Ngày 04.08.2008 Giờ 14:24
Sự thực thiết bị tiết kiệm xăng cho xe máy
Đánh vào nhu cầu tiết kiệm xăng, thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm hoặc phương pháp tiết kiệm xăng cho xe gắn máy. Công dụng của sản phẩm này thực hư tới đâu?
Hình minh họa:Mỗi động cơ xe máy xuất xưởng đều được tính toán rất kỹ, kể cả yếu tố tiết kiệm xăng
Các cách thức đều tập trung vào việc gắn kèm hoặc thay thế cho những bộ phận gây tiêu hao nhiên liệu ở xe gắn máy, xe tay ga như: bình xăng con, nhông – sên – đĩa, bugi…
Các tiệm sửa xe khuyên người tiêu dùng nên thay thế bugi thường bằng loại bugi bạch kim (bugi iridium) và đi kèm với bugi bạch kim là dây chụp bugi tăng áp cũng của NGK gắn phía trước bugi.
Ở vị trí nhông – sên – đĩa có sản phẩm bộ đĩa chạy trớn do công ty Lâm Hưng Phát sản xuất. Bộ đĩa chạy trớn được giải thích có nguyên lý hoạt động tựa như loại líp xe đạp, khi xe hoạt động ở tốc độ nhanh nhờ vào đĩa chạy trớn ở bánh xe sau sẽ trượt nhanh hơn bánh xích nên dây sên ngừng chuyển động, không cần tăng ga cho xe nữa, chuyển động thành tương tự như xe tay ga. Như vậy sẽ có tốc độ ổn định hơn, không cần tiêu hao nhiên liệu nhiều cho xe.
Còn ở vị trí bình xăng con có nhiều sản phẩm nước ngoài và Việt Nam sáng chế như Ecomax, Superione,… Nguyên tắc chung của thiết bị này được quảng cáo là “kiểm soát” việc tiêu hao nhiên liệu triệt để ở bình xăng con giúp tiết kiệm nhiên liệu.
Đĩa chạy trớn có nguy hiểm?
Khi xe đang chạy, người sử dụng giữ ga ở mức bình thường, nếu có vật cản băng ngang, đột ngột thì ngưng ga, động cơ sẽ khựng lại một chút cho người sử dụng có thời gian đạp thắng. Nhà sản xuất đã tính tới yếu tố này nhằm bảo vệ an toàn cho người sử dụng bằng việc khựng lại của động cơ. Trong trường hợp nếu lắp đĩa chạy trớn, dù không giữ ga nữa xe vẫn còn một quán tính lướt tới thì nguy cơ đạp thắng gấp sẽ rất nguy hiểm, hiện tượng trợt bánh xe sau có thể xảy ra. Với loại xe máy 4 thì, việc lắp đĩa chạy trớn lại không cần thiết vì người sử dụng đã có thể dùng phương pháp cài số mo (giữ ga và đạp giữ nguyên cần số) thì sẽ vẫn lướt tới chạy trớn tiết kiệm xăng. (Ông Đinh Bá Phong, phụ trách đào tạo sửa chữa xe máy của Yamaha)
Thực hư của những sản phẩm này như thế nào? Ông Đinh Bá Phong, phụ trách đào tạo sửa chữa xe máy của Yamaha cho biết: “bugi bạch kim đã xuất hiện từ lâu rồi, ưu điểm của loại này là thời gian sử dụng lâu đến 100.000km mới cần thay thế. Trong suốt thời gian sử dụng không cần phải sửa chữa. Khi bugi bạch kim kết hợp với dây chụp tăng áp thì hiệu quả tương tự như một vận động viên điền kinh sử dụng doping, hiệu quả về đánh lửa cho động cơ mạnh hơn, đốt cháy nhiên liệu triệt để. Nhưng người sử dụng phải lưu ý, mỗi một loại xe đều dùng đúng một loại bugi thích hợp chẳng hạn như Jupiter sử dụng loại bugi NGK C6HSA, xe Exciter 135cc sử dụng bugi NGK CPR8EA-9… Vì khi một chiếc xe ra đời thì hãng sản xuất đã tính toán rất kỹ để chọn loại bugi phù hợp.
Do vậy việc thay thế một loại bugi khác để tiết kiệm hơn là sai lầm vì nếu thay không đúng chủng loại có thể làm ảnh hưởng hệ thống đánh lửa của động cơ hoặc gây hiện tượng quá nhiệt trong việc đốt cháy nhiên liệu, làm giảm tuổi thọ động cơ. Việc thay bugi bạch kim và dây tăng áp là không cần thiết vì mỗi động cơ được hãng sản xuất kiểm định và thử nghiệm với nhiều tiêu chuẩn mà thợ thông thường không làm được. Nếu thật sự muốn tiết kiệm xăng hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào quan niệm sử dụng xe khi chạy”.
Còn sản phẩm lắp ở bình xăng con kiểm soát việc tiêu hao nhiên liệu, theo nhiều chuyên gia: "Đều không có tác dụng tiết kiệm từ 15 – 20% nhiên liệu như quảng cáo do việc vận chuyển xe máy ở nước ta khá phức tạp về cách thức như đường kẹt xe, trọng lượng tải, vỏ xe không phù hợp… Trong khi đó sản phẩm này chủ yếu lại được kiểm tra và đo lường theo cách thức thời gian sử dụng và số lượng kilômét vận hành ngẫu nhiên theo từng đoạn đường hoặc thời gian sử dụng.
Bugi bạch kim của NGK giá 180.000 đồng/cái
Tiệt kiệm xăng cần hiểu cho đúng
Ông Lê Xuân Tới, khoa cơ khí động lực, trường Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết: “Một động cơ muốn hoạt động được phải có 3 yếu tố: sức nén, xăng và lửa. Sức nén chính là áp lực nén đo được ở lỗ bugi, mỗi động cơ có tỷ số nén khác nhau và nằm trong phạm vi cho phép mà nhà sản xuất xe quy định. Xăng ở đây là tỷ lệ xăng – gió sử dụng của xe phối hợp đúng tỷ lệ quy định. Lửa chính là tia lửa điện phải mạnh, “nẹt” bugi đúng thời điểm để đốt cháy nhiên liệu triệt để. Như vậy một động cơ xe hoạt động tiết kiệm nhiêu liệu cần phải bảo đảm ba yếu tố đó. Và để đạt được sự ổn định, người sử dụng nên bảo trì và chăm sóc xe thường xuyên chứ không phải chạy đến khi mòn, rồ ga không nổi rồi mới đem sửa chữa. Việc người sử dụng mua thêm những sản phẩm lắp vào để cải thiện việc tiết kiệm xăng là không cần thiết.
Theo ông Tới, để một chiếc xe tiết kiệm cần phải bảo trì chăm sóc kỹ lưỡng, bình quân ba tháng/lần kết hợp với phương pháp chạy xe hợp lý. Mỗi một xe gắn máy đều có một tốc độ trung bình tiết kiệm xăng. Chẳng hạn với xe 100 phân khối thì tốc độ từ 40 – 60km/h là tốc độ tiết kiệm xăng nhất. Khi người sử dụng khởi động xe chính là lúc xăng hao nhất, khi chạy cầm chừng lên ga từ từ thì ít hao hơn và nếu chạy đều ga với tốc độ hợp lý thì ít hao nhất và càng tăng tốc thì càng hao nhiều. Nắm được nguyên tắc này, khi gặp kẹt xe, ngã tư đèn đỏ thì không nên tăng cấp kỳ mà chỉ cần nhích nhẹ từ 1/3 – 2/3 ga tránh ít hao xăng và giữ ở tốc độ hợp lý thì chính là tiết kiệm xăng.
Anh Vũ
Thay bugi cũng là một cách tiết kiệm xăng
Đĩa chạy trớn giá 350 ngàn đồng/cái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét