Thứ Năm, 4 tháng 4, 2024

Hạn mặn 'chưa tha' miền Tây

 Thời sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 04/04/2024 08:38

Hạn mặn 'chưa tha' miền Tây

L.PHAN
và T.Huyên - C.Công - M.Trường - Bửu Đấu 

Nắng nóng khô hạn kéo dài đã làm nhiều diện tích đất rừng ở miền Tây đối diện nguy cơ cháy rất cao. Không những vậy, hàng ngàn hộ dân ở các tỉnh ven biển cũng phải lâm vào cảnh thiếu nước ngọt sử dụng.

Nhiều tuyến đường ở Cà Mau bị sụp xuống sông gây khó khăn trong việc đi lại - Ảnh: THANH HUYỀN

Nhiều tuyến đường ở Cà Mau bị sụp xuống sông gây khó khăn trong việc đi lại - Ảnh: THANH HUYỀN

Hiện nhiều cống ngăn mặn ở miền Tây đã vận hành hết công suất để ngăn nước mặn lấn sâu vào nội đồng.

Cà Mau, Kiên Giang khát nước

Kênh rạch ở hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang khô cạn làm sạt lở, sụt lún khắp nơi.

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, nắng nóng tại địa phương này tiếp tục duy trì đến ngày 5-4 với nhiệt độ cao nhất 35oC-36oC, có nơi trên 36oC. Cục bộ xuất hiện nắng nóng kết hợp độ ẩm không khí xuống thấp làm gia tăng nguy cơ cháy, nổ. Người dân vùng Gò Công vẫn đang bị thiếu nước ngọt gay gắt.

Tại Cà Mau, nắng hạn, nước mặn xâm nhập nên hàng ngàn người dân ở các vùng ngọt, vùng ven biển Cà Mau không có nước ngọt sử dụng trong vài tháng nay. Để có nước sử dụng, người dân phải đi mua từ các ghe với giá gần 50.000 đồng/m3.

Nắng hạn khiến hơn 2/4 diện tích rừng ở trong mức cảnh báo cháy cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Các dòng sông vùng ngọt hóa bán đảo Cà Mau khô cạn đã làm đất từ hai bên mép sông sạt lở.

Tương tự, tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang sạt lở, sụt lún đã làm nhiều nhà dân và các đường đứt gãy, gây ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại. Đến nay, địa phương này đã ghi nhận hơn 200 điểm sạt lở, sụt lún.

Để khắc phục tạm thời, tỉnh Cà Mau vừa xuất 10 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách để hỗ trợ một số địa phương ứng phó với tình trạng thiếu nước ngọt do hạn hán, xâm nhập mặn.

Ngân sách sẽ hỗ trợ mua dụng cụ chứa nước để giải quyết nhu cầu cấp bách thiếu nước. Đồng thời mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước hiện có để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.

Còn tại tỉnh Kiên Giang đã đóng 11 cửa van của cống Cái Lớn để kiểm soát mặn. Ông Trần Trung Khánh - phụ trách Tổ quản lý nước và công trình chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi miền Nam - cho biết nước thượng nguồn về thấp và nồng độ mặn 1‰ đã xâm nhập sâu khoảng 45km đến cầu Cái Tư (địa phận giáp Hậu Giang và Kiên Giang). Do đó, đơn vị đóng toàn bộ 11 cửa van cống Cái Lớn.

Đe dọa cả tôm, cua

Những ngày qua nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, môi trường nước thay đổi đã làm cho hàng ngàn hecta nuôi tôm, cua ở Kiên Giang và Cà Mau thiệt hại. Nhiều nông dân đứng ngồi không yên vì dịch bệnh trên tôm, cua tràn lan do hạn, mặn...

Ngay sau khi phát hiện hơn 1ha vuông tôm sú 40 ngày tuổi của gia đình bị dịch bệnh đốm trắng gây thiệt hại hơn 80% do hạn hán kéo dài và xâm nhập mặn, ông Huỳnh Thanh Nhanh (xã Đông Thạnh, huyện An Minh, Kiên Giang) đã báo cáo với cơ quan chức năng đề nghị kiểm tra, xét nghiệm và hỗ trợ chlorin xử lý nước.

"Tôi nuôi tôm, cua thâm canh nhưng do nắng gay gắt kéo dài và mặn tấn công đã làm tôm chết nhiều. Năm nay hạn hán kéo dài và độ mặn tăng cao nên bà con nông dân nuôi tôm, cua bị thiệt hại nhiều lắm", ông Nhanh nói.

Ông Lê Văn Khanh - trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Minh - cho hay trên địa bàn có gần 150ha diện tích nuôi tôm, cua bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn. Trong đó, hơn 70ha diện tích nuôi tôm, cua bị bệnh nặng đốm trắng, hoại tử gan tụy và các bệnh truyền nhiễm do vi rút tấn công.

Anh Nguyễn Hải Âu (ngụ xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) cho biết cua nuôi bị chết hàng loạt khiến gia đình anh lâm vào cảnh khó khăn.

"Trước đây, gia đình tôi thu nhập từ tôm, cua hơn 4 triệu đồng/ha/tháng, nhưng từ đầu năm đến nay chỉ thu được vài trăm ngàn đồng/tháng do cua chết nhiều, cứ tới gần thu hoạch được là chết, cua ốm bọng nên bán không được", anh Âu nói.

Ông Lê Duy Tuấn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cho hay vài năm nay, tới mùa nắng hạn gay gắt là hiện tượng cua chết diễn ra. Cua bỏ ăn, ít vận động, khi bắt được cua đem lên khô khoảng vài giờ là bắt đầu chết. Một số con chết nổi trên mặt nước, số khác thì bò lên bờ nằm chết. Tỉ lệ thiệt hại khoảng 70%.

Cứu tôm, cua ra sao?

Theo ông Võ Hoàng Nguyên - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang, độ mặn trên các nhánh sông ở một vài địa phương đã vượt ngưỡng so với độ mặn thích nghi cho con tôm. Vĩnh Thuận đã ghi nhận có 9ha của ba hộ dân trên địa bàn xã Vĩnh Phong và đã hỗ trợ 620kg hóa chất xử lý nước.

Ông Lê Văn Khanh cho biết do nhiều người dân mạnh dạn khai báo dịch nên đã nhận chlorin dập dịch kịp thời. Đến nay, địa phương đã cấp hơn 7 tấn chlorin giúp bà con phòng chống dịch trên ao nuôi tôm cua.

"Ngành nông nghiệp đã yêu cầu bà con bơm nước vào vuông nuôi, gia cố bờ bao giữ nước với cao độ từ 4-5cm; tập huấn hội thảo đầu bờ để nâng nhận thức phòng dịch của bà con", ông Khanh nói.

Ông Huỳnh Nhật Trường - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi - cho biết địa phương đã hướng dẫn người dân xử lý cua chết bằng cách chôn lấp và khử khuẩn bằng vôi.

"Chúng tôi khuyến cáo người dân nên cấp nước nhiều vào vuông nuôi để ổn định nhiệt độ và môi trường. Thu hoạch dứt điểm để cải tạo lại vuông nuôi tránh dịch bệnh lây lan", ông Trường thông tin.

Hơn 3.100ha tôm, cua ở miền Tây bị thiệt hại

Cà Mau có hơn 280.000ha nuôi tôm cua, chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước, nên tôm cua bị dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân - Ảnh: THANH HUYỀN

Cà Mau có hơn 280.000ha nuôi tôm cua, chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước, nên tôm cua bị dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân - Ảnh: THANH HUYỀN

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, nắng nóng và dịch bệnh đã làm hơn 1.900ha diện tích nuôi cua của 500 hộ dân ở Cà Mau bị chết, thiệt hại nặng, tập trung nhiều nhất ở huyện Đầm Dơi với diện tích hơn 1.200ha và huyện Năm Căn hơn 600ha.

Đa phần cua chết đều bị đen mang, màu nhợt, bọng thịt, cơ thịt nhão có màu hồng, có nhiều giáp xác trong thân cua.

Báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết tổng diện tích tôm nước lợ trên địa bàn bị thiệt hại gần 1.200ha, trong đó nhiều địa phương bị thiệt hại từ 60-80% diện tích do bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và sốc môi trường nước.

Nắng hạn kéo dài, thời tiết biến động bất thường, độ mặn tăng cao đã làm cho tôm nuôi bị sốc, giảm sức đề kháng và phát sinh dịch bệnh...

Nắng nóng diện rộng ở Nam Bộ, hạn mặn tiến sâu nội đồng

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết hôm nay (4-4), nắng nóng gia tăng và xảy ra diện rộng trên khu vực miền Đông Nam Bộ, có nơi nắng nóng gay gắt. Miền Tây nắng nóng xảy ra khoảng một nửa diện tích khu vực; nhiệt độ cao nhất từ 35 - 38oC, có nơi trên 38oC.

Về tình hình hạn mặn tại Nam Bộ, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết chiều sâu mặn lấn vào nội đồng (đơn vị 4‰) trong thời kỳ này tại sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là 75 - 90km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 50 - 62km; sông Hàm Luông là 60 - 65km, sông Cổ Chiên là 45 - 55km, sông Hậu là 40 - 55km, sông Cái Lớn là 45 - 50km.

Trong tháng 4 này, xâm nhập mặn sẽ đạt đỉnh điểm, các địa phương cần chủ động phương án và tuyên truyền người dân trữ nước ngọt trong những ngày triều thấp để phục vụ tưới tiêu.

Nhiều giải pháp cấp bách chống hạn, mặn ở miền TâyNhiều giải pháp cấp bách chống hạn, mặn ở miền Tây

Những ngày này, hạn hán và xâm nhập mặn đang bủa vây khốc liệt các tỉnh miền Tây. Nhiều tuyến đường sụp lún do hạn, mặn, việc nuôi trồng hải sản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không có nhận xét nào: