Bất ngờ sa sút trí tuệ, không đơn giản chỉ là 'lú lẫn tuổi già'
Sa sút trí tuệ (bệnh Alzheimer) khiến người lớn tuổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí nhớ, khả năng tự sinh hoạt. Có những người sự sa sút đột ngột đến rất nhanh, không nhớ nổi tên mình hoặc bỗng dưng chỉ nhớ mình của tuổi đôi mươi.
Làm sao để chăm sóc người cao tuổi sa sút trí tuệ?
Khi mẹ bỗng trở thành… con
Đang chăm sóc mẹ bị sa sút trí tuệ tại nhà, thi thoảng chị H. (ngụ tại Hà Nội) chia sẻ vài hình ảnh cụ bà hơn 80 tuổi hát ca, đọc thơ và luôn xưng "em" với mọi người. Trong thân hình già nua, tâm hồn của cụ bà quay lại, dừng lại ở tuổi đôi mươi, lúc nhắc đến bố, lúc lại nhắc đến chuyện lấy chồng.
Chị H. nói từ ngày bà bệnh nặng hơn thì "mẹ bỗng trở thành con". "Lúc thì bà như em bé, lúc thì như cô gái 18 tuổi. Bà thường nhắc đến những câu chuyện cũ từ hồi còn trẻ, thậm chí luôn đòi về vì nghĩ rằng đây không phải nhà của mình. Bà cũng không còn tự chủ được sinh hoạt hằng ngày, mọi thứ từ đánh răng, đi vệ sinh cũng cần người hỗ trợ, nhắc nhở", chị H. chia sẻ.
Kể lại cách đây hơn 2 năm trước, khi cả gia đình đều chưa biết bà mắc bệnh Alzheimer, chị H. và mọi người chỉ nghĩ bà bị chứng lú lẫn của người già. Sau này, khi bác sĩ chẩn đoán bà mắc bệnh Alzheimer, mọi người mới cùng nhìn lại và nhận thấy hóa ra trước đó bà đã có biểu hiện của bệnh nhưng không ai nghĩ đến.
Chị H. kể hồi đó bà thường hay nói mất trộm đồ dùng rồi kể tội con dâu với con trai… nhưng mọi người không quan tâm, chỉ nghĩ bà đang "dựng chuyện". Thậm chí, có lần phải họp gia đình để nhắc nhở bà không được "nói không thành có" như vậy.
"Đến khi biết bà mắc bệnh sa sút trí tuệ thì đã ở giai đoạn nặng, bác sĩ nói bà đã mắc bệnh cách đây khá lâu rồi. Chính những lời nói mà chúng tôi nghĩ rằng bà dựng chuyện chính là biểu hiện của bệnh.
Bác sĩ cũng nói bệnh tiến triển rất nhanh, nhưng chúng tôi cũng không nghĩ rằng nhanh đến vậy. Chỉ trong 2 năm kể từ khi phát hiện bệnh, ban đầu chỉ là nói lẫn, đến giờ bà đã hoàn toàn mất khả năng nhận thức bình thường.
Hiện bà được chỉ định uống thuốc bổ não, không được chỉ định dùng thuốc hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer. Nếu biết sớm về bệnh thì tôi đã chăm sóc mẹ tốt hơn", chị H. ân hận kể lại.
Còn ông L.K. (87 tuổi) cũng đang mắc bệnh sa sút trí tuệ, hiện đang được dùng thuốc hỗ trị điều trị thường xuyên. Anh T. (con trai ông K.) cho biết bắt đầu phát hiện ông bị bệnh từ sau dịch COVID-19.
"Hôm ấy, mẹ tôi gọi điện sang trách vì ông trách bà bỏ ông đi đâu cả tháng mới về. Bà cho rằng ông đang đùa cợt không đúng mực. Đến sáng hôm sau, ông lại nói bà tối qua đi đâu.
Từ những câu chuyện tưởng đùa như vậy, tôi còn nhận thấy ông có nhiều điểm bất thường khác. Ngày xưa ông chơi cờ rất giỏi, nhưng bây giờ lại nói không biết chơi. Khi đưa ông đi thăm khám thì bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh Alzheimer và điều trị cho đến nay", anh T. nói.
Không đơn giản chỉ là lú lẫn tuổi già
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Kiên (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), bệnh Alzheimer là một bệnh lý về não không hồi phục, dần dần phá hủy trí nhớ, khả năng ngôn ngữ và năng lực tư duy. Cuối cùng, bệnh nhân không thể hoàn thành ngay cả những việc nhỏ nhất. Nhưng việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bác sĩ Kiên cho hay nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer tăng lên theo tuổi tác, bắt đầu từ khoảng 65 tuổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy các yếu tố sau có khả năng thúc đẩy bệnh phát triển như người bệnh đái tháo đường; stress, căng thẳng, muộn phiền kéo dài; cholesterol cao; hút thuốc; ít giao tiếp xã hội.
Ở giai đoạn đầu, giảm trí nhớ là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Người bệnh có thể nói quanh co, khó tìm từ; nhầm lẫn vị trí quen thuộc; không chú ý đến trang phục; mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành các công việc hằng ngày; khó khăn trong quản lý tiền nong, hóa đơn; thay đổi khí sắc và nhân cách, lo âu.
"Việc chăm sóc đối với người bệnh Alzheimer rất quan trọng. Nếu bệnh nhân sống giữa sự cảm thông thì diễn tiến bệnh sẽ chậm hơn hoặc ít ra người bệnh sẽ không tủi thân vì sự vô cảm của những người thương yêu. Sự cô đơn, cảm giác tủi thân là điều mà người bệnh sợ nhất.
Họ có thể hờn dỗi, ngồi một chỗ không để ý đến con cháu dù không có chuyện gì xảy ra. Điều họ cần là sự chăm sóc và những mối quan hệ yêu thương chân thành từ người thân và người xung quanh.
Bởi vậy, khi có những biểu hiện về sa sút trí tuệ, người nhà và cả bệnh nhân hãy dành thời gian để tìm hiểu bệnh và chăm sóc người bệnh. Đồng thời đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế thăm khám, chẩn đoán bệnh càng sớm càng tốt", bác sĩ Kiên khuyến cáo.
Quan trọng nhất là bệnh nhân phải được chẩn đoán sớm, can thiệp sớm sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Nếu trong gia đình có người cao tuổi nên quan tâm sức khỏe các cụ để theo dõi các biểu hiện hành vi. Nếu phát hiện có những dấu hiệu sa sút trí tuệ nên đi khám để bác sĩ hỗ trợ điều trị.
Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý kèm theo làm tiến triển sa sút trí tuệ. Ví dụ người mắc bệnh đái tháo đường không được quản lý tốt sẽ khiến đường huyết tăng cao, làm bệnh Alzheimer tiến triển nặng hơn. Bởi vậy, người cao tuổi cần quản lý tốt các bệnh lý nền.
BS TRUNG ANH
Khi nào cần dùng thuốc điều trị?
Tại sao nhiều người bệnh Alzheimer được chỉ định dùng thuốc, nhưng có người lại không?
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Anh, giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương, chia sẻ tại Việt Nam hiện nay đang nhận thức rõ hơn về bệnh lý này.
"Chúng tôi đang hướng tới làm sao để phát hiện, chẩn đoán sớm và chăm sóc người bệnh. Trong đó, vấn đề nổi bật là sử dụng các biện pháp không dùng thuốc chứ không trông chờ vào việc dùng thuốc, thuốc nào, hàm lượng bao nhiêu", ông Trung Anh nêu.
Theo ông Trung Anh, thường những trường hợp bệnh nhân ở mức độ nhẹ và trung bình, lý tưởng nhất là kết hợp cả hai biện pháp là không dùng thuốc và dùng thuốc.
"Khi bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn, thuốc hỗ trợ điều trị gần như không còn tác dụng. Với biện pháp không dùng thuốc cần được áp dụng xuyên suốt từ khi bệnh nhân được chẩn đoán cho đến hết cuộc đời người bệnh.
Biện pháp không dùng thuốc là dùng tất cả các biện pháp điều trị giúp người bệnh cải thiện được trí nhớ như tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ, đánh cờ, đọc sách, xem tivi… Những hoạt động này giúp người bệnh được rèn luyện trí nhớ, cải thiện tình trạng hay quên.
Bên cạnh đó là sự chăm sóc về dinh dưỡng, sinh hoạt hằng ngày cho người bệnh. Có những người bệnh quên cả mình là ai, mình đã ăn chưa, đã tắm chưa…, vì vậy việc chăm sóc hằng ngày là vô cùng cần thiết. Ngoài những biện pháp không dùng thuốc trên, người bệnh sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị nhằm làm chậm lại quá trình bệnh chuyển nặng", ông Trung Anh chia sẻ.
Đối với những trường hợp bệnh đã chuyển nặng, theo ông Trung Anh, ở giai đoạn này thuốc không còn tác dụng hỗ trợ điều trị. Bên cạnh đó, thuốc thường có giá thành khá cao, vì vậy ở giai đoạn muộn sẽ không sử dụng để tránh tốn kém cho người bệnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét