Tin tặc không chừa một ai
Có một nguyên tắc trước sau như một hễ vào mạng Internet là phải chấp nhận "sống chung với vi rút và tin tặc". Ai cũng phải ý thức được điều này, không chỉ luôn cảnh giác mà còn phải biết cách giữ "mạng".
Suốt nhiều chục năm nay, các thiết bị của nhà Táo Apple, từ máy tính Mac đến thiết bị di động iPhone, iPad, mặc định được coi là "an toàn hơn" đối với các loại vi rút, tin tặc.
Có nhiều lý do cho "ưu điểm" này như: hệ điều hành đóng, hệ sinh thái khép kín riêng biệt - một trời một cõi; có các cơ chế bảo mật tốt, được cập nhật thường xuyên, thị phần nhỏ hơn...
Nhưng giờ đây, đặc biệt là từ năm 2024, điều này đã thay đổi trong thời "bình thường mới". Một loạt cảnh báo về những vụ tội phạm công nghệ cao tấn công những thiết bị Apple đã làm người dùng lo lắng.
Có hai nghi vấn: hoặc là bọn tội phạm đã siêu hơn và đổi gu, hoặc là hệ điều hành của Apple mắc lỗi.
Trong những năm qua, Apple đã phải miệt mài liên tục đưa ra vô số bản vá các lỗ hổng bảo mật cho hệ điều hành di động của mình. Và tình hình thực tế cho thấy đã đến lúc cần báo động đối với người dùng thiết bị di động của Apple.
Thật ra, ngoài những lỗi từ hệ điều hành cho phép bọn tin tặc xâm nhập thiết bị, điều khiển thiết bị, trong cuộc sống mạng luôn có vô số nguy cơ an toàn, bảo mật không phân biệt thiết bị hay hệ điều hành.
Chỉ cần người dùng cả tin, thiếu ý thức cảnh giác và không tuân thủ các nguyên tắc an toàn là dễ dàng trở thành nạn nhân.
Chẳng hạn các chiêu trò mạo danh, lừa đảo, khai thác sơ hở của người dùng để xâm nhập hệ thống thì người dùng Android, iOS, Windows hay Mac đều có nguy cơ ngang nhau. Thậm chí, trong thực tế, người dùng các hệ điều hành của nhà Táo còn có nguy cơ cao hơn vì tính chủ quan lớn hơn.
Tất nhiên, cuộc chiến chống tội phạm công nghệ và nỗ lực phòng tránh các nguy cơ an toàn và bảo mật phải là một sự phối hợp đồng bộ.
Cơ quan chức năng nhà nước, các tổ chức có liên quan, các nhà cung cấp dịch vụ và người dùng phải cùng hợp tác đồng bộ và hiệu quả với nhau. Vỏ quýt dày cần có móng tay nhọn. Cuộc chiến này không thể có kết quả như mong muốn nếu không có được sự phối hợp tổng lực đó.
Mới đây nhất, giữa tình hình tấn công mạng tăng cao và gây ảnh hưởng rộng, ngày 7-4-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương về tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng. Tuy nhiên một số ngành, lĩnh vực chưa quán triệt, ưu tiên nguồn lực triển khai, để xảy ra sự cố gây mất an toàn thông tin mạng và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn không gian mạng Việt Nam.
Năm 2024 này, nguy cơ an ninh mạng càng trở nên nghiêm trọng hơn khi có sự tiếp tay của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). AI là một con dao hai lưỡi, nó có thể bảo vệ mạng tốt hơn nhưng ngược lại cũng có thể gây nguy hại cho mạng nhiều hơn.
Vì thế, tất cả mọi người phải luôn cập nhật cho mình khả năng phòng chống tấn công mạng và khả năng phục hồi hệ thống trong môi trường nhìn đâu cũng thấy AI.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét