Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

Xe chở nước từ thiện vào tỉnh Bến Tre phải làm gì để được miễn phí qua cầu Rạch Miễu?

 Thời sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 30/04/2024 11:19

Xe chở nước từ thiện vào tỉnh Bến Tre phải làm gì để được miễn phí qua cầu Rạch Miễu?

Ngày 30-4-24, bà Trần Thị Kim Uyên - giám đốc Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu - cho biết những ngày qua, trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu đã miễn phí cho hàng trăm lượt xe chở nước từ thiện cho bà con vùng hạn, mặn Bến Tre.

Một đoàn xe từ thiện chở nước ngọt cho bà con vùng hạn, mặn tỉnh Bến Tre đang chuẩn bị qua cầu Rạch Miễu - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Một đoàn xe từ thiện chở nước ngọt cho bà con vùng hạn, mặn tỉnh Bến Tre đang chuẩn bị qua cầu Rạch Miễu - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Theo bà Uyên, điều kiện để được miễn phí vé qua cầu đó là ngoài chở nước ngọt miễn phí cho bà con vùng hạn, mặn Bến Tre, các tổ chức, cá nhân chở nước phải liên hệ với các ngành chức năng của tỉnh Bến Tre trước về kế hoạch chở nước vào tỉnh.

Sau khi liên hệ qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre hoặc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bến Tre, các đơn vị này sẽ gửi danh sách cho Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu để nhận diện đúng xe được miễn phí. Ngoài việc nhận diện qua biển số xe, những chiếc xe chở nước từ thiện sẽ được cấp logo, băng rôn dán trước đầu xe để cơ quan chức năng thuận lợi trong việc phối hợp thực hiện ưu tiên.

Theo bà Uyên, trước mắt công ty đã miễn phí cho 50 xe tải chở nước từ thiện mang biển số của các tỉnh như Tiền Giang, Long An, TP.HCM… chạy qua cầu Rạch Miễu để đến vùng hạn, mặn Bến Tre. 

Hầu hết những xe này đều nằm trong nhóm xe có mức phí qua cầu Rạch Miễu 60.000 - 90.000 đồng/lượt. Những xe nói trên được miễn phí qua cầu Rạch Miễu từ nay đến hết ngày 22-5.

Tại tỉnh Bến Tre, hiện nay hầu hết nguồn nước máy tại các huyện giáp biển như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú… đã bị nhiễm mặn. Ngoài sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong tỉnh Bến Tre với các giải pháp cụ thể như sử dụng máy lọc nước mặn thành nước ngọt, chở nước thô bằng sà lan… thì các đơn vị, tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm đang chở nước ngọt đến tận nơi để cấp miễn phí cho người dân.

Trưng dụng xe nhà chở nước ngọt về vùng hạn mặn miền TâyTrưng dụng xe nhà chở nước ngọt về vùng hạn mặn miền Tây

Ngày 15-4-24, Tỉnh Đoàn Đồng Tháp cho biết các cấp đoàn viên thanh niên trong tỉnh đã vận động đóng góp hơn 320 triệu đồng thực hiện 34 chuyến xe chở nước ngọt về vùng hạn mặn các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, Bến Tre.

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

Nghệ sĩ phát ngôn thiếu chuẩn mực, coi thường khán giả phải xử nghiêm

 Văn hóa

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 29/04/2024 15:38

Nghệ sĩ phát ngôn thiếu chuẩn mực, coi thường khán giả phải xử nghiêm

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có phản hồi về đề nghị xử nghiêm nghệ sĩ phát ngôn thiếu chuẩn mực đạo đức, tự mãn, coi thường khán giả.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng - Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng - Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trả lời kiến nghị cử tri Hà Nội gửi đến sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Ban hành quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật

Theo đó, cử tri Hà Nội đề nghị nghiên cứu có các quy định chặt chẽ, xử lý nghiêm khắc với các hành vi phát ngôn thiếu chuẩn mực đạo đức, tự mãn, coi thường khán giả… của một số nghệ sĩ.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay đã ban hành quyết định 3196/2021 về quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Ngay sau đó, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao... triển khai kịp thời, thường xuyên, liên tục và toàn diện quy tắc trên đến nhân dân, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Theo bộ trưởng, quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật không phải chế tài với người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội.

Nhưng góp phần khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng, hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội ứng xử một cách tôn trọng nhau hơn.

Hiện nay, bộ đang phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo quy trình thí điểm phối hợp, phát hiện, kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Với các hành vi phát ngôn thiếu chuẩn mực đạo đức, tự mãn, coi thường khán giả của một số nghệ sĩ trên không gian mạng, sẽ căn cứ nghị định 72/2013 của Chính phủ quy định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng để xử lý.

Xử lý nghiêm phim có đường lưỡi bò phi pháp

Cử tri Hà Nội cũng đề nghị nâng cao trách nhiệm, kiểm duyệt kỹ lưỡng trong tổ chức thẩm định, cấp phép phim nước ngoài được chiếu trực tuyến trên mạng xã hội, thực tế, có phim có nội dung, hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp, ảnh hưởng an ninh văn hóa, an ninh chủ quyền quốc gia

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã dẫn lại các quy định của Luật Điện ảnh, nghị định liên quan việc phổ biến phim trên không gian mạng.

Trong đó, Luật Điện ảnh quy định trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim.

Trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan được bộ ủy quyền thực hiện phân loại với phim chưa được cấp giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng theo trình tự, thủ tục quy định...

Cũng theo Luật Điện ảnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện việc kiểm tra nội dung phim, phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng.

Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, các cơ quan quản lý nhà nước... thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm.

Một trong các nhiệm vụ thường xuyên của tổ là thực hiện kiểm tra nội dung phim, phân loại phim, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng.

Kết quả trong thời gian qua, bộ đã kiểm tra nội dung phim, phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim vi phạm pháp luật, có nội dung, hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp, ảnh hưởng đến an ninh văn hóa, chủ quyền quốc gia Việt Nam của các chủ thể.

Bộ sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, kết hợp với việc thẩm định, cấp giấy phép phân loại phim theo đúng quy định của pháp luật.

Duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, hậu kiểm nội dung, kết quả phân loại phim, hiển thị cảnh báo đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ Văn hóa nêu giải pháp lan tỏa các phim nhưBộ Văn hóa nêu giải pháp lan tỏa các phim như 'Đào, phở và piano'

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ nhiều bộ phim do Nhà nước đặt hàng có chất lượng nghệ thuật, nội dung tư tưởng được phổ biến như Đào, phở và piano.

Thủ tướng ấn định thời hạn hoàn thành sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

 Thời sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 29/02/2024 13:20

Thủ tướng ấn định thời hạn hoàn thành sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu rút ngắn tiến độ, đưa vào khai thác nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất trước 30-4-2025, với sân bay Long Thành là trong 6 tháng đầu năm 2026.

Nhà ga sân bay Long Thành đang dần hiện hình - Ảnh: ACV

Nhà ga sân bay Long Thành đang dần hiện hình - Ảnh: ACV

Đó là nội dung thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông từ ngày 12 và 13-2 vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành.

Về dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Thủ tướng đánh giá đến nay có nhiều chuyển biến rất tích cực.

Thủ tướng chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quán triệt đến các đơn vị liên quan, từng cán bộ, kỹ sư, công nhân xác định rõ năm 2024 là năm tăng tốc, năm 2025 là năm bứt phá để 6 tháng đầu năm 2026 tập trung hoàn thiện, bàn giao đưa vào khai thác.

Thủ tướng giao các bộ, ngành khẩn trương triển khai các dự án thành phần, bảo đảm hoàn thành đồng bộ với các hạng mục chính của sân bay Long Thành khi đưa vào vận hành khai thác.

Về dự án ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng đánh giá ACV đã có nhiều nỗ lực để triển khai dự án đáp ứng tiến độ. Tuy nhiên nhu cầu đưa dự án vào khai thác sớm là rất cấp thiết nhằm giảm tải cho nhà ga T1. Vì vậy cần phấn đấu rút ngắn tiến độ, hoàn thành và đưa vào khai thác trước ngày 30-4-2025.

Thủ tướng yêu cầu ACV khẩn trương thực hiện rà soát, nghiên cứu phương án kết nối giữa 3 nhà ga tại sân bay Tân Sơn Nhất để bảo đảm thuận tiện, lưu thoát nhanh, không gây ách tắc cục bộ.

Bộ Quốc phòng nghiên cứu phương án di dời trung tâm chỉ huy của Sư đoàn Không quân 370 để chuyển mặt bằng cho hàng không dân dụng nhằm tạo thuận lợi cho giao thông, cảnh quan khu vực nhà ga T3 và khai thác hiệu quả sân bay Tân Sơn Nhất; đồng thời xây dựng giải pháp điều hành đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng, báo cáo Thủ tướng trong tháng 4-2024.

UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai, sớm hoàn thành tuyến đường giao thông kết nối nhà ga T3 trong năm 2024 để phục vụ vận hành, khai thác nhà ga T3.

Với dự án đường vành đai 3 TP.HCM, Thủ tướng giao UBND TP.HCM rà soát, hoàn thành phương án cung ứng cát san lấp phục vụ dự án. Giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, chủ trì cuộc họp các bộ, các địa phương để có phương án điều phối, giải quyết dứt điểm cát đắp nền đường, bảo đảm đáp ứng đủ, kịp thời cho dự án (hoàn thành chậm nhất trong tháng 3-2024).

UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao 100% diện tích để thi công dự án trước ngày 30-6-2024 (trong đó đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch hoàn thành chậm nhất ngày 31-3-2024).

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Nhơn Trạch thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, phấn đấu hoàn thành vào dịp 30-4-2025...

Thủ tướng: Phấn đấu rút ngắn tiến độ hoàn thành sân bay Long Thành từ 3-6 thángThủ tướng: Phấn đấu rút ngắn tiến độ hoàn thành sân bay Long Thành từ 3-6 tháng

Ngày 13-2 (mùng 4 Tết Giáp Thìn), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra tiến độ, tặng quà, động viên cán bộ, công nhân, người lao động đang làm việc trên công trường dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

Từ vụ đổ 30.000 đồng xăng, xin WiFi chuyển khoản: Thanh toán online giúp tiết kiệm thời gian mà!

 Nhịp sống trẻ

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 28/04/2024 17:05

Từ vụ đổ 30.000 đồng xăng, xin WiFi chuyển khoản: Thanh toán online giúp tiết kiệm thời gian mà!

'Quen rồi thì tổng thời gian đổ xăng và thanh toán giảm khoảng 50% so với thanh toán tiền mặt, từ đưa tiền, thối tiền, bỏ bóp. Tôi 48 tuổi, mong các bạn trẻ nhìn lại. Thanh toán online, công nghệ giúp chúng ta tiết kiệm thời gian!'.

Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Đó là chia sẻ của bạn đọc tên Định từ bài viết về câu chuyện mua 30.000 đồng xăng rồi loay hoay xin mật khẩu WiFi vì điện thoại không có data 4G. Nhiều bình luận, chia sẻ ý kiến của bạn đọc được gửi về xoay quanh vụ việc thanh toán không tiền mặt khi đi đổ xăng.

Câu chuyện xin mật khẩu WiFi để chuyển khoản mua 30.000 đồng xăng được chị Ngọc Anh (ngụ Hà Nội) chứng kiến và "đăng đàn".

Cụ thể, chuyện xảy ra tại một cây xăng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Giờ cao điểm, cả đoàn người đang xếp hàng dài đợi đổ xăng thì bị ùn ứ khi có hai bạn nữ đổ xăng và muốn thanh toán bằng ví điện tử. Người 30.000 đồng, người 50.000 đồng nhưng ngặt nỗi một người trong đó mãi loay hoay xin mật khẩu WiFi vì điện thoại không có data.

Quá trình thanh toán bị trục trặc bởi bên thanh toán nói đã xong còn cây xăng vẫn chưa nhận được. Cự cãi xảy ra, một người còn bỏ đi với lý do "bận không thể chờ". Giữa nắng nóng, chờ đợi quá lâu, hàng dài khách chờ được tới lượt trở nên khó chịu.

Tài khoản đọc báo Tuổi Trẻ có tên 5 Mì Lát cho rằng hai bạn nữ không đáng bị mắng mỏ, nhất là khi họ đang làm tốt việc thanh toán không tiền mặt thì đáng được học tập chứ! 

"Cơ sở kinh doanh muốn thuận lợi trong hoạt động thì cũng phải đồng hành cùng khách hàng trong mọi hành động không bị luật pháp nghiêm cấm", tài khoản này viết.

Theo bạn đọc Coc, để làm tốt hoạt động thanh toán không tiền mặt, cần phải có WiFi công cộng, nâng cấp tốc độ WiFi để người bán an tâm.

Mạng chậm quá sẽ khiến quá trình thanh toán online bị chậm, gián đoạn, người chuyển tiền phải đứng chờ rất lâu.

Độc giả Ngô Hán Chiêu hiến kế để thuận tiện cho cả người đổ xăng và cây xăng, nên trang bị công nghệ thanh toán không tiếp xúc. Những giải pháp thanh toán này không cần kết nối WiFi hay 4G, tích hợp trên tài khoản ngân hàng, điện thoại di động, vô cùng tiện lợi và nhanh chóng.

Quả thật, nếu đã dùng và quen với không tiền mặt sẽ thấy tiện lợi vô cùng. Ít nhất khi lỡ ra đường mà quên mang theo ví - trường hợp rất hay gặp - thì vẫn xoay xở được.

Tuy nhiên, riêng với hoạt động đổ xăng, đặc biệt là với xe máy, nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng cần phải chủ động chuẩn bị sẵn tiền, hoặc nếu có thanh toán online thì ít nhất cũng phải có kết nối 4G. Đừng để người phía sau phải đợi!

Tài khoản Lê Anh Tuấn nêu: "Giá cước 4G gói chỉ vài chục ngàn đồng/tháng. Muốn dùng công nghệ thì đăng ký 4G".

Bạn đọc từ tài khoản than****@thanhphuoc.com cho rằng các bạn trẻ không chịu dùng gói cước 4G để rồi đi đến đâu cũng phải xin WiFi. "Nhưng họ có thể bỏ tiền cho ly trà sữa, cà phê thương hiệu lớn bằng giá gói cước 4G cả tháng", người này viết.

Theo bạn đọc, câu chuyện này nên được giải quyết như thế nào mới không gây phiền? Khách hàng có lỗi không? Cây xăng và ngân hàng có trách nhiệm gì không? Làm sao để không trở thành điểm tắc nghẽn gây phiền cho các khách hàng khác? Mời bạn chia sẻ quan điểm về hòm thư hongtuoi@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Tiết kiệm tiền triệu nhờ thanh toán không tiền mặtTiết kiệm tiền triệu nhờ thanh toán không tiền mặt

Nhờ thanh toán không tiền mặt khi mua sắm trực tuyến, nhiều khách hàng không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn lời bạc triệu.

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Bạo lực do vô minh

 Thời sự Bình luận

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 26/04/2024 10:24

Bạo lực do vô minh

Điều gì thúc đẩy một người đầu tư cho một cơ sở giáo dục, ngồi lên người một em bé 5 tuổi, để nhét quýt vào miệng, bắt phải ăn?

Chủ nhóm lớp mầm non đè cháu trai xuống, ngồi hẳn lên người rồi nhét thức ăn vào miệng cháu - Ảnh: Cắt từ video

Chủ nhóm lớp mầm non đè cháu trai xuống, ngồi hẳn lên người rồi nhét thức ăn vào miệng cháu - Ảnh: Cắt từ video

Và một trẻ 6 tuổi khác, bị dồn ép dúm dó vào một góc tường, bị đánh vào đầu vì làm hỏng đồ chơi?

Điều gì là nguyên nhân của hành vi bạo lực này, không chỉ ở một cơ sở, mà nhiều cơ sở giáo dục khác nhau, trong suốt thời gian qua?

Mấy hôm nay theo dõi tin về việc chủ cơ sở giáo dục mầm non bạo hành trẻ nhỏ như vậy mà tôi thấy choáng váng.

Suy nghĩ kỹ, tôi thấy đó chỉ có thể là do sự vô minh trong giáo dục. Vô minh vì không biết bản chất công việc của mình là gì, dẫn đến hành xử theo cảm xúc và một quán tính bạo lực từ quá khứ trước đó, có thể là từ trong gia đình, hoặc nhà trường, nên họ thấy việc bạo lực với trẻ nhỏ là bình thường.

Sự vô minh đầu tiên là không tách bạch được cảm xúc cá nhân và công việc chuyên môn. Công việc chuyên môn thì có tiêu chuẩn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy định pháp lý... Còn cảm xúc cá nhân thì trầm bổng tùy theo tâm trạng và kích hoạt từ bên ngoài.

Do không tách bạch được cảm xúc và công việc, nên họ đã xử lý công việc dựa trên cảm xúc. Khi tức giận, có thể vì bất kỳ lý do nào đó, họ sẵn sàng ra tay để giải tỏa cơn giận, hoặc hành xử bản năng của cảm xúc tại thời điểm đó, bất chấp các tiêu chuẩn chuyên môn hay đạo đức nghề nghiệp.

Cũng do không phân biệt được cảm xúc cá nhân và công việc chung nên họ thường xuyên mang chuyện cá nhân vào công việc, dẫn đến ảnh hưởng đến hoạt động của cả tổ chức. Trong trường hợp này là đình chỉ hoạt động của cơ sở giáo dục.

Sự vô minh thứ hai là do không hiểu được vai trò của trẻ nhỏ trong giáo dục. Họ cho rằng trẻ nhỏ là một đối tượng để gia công, nhào nặn trực tiếp tùy theo ý mình, như tờ giấy, như hòn đất sét.

Nên nhân danh giáo dục, đặc biệt khi được ngụy trang bằng các quan niệm sai lầm như "thương cho roi cho vọt", họ sẵn sàng sử dụng bạo lực để bạo hành trẻ nhỏ, nhằm đạt được "mục tiêu giáo dục" của mình.

Đây là cái sai, cũng là sự vô minh rất phổ biến trong ngành giáo dục, khi học sinh và trẻ em được coi là đối tượng giáo dục, chứ không phải là chủ thể giáo dục.

Vì là đối tượng nên phải chịu gia công, nhào nặn, thậm chí đàn áp, từ cha mẹ, thầy cô giáo, nhân danh giáo dục. Nếu họ hiểu được trẻ em là chủ thể của giáo dục thì họ đã không đè một em bé 5 tuổi ra sàn nhà, ngồi lên bụng, nhét quýt vào miệng bắt phải ăn như ta đang thấy.

Sự vô minh thứ ba là vô minh do không hiểu được bản chất công việc của giáo dục. Bản chất của người thầy, của nhà trường, và do đó của giáo dục, là nâng đỡ và phát triển con người. Để làm gì? Để tạo ra sự trưởng thành cho trẻ nhỏ.

Và trên hành trình đó, ta luôn phải nhớ và thấu hiểu rằng trẻ nhỏ là chủ thể của giáo dục. Còn chúng ta chỉ là người nâng đỡ và tạo điều kiện tốt nhất, hỗ trợ tốt nhất cho trẻ phát triển, trưởng thành mà thôi.

Vì không hiểu được bản chất của giáo dục, nên thay vì nâng đỡ và phát triển con người, họ lại đày đọa con người nhân danh giáo dục.

Điều này đã lặp đi lặp lại vô số lần, ở rất nhiều nơi, với mọi cấp độ, từ gia đình đến nhà trường, dưới sự thúc ép của cảm xúc cá nhân và quán tính văn hóa.

Chính những vô minh này là nguyên nhân của các bạo lực trẻ nhỏ trong gia đình và nhà trường như ta đã thấy trong suốt thời gian qua.

Vì vậy, đã đến lúc bản thân những người làm giáo dục cũng cần phải được giáo dục lại, để bớt vô minh trong việc mình làm thì mới có thể giảm thiểu tình trạng này.

Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo UBND TP.HCM vụ bạo hành trẻ mẫu giáo tại Thủ ĐứcSở Giáo dục và Đào tạo báo cáo UBND TP.HCM vụ bạo hành trẻ mẫu giáo tại Thủ Đức

Ngày 25-4-24, Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về vụ việc bạo hành học sinh tại lớp mẫu giáo Tí Bo, TP Thủ Đức.