Đại gia sa chân chốn lao tù - Kỳ 4: Vua dầu trộn Anthony 'Tino' De Angelis lừa cả 51 ngân hàng Mỹ
Trong gần hai thập niên, Anthony "Tino" De Angelis, vua dầu trộn, đã thao túng dầu đậu nành ở Mỹ với hàng loạt mưu ma chước quỷ như bồn chứa không có thật, hóa đơn giả, mánh khóe lũng đoạn thị trường và đã lừa được số tiền khổng lồ.
Tuần báo tài chính MoneyWeek (Anh) đánh giá trong gần hai thập niên, Anthony "Tino" De Angelis đã thao túng dầu đậu nành ở Mỹ với hàng loạt mưu ma chước quỷ như bồn chứa không có thật, hóa đơn giả, mánh khóe lũng đoạn thị trường và đã lừa được số tiền khổng lồ đến hơn 1 tỉ USD theo thời giá hiện nay.
Vụ án lừa đảo vô tiền khoáng hậu, hàng chục ngân hàng lớn nhỏ ở Mỹ đã bị "vua lừa" này qua mặt một cách vừa tinh vi vừa thô thiển đến khó ngờ. Đến nay, vụ án De Angelis vẫn là thời sự, bài học "máu xương" không được phép quên của các tổ chức tài chính.
De Angelis: Tham vọng kiếm tiền, bất chấp tất cả
De Angelis chào đời vào đầu tháng 11-1915 trong khu phố Harlem ở New York (Mỹ). Năm 16 tuổi ông đã bỏ học, mượn 500 USD của cha là công nhân đường sắt để hùn vốn mở cửa hàng bán kẹo. Cửa hàng phá sản, tiền không còn một xu, ông vào làm trong chợ cá.
Ba năm sau ông đã lên chức quản lý rồi làm quản đốc cho một cơ sở chế biến thịt heo ở Bronx. Năm 1938, ông đầu tư vào lò mổ M&D Cutters ở New York và ba năm sau thu về 300.000 USD.
Ẩn sau ngoại hình cao chỉ 1,65m, thân người tròn quay, tóc chải ngược, đeo cặp kính gọng sừng là tham vọng kiếm tiền bùng cháy.
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, ông thành lập công ty đóng gói thịt. Năm 1947, ông ký hợp đồng thịt xông khói trị giá 1 triệu USD với Nam Tư. Khi Nam Tư kiện vì hàng hư hỏng, ông sẵn sàng đền bù 100.000 USD.
Trang AgWeb (Mỹ) nhận xét De Angelis là người thừa nhạy bén nhưng lại thiếu thận trọng trong kinh doanh.
Ông chiếm đa số vốn và giữ chức chủ tịch Công ty đóng gói thịt Adolf Gobel ở North Bergen, sau đó giành được hợp đồng thực hiện chương trình bữa trưa học đường của Bộ Nông nghiệp với hơn 8.600 tấn thịt hun khói.
Hơn 900 tấn thịt không qua kiểm tra phải hủy bỏ. Ông đồng ý nộp 100.000 USD. Vài tháng sau, do ông bị loại khỏi các cuộc đấu thầu liên bang nên bị sa thải. Công ty Adolf Gobel phá sản.
De Angelis bắt đầu hướng tới mục tiêu mới là dầu đậu nành. Nguồn cung dầu đậu nành đã vượt xa nhu cầu nội địa, vì vậy ông ngắm nghía thị trường nước ngoài.
Tháng 11-1955, ông bỏ ra nửa triệu USD thành lập Công ty Allied Crude Vegetal Oil Refining (gọi tắt là Allied) ở Bayonne (bang New Jersey) cách vùng nguyên liệu đậu nành Trung Tây đến 1.600km rồi mua một kho cũ nát với khoảng 150 bồn chứa và chuyển thành nhà máy tinh chế dầu đậu nành.
Bất chấp bất lợi về địa lý và hậu cần, điều ông cần là tiếp cận các nhà môi giới. Kế hoạch của ông rất đơn giản.
Mua dầu đậu nành chưa tinh chế chở về New Jersey, sau đó tinh chế và bán hàng với lợi nhuận tối thiểu để xuất khẩu thông qua doanh nghiệp tư nhân hoặc các chương trình của chính phủ.
Ông muốn lấy số lượng bù vào giá bán thật thấp hòng chặn đứng đối thủ cạnh tranh. Dân kinh doanh đậu nành ở vùng Trung Tây cười nhạo nhưng đến năm 1957 ông đã bơi trong tiền. Ông thành lập hàng chục công ty con để thực hiện chương trình Thực phẩm vì hòa bình (FFP) của Bộ Nông nghiệp.
De Angelis trở thành nhân vật được ngưỡng mộ trong ngành kinh doanh nông sản Mỹ và được các quan chức nước ngoài săn đón. Ông đi khắp nơi với xấp tiền dày cộp trong túi và tự tin khoe:
"Tôi có trí óc thông minh và sáng tạo. Tôi có thể làm nhiều hơn nữa cho hoạt động kinh doanh dầu ăn hơn bất kỳ ai trên thế giới. Với tư cách chủ tịch Allied, tôi có thể bán dầu thực vật với số lượng mà nước Mỹ có thể sản xuất".
Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Ủy ban Chứng khoán và giao dịch (SEC) cáo buộc kho thịt xông khói của ông chỉ là chuyện bịa đặt. Sở Thuế vụ (IRS) cáo buộc ông trốn thuế 1,5 triệu USD. Ông trả trước 50.000 USD tiền phạt và 5.000 USD mỗi quý suốt 10 năm.
Bộ Nông nghiệp cáo buộc ông gian lận 1,2 triệu USD từ chương trình Thực phẩm vì hòa bình, ông chi ngay séc 1,5 triệu USD. Ông chấp nhận bị thưa kiện hàng loạt và xem nộp phạt như chi phí kinh doanh.
Các bồn chứa dầu hóa ra chỉ toàn nước biển
Tài sản thế chấp để De Angelis vay tiền là kho chứa dầu thực vật ở Bayonne. Với ý đồ tìm kiếm vỏ bọc, ông nhắm đến Công ty dịch vụ tài chính American Express (AmEx).
AmEx có dịch vụ Khai thác kho bãi AmEx cho phép sử dụng hàng hóa trong kho làm tài sản thế chấp. Công ty Allied đã đem các biên nhận xác minh kho bãi của AmEx để đi vay tiền của 51 ngân hàng.
Để qua mắt AmEx, De Angelis sử dụng nhiều chiêu: Đổ vào mỗi bồn chứa hơn 12m nước biển và trên cùng là 0,6m dầu thực vật rồi lắp cột kim loại chứa đầy dầu vào bồn; chuyển dầu giữa các bồn bằng hệ thống bơm bí mật; yêu cầu báo trước 24 tiếng trước khi kiểm tra; lập biên lai giả và kê khống số lượng bồn trong sổ cái.
Với mối quan hệ với AmEx, De Angelis tiếp tục thu hút các công ty môi giới chứng khoán như Ira Haupt & Co. và Williston & Beane nhảy vào đầu cơ đậu nành, khơi dậy làn sóng mua hàng điên cuồng.
Ngày 15-11-1963, một thanh tra viên từ Cơ quan Giao dịch hàng hóa bước vào văn phòng của De Angelis và yêu cầu: "Mở sổ sách ra". Một đợt bán tháo rầm rộ xảy ra.
Trong 48 tiếng giá dầu đậu nành giảm từ 10,30 USD còn 7,60 USD mỗi pound. Tập đoàn Bunge cử đội kiểm tra để đòi số dầu trị giá 15 triệu USD và phát hiện ba bồn rỗng còn bồn thứ tư chỉ đầy một nửa. Khi Bunge yêu cầu AmEx giải thích, các quân cờ domino bắt đầu đổ.
Tiếp sau Bunge, nhiều công ty khác lần lượt kiểm tra kho và phơi bày sự thật. Hầu hết các bồn chứa ở Bayonne đều trống rỗng hoặc chứa đầy nước mặn và bùn.
Báo Time nhận xét: "Người của De Angelis đã lừa AmEx dễ dàng đến mức đáng ngạc nhiên. Một người trèo lên đỉnh bồn thả thước đo vào bồn rồi hét lên với thanh tra AmEx đứng dưới đất rằng bồn đầy 90%.
Vậy là xong!".
Cơ quan Giao dịch hàng hóa đã nhanh chóng công bố kết quả điều tra về Allied. De Angelis nộp đơn xin phá sản vào ngày 19-11-1963. Ira Haupt & Co. và Williston & Beane bị đình chỉ giao dịch khiến hàng ngàn khách hàng lao đao.
Cuối cùng Ira Haupt & Co. phải giải thể còn Williston & Beane buộc phải sáp nhập. Giá cổ phiếu của AmEx giảm 50%. Dịch vụ Khai thác kho bãi AmEx phá sản. 20 công ty khác chung số phận.
Năm 1965, De Angelis nhận tội lừa đảo và bị kết án 20 năm tù.
Ra tù lại đi làm siêu lừa
Sau bảy năm trong trại giam, De Angelis được trả tự do có điều kiện và tiếp tục đi lừa thiên hạ. Ông thành lập Công ty đóng gói thịt Rex Pork ở North Bergen.
Ông không thanh toán 3,5 triệu USD tiền thịt heo cho Bộ Nông nghiệp và mua số lượng lớn gia súc không trả tiền. Ông bị kết tội lừa đảo 7 triệu USD và năm 1980 bị kết án 7 năm tù. Năm 1983, ông được trả tự do có điều kiện.
Một năm sau, ông tái xuất giang hồ với tư cách tổng giám đốc Công ty Enfield's Natural Lean Pork. Ông dùng thư tín dụng giả của Ngân hàng Tiết kiệm Finger Lakes để mua thịt heo.
Năm 1993, ông thừa nhận phạm tội chuyển chứng khoán gian lận giữa các bang và lừa đảo Công ty thịt Fearman (Canada) 1 triệu USD. Ông tiếp tục nhận thêm một bản án tù nữa, sau đó lại được trả tự do có điều kiện.
Cuộc đời làm ăn bất chính của De Angelis rồi cũng kết thúc. Ông qua đời năm 2009 ở tuổi 93.
-----------------------------
Tỉ phú Vijay Mallya là gương mặt tiêu biểu cho tầng lớp doanh nghiệp ưu tú Ấn Độ vì đã tạo ra một đế chế kinh doanh trị giá hàng tỉ USD. Con đường làm ăn của ông đã ghi dấu ấn bằng tham vọng, lối sống xa hoa và cuối cùng là suy tàn khi ông trở thành con nợ bị cáo buộc gian lận.
Kỳ tới: Tỉ phú chơi sang thành kẻ đào tẩu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét