Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Tắm rừng, khi không ở gần rừng

 

Tắm rừng, khi không ở gần rừng

HỒNG VÂNdvnien copy từ https://cuoituan.tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 10/08/2023 06:10

TTCT - Tắm rừng được xem một phương pháp trị liệu trong đó con người kết nối với thiên nhiên bằng tất cả các giác quan của mình như thị giác, khứu giác, thính giác. Nhưng nếu không thể vào rừng thì phải làm sao?

Ảnh: Adobe Stock

Ảnh: Adobe Stock

Một buổi sáng cuối tuần tháng 2-2023, Dana Covit, một người viết tự do ở Mỹ, tham gia hoạt động đi bộ trong rừng do một nhóm yêu thiên nhiên tổ chức ở Los Angeles. Trong không gian được bao trùm bởi màu xanh của những cây cối và sự yên tĩnh, người thì ngắm những chiếc lá, người ngồi lặng lẽ dưới tán cây ngắm chim trời.

Covit ôm một cái cây. "Tôi không nghĩ chạm vào cây lại mát đến thế. Tôi ghé mũi mình vào vỏ cây và hít một hơi thật sâu, nhắm mắt để tập trung vào cảm nhận của mũi. Tôi ngửi được mùi thơm thoang thoảng, có vẻ quen thuộc. Lớp vỏ cây mới xù xì làm sao. Thật ngạc nhiên, tôi thấy mình thì thầm với cái cây "xin chào bạn"" - cô hào hứng kể lại trong bài viết "Vì sao mọi người nên thử tắm rừng" trên tạp chí Vogue.

Quan hệ sâu sắc với thiên nhiên

Tìm cảm giác thư thái khi đắm mình giữa thiên nhiên không phải là đặc quyền của người Nhật, nhưng chính họ đã nghĩ ra chữ tắm rừng (shinrin-yoku) và góp phần quảng bá nó khắp thế giới.

Lịch sử shinrin-yoku bắt đầu vào khoảng đầu những năm 1980 khi đa số người dân rời nông thôn đến các thành phố lớn để làm việc trong nhà máy, công ty trong giai đoạn kinh tế bùng nổ. Mặc dù đời sống khá hơn, người Nhật nhận ra họ bị mất kết nối với thiên nhiên và trào lưu tắm rừng nổi lên. Kể từ đó, Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu tác động sức khỏe của tắm rừng.

Để có kết luận chính xác, các nhà khoa học đã đo các chỉ số như huyết áp, nhịp tim, nồng độ hormone gây căng thẳng, phản ứng của hệ miễn dịch và cảm giác hạnh phúc nói chung của những người trải nghiệm tắm rừng.

Những chỉ số đều tích cực khiến tắm rừng được khuyến khích và nhân rộng. Rất nhiều đường mòn tự nhiên trong rừng đã được thiết kế trên khắp đất Nhật Bản để người dân dễ dàng đến với thiên nhiên và cải thiện sức khỏe.

Alyssa Benjamin, người hướng dẫn hoạt động tắm rừng ở Los Angeles, cho biết: "Ngày nay, để thực hiện được những hoạt động như tắm rừng, dù trong đô thị, là cả một nỗ lực của người tham gia vì dường như hoạt động này đi ngược lại nhịp điệu của xã hội và cuộc sống đô thị".

Các thành viên ban tổ chức như Benjamin cố gắng để người tham gia chỉ cần có mặt và trải nghiệm chứ không cần phải chuẩn bị bất cứ kiến thức hay kỹ năng gì. Nhóm cũng không nhất thiết phải vào rừng mà có thể gặp nhau ở công viên hoặc vườn bách thảo. 

Buổi tắm rừng trong công viên giữ các yếu tố chính của tắm rừng gồm: để người tham gia tự cảm nhận thiên nhiên bằng các giác quan và sau đó chia sẻ trải nghiệm của họ với nhóm.

Tắm rừng, khi không ở gần rừng - Ảnh 2.

Trong hoạt động tắm rừng ở Los Angeles, khi đã vào công viên, mỗi người có khoảng 10 hoặc 15 phút tự khám phá theo ý thích. Họ có thể tập trung ngửi mùi rừng, ngắm cây, lá, hoa… hay ôm một cái cây. Sau đó họ trở về nhóm lớn và chia sẻ những gì mình cảm nhận.

Julie Sczerbinski, một người tham gia trải nghiệm tắm rừng, cho biết cô thích cảm giác được để tâm trí tự do và để cơ thể kết nối với thiên nhiên, cây cối bằng mắt, bằng da, bằng cách hít căng lồng ngực mùi rừng và thư giãn trong tiếng nhạc rừng do cành lá, chim muông hòa tấu.

Will Davies cho biết trải nghiệm tắm rừng giúp anh nhận ra trước đây mình đến với thiên nhiên nhưng không thực sự hòa mình cùng thiên nhiên. "Tôi nhận ra đi bộ đường dài là để hoàn thành một cung đường, cắm trại là để tụ tập với bạn bè. Nhưng với tắm rừng, tôi tiếp cận thiên nhiên với các chiều sâu hơn" - anh nói.

Nhiều người khác cũng đồng tình với Will rằng họ trước đây chỉ có mặt giữa thiên nhiên mà không có kết nối. Với tắm rừng, họ thiết lập một quan hệ hai chiều sâu sắc với thiên nhiên qua sự đụng chạm, lắng nghe, cảm nhận và từ đó cảm thấy trân quý thiên nhiên.

Pam Soffer cho biết cô thích nghe mọi người chia sẻ về cảm nhận của mình. "Khi nghe chia sẻ của những người khác, điều đó rất đặc biệt. Sự chân thành trong câu chuyện của họ mang lại cho tôi cảm giác hy vọng về con người, hành tinh và tất cả mọi thứ".

Khoa học của tắm rừng

Kết nối với thiên nhiên, đặc biệt là trong rừng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Các nghiên cứu đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy tắm rừng có thể cải thiện cảm xúc và nhận thức.

Về cảm xúc, khi bị căng thẳng, hormone cortisol được giải phóng vào cơ thể. Căng thẳng lâu dài và sự gia tăng mãn tính của cortisol gây huyết áp cao, bệnh tim, đau đầu và nhiều bệnh khác. Trong các thử nghiệm, mức độ cortisol của người đi bộ trong rừng giảm so với những người đi bộ trong môi trường là phòng thí nghiệm.

Ngoài làm giảm đáng kể nồng độ cortisol giúp giảm căng thẳng, tắm rừng có thể tăng cường hoạt động ở vùng não trước trán - vùng não liên quan đến khả năng ra quyết định và nhận thức, cũng như ở hệ thần kinh giao cảm - chịu trách nhiệm thư giãn và nghỉ ngơi.

Nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy ở những người dành 3 ngày 2 đêm trong rừng, số lượng và hoạt động của các tế bào miễn dịch giúp chống lại các vi rút tăng lên so với ở những người chỉ đi dạo trong thành phố. Lợi ích này duy trì hơn một tháng sau chuyến đi rừng!

Tắm rừng, khi không ở gần rừng - Ảnh 3.

Nhiều nghiên cứu cho thấy tiếp xúc với tinh dầu từ cây rừng giúp giảm trầm cảm, hạ huyết áp và cũng có thể làm giảm lo lắng. Đáng chú ý nhất là hợp chất hữu cơ (dạng tinh dầu) dễ bay hơi do cây và các loại thực vật khác tiết ra được gọi là phytoncides. 

Nói nôm na, phytoncides tạo nên mùi rừng. Khi hít vào, phytoncides mang lại cảm giác dễ chịu, cải thiện tâm trạng và giúp tăng cường hệ miễn dịch của chúng ta. Tốt không kém phytoncides là terpen - một hợp chất hữu cơ có trong nhiều loại thực vật với nhiều lợi ích sức khỏe như chống viêm, giảm đau và kháng khuẩn. 

Một số terpen được sử dụng để giúp thư giãn. Nhiều loại cây chứa tinh dầu 3-carene. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy chất này có thể giúp giảm viêm, bảo vệ chống nhiễm trùng, giảm lo lắng và tăng chất lượng giấc ngủ.

Tắm rừng trong thành phố

Dù lợi ích của việc gần gũi thiên nhiên là rõ ràng và thuyết phục, với hầu hết cư dân đô thị, thu xếp để có 3 ngày 2 đêm đi nạp năng lượng ở rừng là việc khá khó khăn. Nhưng có vẻ như trong lúc chờ cơ hội để thực hiện những chuyến tắm rừng trên cả tuyệt vời, trải nghiệm thiên nhiên ở công viên hay vườn bách thảo trong một vài giờ mỗi tuần cũng hữu ích.

Một nghiên cứu ở Anh với gần 20.000 người kết luận rằng nếu không thể vào rừng thì hãy cứ đến với không gian xanh trong đô thị. Ở môi trường có thiên nhiên từ hai tiếng trở lên mỗi tuần cũng đủ để cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Hai tiếng này cũng không nhất thiết phải diễn ra trong một chuyến đi mà có thể là nhiều chuyến đi ngắn cộng lại.

Trường hợp không thể đi, như với những người phải nằm trên giường bệnh, việc ngắm thiên nhiên qua khung cửa vẫn tốt hơn là ngắm vách tường. So sánh thời gian hồi phục của những bệnh nhân phẫu thuật cắt túi mật nằm phòng có cửa sổ nhìn ra thiên nhiên bên ngoài với thời gian hồi phục của những người nằm phòng không có cửa sổ hoặc chỉ có bức tường bên ngoài cửa sổ, một nghiên cứu nhỏ cách đây nhiều năm chỉ ra rằng những người được thấy thiên nhiên hồi phục nhanh hơn. Họ cũng cần ít thuốc giảm đau hơn. Trong trường hợp này, thiên nhiên giống như liều thuốc trợ lực cho bệnh nhân.

Ảnh: Adobe Stock

Ảnh: Adobe Stock

Một nghiên cứu công bố năm 2022 về tác động của thiên nhiên với thần kinh cho thấy đi bộ 60 phút mỗi ngày trong môi trường thiên nhiên có thể làm giảm hoạt động ở hạch hạnh nhân - vùng não liên quan đến xử lý căng thẳng. 

Nhóm tác giả hy vọng kết luận của họ sẽ được các nhà quy hoạch đô thị lưu tâm để ưu tiên quy hoạch không gian cho mảng xanh trong thành phố. Công viên và các mảng xanh sẽ khuyến khích người dân đi bộ, góp phần nâng cao sức khỏe tổng thể, "giảm bớt những tác động tiêu cực của [môi trường] đô thị đến sức khỏe tâm thần".

Sonja Sudimac, nghiên cứu sinh tiến sĩ về khoa học thần kinh môi trường và là tác giả chính của nghiên cứu, nói với báo Medical News Today: "Hơn một nửa dân số thế giới sống ở các thành phố lớn. 

Quá trình đô thị hóa vẫn gia tăng nhanh chóng. Cư dân đô thị cần được tiếp cận với công viên hoặc các khu rừng gần nhà để có thể [nạp năng lượng] sau khi một ngày mệt mỏi".

Theo Sudimac, nếu quá bận rộn và 60 phút đi bộ cũng là xa xỉ, đi bộ 15 phút cũng mang lại lợi ích. Có nhiều bằng chứng cho thấy các chỉ số sinh lý báo hiệu căng thẳng, như cortisol bắt đầu giảm sau 15 phút đi bộ giữa thiên nhiên so với đi bộ trong môi trường đô thị.

Công viên là những mảng xanh tuyệt vời cho cư dân đô thị. Nhưng đô thị cũng có đô thị kiểu rừng bê tông hay kiểu rừng trong thành phố.

Nếu may mắn sống ở nơi có rừng trong thành phố, những không gian xanh chính là lời mời gọi người dân đến với thiên nhiên.

Điều mới và đáng chú ý là các công viên ở Mỹ rất tích cực trong các sáng kiến giúp người dân có sức khỏe tốt hơn. Ban quản lý các công viên là đối tác với các công ty bảo hiểm và bệnh viện. Trong một số trường hợp, các bệnh viện đã đầu tư cho các công viên như một biện pháp phòng bệnh.


Không có nhận xét nào: