Con trai nhạc sĩ Văn Cao kể về giây phút bài Quốc ca ‘thuộc về nhân dân’
TTO - Đó là giây phút người trong đội biệt động do nhạc sĩ Văn Cao chỉ huy cướp micro từ người của chính phủ Trần Trọng Kim đang diễn thuyết tại cuộc mít tinh trước Nhà hát lớn Hà Nội để hát bài Tiến quân ca cho hàng ngàn người hát theo.
Nhà thơ Văn Thao kể chuyện bố - nhạc sĩ Văn Cao - sáng tác Quốc ca tại hội thảo, ngồi giữa là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - con gái cố họa sĩ Bùi Trang Chước - Ảnh: T.ĐIỂU
Câu chuyện Văn Cao sáng tác Quốc ca, tự viết tay bản nhạc trên số báo Độc Lập đầu tiên, rồi sửa một số lời của bản Quốc ca theo lời mời của Quốc hội… đã được họa sĩ, nhà thơ Văn Thao - con trai cả của nhạc sĩ Văn Cao - chia sẻ trong hội thảo Ký ức của bạn - Lịch sử của chúng ta do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức ngày 15-9.
Ông Văn Thao kể, bài Tiến quân ca được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944, trong những ngày tháng 10 trời bắt đầu giá lạnh về đêm, trong tiếng xe bò đêm đêm chở xác người chết đói ra khỏi Hà Nội trong nạn đói lịch sử năm Ất Dậu 1945 mà quân Nhật, Pháp gây ra cho dân tộc Việt Nam.
Theo ông Văn Thao, bài Quốc ca ra đời trong hoàn cảnh đó nên trong lời bài Tiến quân ca có những câu mà sau này mọi người có thể đánh giá là quá dữ dội như: "Thề phanh thây uống máu quân thù" mà sau này được đổi thành "Đường vinh quang xây xác quân thù".
Bản tổng phổ nhạc Quốc ca Việt Nam của nhạc sĩ Văn Cao năm 1969 được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - Ảnh:T.ĐIỂU
Bài Tiến quân ca được in trong số báo Độc Lập đầu tiên của Mặt trận Việt Minh, lúc đó do Đảng Dân chủ lãnh đạo. Văn Cao đã trực tiếp xuống nhà in viết tay bài Tiến quân ca, trực tiếp in 1.000 tờ báo có bài Tiến quân ca.
Ngày 17-8-1945, trong cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim ở Nhà hát lớn Hà Nội, Mặt trận Việt Minh giao nhiệm vụ cho đội biệt động của nhạc sĩ Văn Cao phá cuộc biểu tình đó.
Tiểu đội của ông Văn Cao lúc đó là Đội danh dự Việt Minh. Ông đã giao nhiệm vụ cho đồng chí của mình lên hạ lá cờ Nhật hoàng trên ban công Nhà hát lớn rồi xuống cướp micro của một người trong chính phủ Trần Trọng Kim đang diễn thuyết để hát vang bài Tiến quân ca.
Lúc đó, hàng nghìn người hôm đó không hiểu sao đều hát vang bài Tiến quân ca.
Tại hội thảo, ban tổ chức cũng trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn thư lưu trữ của bộ trưởng Bộ Nội vụ cho 10 cá nhân có công lao giữ gìn, bảo quản, hiến tặng tài liệu có giá trị - Ảnh: T.ĐIỂU
Sau này, nhạc sĩ Văn Cao đã viết trong hồi ký về giây phút khiến ông xúc động trào nước mắt. Văn Cao đã viết: "Tôi hiểu rằng từ giờ phút này trở đi bản Tiến quân ca đã thuộc về nhân dân", trước cả khi nó được công nhận Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào năm 1946.
Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, lời ca đầu tiên của Tiến quân ca vẫn sử dụng, cho tới Quốc hội khóa II năm 1960 thì thay đổi một số chỗ.
Ông Văn Thao cho biết, tháng 9-1959 nhạc sĩ Văn Cao đã được mời lên để sửa lại lời Quốc ca như hiện nay.
Sau này chính nhạc sĩ Văn Cao khi còn sống đã gửi những tư liệu liên quan tới việc sáng tác Quốc ca tới Trung tâm Lưu trữ quốc gia, trong đó có những tài liệu có cả lời, bút phê duyệt của Bác Hồ.
Sắc lệnh số 254-SL ngày 14-1-1956 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa về việc ban bố mẫu Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được trưng bày tại triển lãm ở Hà Nội năm 2020 - Ảnh: T.ĐIỂU
Ngoài chuyện Quốc ca, hội thảo cũng được lắng nghe chuyện họa sĩ Bùi Trang Chước đã được công nhận là tác giả mẫu Quốc huy Việt Nam nhờ vào tài liệu lưu trữ quốc gia mà trước đó bị "nhầm tưởng" tác giả là họa sĩ Trần Văn Cẩn.
Con gái họa sĩ Bùi Trang Chước - bà Nguyễn Thị Thanh Thủy kể 20 năm trước, ba học trò của bố bà là các họa sĩ: Lê Lam, Ngọc Linh, Thục Phi đã tìm tòi lại ký ức và tư liệu về việc sáng tác mẫu Quốc huy của thầy mình.
Các ông đã vào Trung tâm Lưu trữ quốc gia III để tìm kiếm tư liệu. Vài tháng sau đó, năm 2003, gia đình quyết định gửi toàn bộ hồ sơ quá trình sáng tác mẫu Quốc huy của bố từ lúc phác thảo tới mẫu cuối cùng.
Năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký văn bản thừa nhận họa sĩ Bùi Trang Chước là tác giả Quốc huy Việt Nam sau 50 năm bị nhầm là của họa sĩ Trần Văn Cẩn.
Ngoài giúp trả lại sự thật cho tác giả mẫu Quốc huy Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cũng đã lập hồ sơ đệ trình lên các cơ quan chức năng và năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký công nhận bộ phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam do họa sĩ Bùi Trang Chước vẽ hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II là bảo vật quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét