới 10 mcg/dL, ở Việt Nam (theo vài nghiên cứu) khoảng 20 mcg/dL. FDA quy dịnh chì trong mỹ phẩm không vượt quá 0,1 ppm, trong ống nước làm bằng sắt phải < 0,6%.
- Trong thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc:Vị thuốc hồng đơn có chứa chì. Y học cổ truyền có dùng vị này để chế thuốc dùng ngoài. Một số cơ sở y học cổ truyền hành nghề không giấy phép đã dùng vị này sản xuất thuốc cam dùng để uống. Tại bệnh viện Bạch Mai, khi kiểm tra máu của trẻ em bị ngộ độc thuốc cam thấy nồng độ chì trong máu ở các em này rất cao: trên 200mcg/dL (gấp 10 lần thông thường).
- Trong các nơi khác: Trước đây dùng chữ bằng chì trong nhà máy in, nay in bằng laser không dùng chữ bằng chì nữa. Nhưng chì vẫn còn ở nhiều nơi khác.
* Trong các cơ sở sản xuất sơn đánh bóng, bột màu vẽ, ắc quy, tái chế ắc quy, trobf đồ nhựa plastic, đồ gốm (màu vẽ trên sản phẩm)...
* Trong khu khai thác chì.
* Trong mỹ phẩm: Năm 2007, Yổ chức bảo vệ người tiêu dùng Mỹ phát hiện một số loại sơn môi nổi tiếng (Cover Girl Loreal, Christian Dior) có hàm lượng chì tới 0,65ppm (quá mức quy định của FDA). Kế đó, các nước Trung Mỹ cũng phát hiện ra tỷ lệ chì khá cao trong mỹ phẩm của Trung Quốc.
* Trong thực phẩm: Chỉ có trong một số thực phẩm khô chế biến sẵn của Trung Quốc bán tại Malaysia và có bán tại TP. Hồ Chí Minh như xí muội Songxinhlianguoxilie, xí muội Waganguoxilie, mứt Kiwi có hàm lượng chì lần lượt là 0,150 - 0,117 - 0,128mg/kg,cao hơn giới hạn cho phép nhiều lần (Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh phát hiện tháng 11/2009).
* Trong đồ chơi, đồ dùng trẻ em: Các viên bi, viên dẹt (dùng đánh đáo), các đồ chơi kim loại hàn chì rồi sơn với nước sơn pha chì (xích đu); các bàn ghế nhỏ làm bằng nhựa phủ màu bằng sơn chì; đồ chơi trẻ em vẽ hình bằng sơn màu chứa chì; bút chì.
* Trong các dụng cụ có hoa văn như đia,bát,tách ly (khi tiếp xúc với các loại thức ăn nóng có tính acid, chì trong bột màu vẽ hoa văn bị thôi ra).
* Trong một số dụng cụ thường dùng: Các bình thiếc chứa nước, dụng cụ chưng cất thủ công và đựng rượu. Các ống dẫn nước cũ bằng kim loại có chì với hàm lượng >0,6% (vượt quá giới hạn của Mỹ).
* Trong bao bì tận dụng: Tận dụng hộp đựng sơn, bột màu để chứa lương thực thực phảm, để muối dưa (do có thể tích thích hợp, có nắp đậy kín, nên nhiều người thích).
* Nhà quá cũ hay khi đập phá nhà cũ, sơn có chứa chì bong ra; người phá nhà, trẻ chơi lê la, nghịch đất sẽ bị nhiễm chì.
* Nước nhiễm chì từ các khu khai thác chế biến chì thoát ra làm cho đất và nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm, lại dùng đất đó trồng cây lấy củ hay dùng nguồn nước đó tưới rau, làm cho rau củ cũng bị nhiễm chì theo.
* Trong dụng cụ đánh bắt hải sản: Chì làm vật nặng ở đầu dây câu, ở lưới bắt cá.
Biểu hiện của ngộ độc chì
- Ngộ độc chì mạn: Chì nhiễm vào người rồi gắn vào xương, răng và ở đó hàng chục năm; răng bị đen xỉn đi, ở lợi có đường chì Burton, vết Glubler ở niêm mạc miệng (màu xanh tím), hay bị đau tê ở đầu ngón chân ngón tay, bắp thịt yếu hay mỏi, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi thiếu máu, thỉnh thoảng bị tụt huyết áp, đau bụng dữ dội (cơn đau bụng chì),thay đổi tâm trạng, hay quên, giảm tập trung, giảm trí nhớ, rất dễ nhầm lẫn với các biểu hiện suy nhược cơ thể chưa rõ nguyên nhân.
Riêng với trẻ em, nếu nhiễm độc chì từ sớm sẽ yếu cơ bắp, đi không vững, có tính cáu kỉnh, kém tập trung hay lên cơn kinh phong, đặc biệt có tính hay gây gỗ, lên kinh phong thường xuyên, đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận có khi dẫn tới tử vong, đa số chậm phát triển trí tuệ...
Chì gây viêm đa dây thần kinh, nét đặc trưng là rối loạn vận động - teo cơ trong khi lại ít biểu hiện các rối loạn cảm giác. Thường liệt vận động, liệt cơ căng tay, các cơ khác cũng có bị liệt ít hơn. Bắt đầu liệt ngón tay, bàn và cổ tay hai bên, đôi khi liệt một bên trước. Hiếm khi bắt đầu bằng liệt hai chân. Khi tiến triển thường có liệt hai tay, thường có "liệt dây quay giả", tay rũ xuống, không làm được động tác "xin thề", tư thế bàn tay rũ xuống, gọi là "bàn tay cổ thiên nga".
- Ngộ độc cấp: Kiệt sức, nôn mửa, co giật. Nếu chỉ dựa vào các biểu hiện này có thể chẩn đoán nhầm. Tuyến Trung ương còn chụp cộng hưởng từ não, phân tích nồng độ chì trong máu mới có được kết luận chắc chắn.
Với trẻ em,theo trường Y tế Cộng đồng Harvard, phơi nhiễm chì có thể gây kém phát triển năng lực trí tuệ, giảm năng lực chú ý,ghi nhớ, bất thường về hành vi, ung thư, đột quỵ, huyết áp cao,thiếu máu, chậm dậy thì, bệnh về thận; trẻ 5-10 tuổi có chỉ số IQ thấp, theo Cơ quan Kiểm soát bệnh Mỹ (CDC), trong 300.000 trẻ bị chứng giảm tập trung tăng động (ADHD) tham gia nghiên cứu đều có liên quan đến phơi nhiễm chì.
Biện pháp phòng ngừa ngộ độc chì
Không dùng thực phẩm, thuốc không rõ nguồn gốc (như các loại thuốc cam).
Nghiên cứu loại bỏ một số sản phẩm chứa nhiều chì trong đồ dùng, đồ chơi trẻ em thay bằng một số sản phẩm có tiêu chuẩn chì dưới mức cho phép.
Không tận dụng các loại bao bì chứa các sản phẩm có nhiều chì. Nếu có thể thì thay thế các sản phẩm chứa nhiều chì (ống dẫn nước bằng kim loại) bằng sản phẩm không chứa chì (ống dẫn nước bằng nhựa).
Cơ sở sản xuất, sửa chữa, tái chế chì cần để xa khu dân cư (hiện còn ở trong vườn nhà). Người lao động cần có bảo hộ lao động, tập thói quen như rửa tay trước khi ăn.
Chú ý chọn đồ chơi cho trẻ em; huấn luyện cho các em không ngậm đồ chơi, dụng cụ có chì hay sơn chứa chì, không lê la ở những tường cũ, tường bị phá có nhiều mảng sơn chứa chì tróc ra, không quên rửa tay sau khi chơi.
Khi có các biểu hiện ngộ độc chì, cần đưa sớm lên tuyến trên khám,điều trị.
Theo CDC: Tại Mỹ, trước năm 1978 có khoảng 1,5 triệu trẻ em có nồng độ chì-máu cao hơn 10mcg/dL; sau khi giảm nhiều sản phẩm gia dụng đánh bóng bằng chì (nhất là đồ chơi trẻ em) thì tới năm 2002 số em có nồng độ chì-máu cao hơn 10mcg/dL chỉ còn 310.000 em.
Một số người cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai có nồng độ chì-máu 65mcg/dL, riêng số trẻ em nhập viện tháng 11 năm 2011 có nồng độ chì-máu trên 200mcg/dL (do uống thuốc cam, thuốc tể nhiều ngày, hay dùng thuốc bôi nhiều lần lên lưỡi khi bị tưa lưỡi, lên vết lỡ loét - kể cả trong bệnh tay chân miệng).
DS.Bùi Văn Uy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét