Thứ Ba, 12 tháng 9, 2023

Xuất khẩu trái cây: Còn du di, 'chết' cả làng

 Kinh doanh

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 12/09/2023 08:18

Xuất khẩu trái cây: Còn du di, 'chết' cả làng

Tác giả: Trung Tân

Sau những thông tin hồ hởi về xuất khẩu trái cây, trong đó có sầu riêng, đã có những vụ việc không hay, mới nhất là thông báo tạm dừng và thu hồi một số vùng trồng do vi phạm khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nhập kho sầu riêng  - Ảnh: T.TÂN

Nhập kho sầu riêng - Ảnh: T.TÂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ vào ngày 11-9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung nói rằng không thể vì một vài mã số xuất khẩu làm sai mà ảnh hưởng tới cả ngành hàng.

Cũng trong ngày 11-9 đã có một hội thảo về "Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam".

Chúng ta có thị trường Trung Quốc rất tốt với thị phần rất lớn. Nếu không tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu thì sớm muộn cũng sẽ bị cấm hoặc tạm dừng nhập khẩu, tình huống đó đều không tốt cho cả ngành hàng trái cây xuất khẩu.

Ông Hoàng Trung (thứ trưởng Bộ NN&PTNT)

Loạn giá, bẻ cọc gây hại cho nhau

Tại hội thảo này, một thực trạng không nên tồn tại, phải chấn chỉnh ngay đó là sự bát nháo trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sầu riêng. Đó là tình trạng tranh mua, tranh bán, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết đang diễn ra ở các vùng trồng sầu riêng, nhất là ở Tây Nguyên.

Ông Lê Anh Trung - giám đốc đối ngoại Tập đoàn Vạn Hòa - cho biết thương lái, "cò" sầu riêng vào vườn chốt, đẩy giá gây khó khăn cho những doanh nghiệp có đối tác xuất khẩu. Không những vậy, theo ông Trung, còn có tình trạng địa phương "phân chia" vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Làm thế doanh nghiệp đâu cần xây dựng cơ chế thu mua, hợp đồng với dân mà chỉ cần đến mùa "ngồi với chủ tịch xã" là xong!

Cũng thừa nhận phải đối mặt với tình trạng nâng giá, bẻ kèo, làm đứt gẫy chuỗi liên kết, ông Nguyễn Hữu Chiến - giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) - cho biết có thể chấn chỉnh ngay. 

Ông gợi ý với mã vùng trồng sầu riêng đã được cấp, Nhà nước chỉ cần quản lý chặt thì doanh nghiệp không đủ năng lực không thể mua bán, phá giá, gây loạn thị trường được.

Công nhân kiểm tra chất lượng sầu riêng - Ảnh: T.TÂN

Công nhân kiểm tra chất lượng sầu riêng - Ảnh: T.TÂN

Chấn chỉnh ra sao?

Vừa qua, nhiều mã vùng trồng, cơ sở đóng gói làm chưa tốt theo yêu cầu của nghị định thư đã ký, phía Trung Quốc đã thông báo vi phạm cho Cục Bảo vệ thực vật. Rất nhiều lô trái cây xuất khẩu bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật (rệp, ruồi...) bị bạn phát hiện. 

Còn tại Việt Nam, các chi cục kiểm dịch thực vật ở các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh cũng phát hiện tương tự và không cho xuất đi.

Liên quan đến tình trạng vi phạm các quy định về xuất khẩu, ông Hoàng Trung cho biết hướng xử lý: "Với các vi phạm do phía Trung Quốc thông báo, nếu bị cảnh báo lần đầu tiên, chúng tôi thông báo cho địa phương, các chủ mã số yêu cầu xác định nguyên nhân, có biện pháp khắc phục. 

Nếu vi phạm lần thứ hai thì buộc phải tạm dừng xuất khẩu cho đến khi khắc phục. Nếu vi phạm nhiều lần phải thu hồi mã số đó. Bộ ủng hộ những chủ mã số, doanh nghiệp làm đúng. Không vì vài mã số làm sai mà ảnh hưởng đến cả ngành hàng".

Giải thích về quyết định mạnh tay này, ông Hoàng Trung cho biết thêm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo rất rõ ràng, phải công khai minh bạch và thông báo kịp thời cho các cá nhân, doanh nghiệp, địa phương nắm để xử lý ngay các vi phạm. 

Trước đó, khi ký nghị định thư với Trung Quốc, bộ cũng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định rồi đến hội nghị tổ chức sản xuất, các giải pháp để làm sao quản lý cho tốt. 

Gần đây nhất, cuối tháng 8 vừa qua tại Lạng Sơn, bộ cũng tổ chức hội nghị và nói rất rõ về việc sẽ tạm dừng xuất khẩu các mã số vi phạm.

Ông Hoàng Trung cũng cho biết bộ cũng chỉ đạo các chi cục kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu không cho phép xuất khẩu trái cây có nguồn gốc từ các mã số vi phạm mà chưa được khắc phục. 

Đối với các trái cây đã hái, đang trên đường vận chuyển đến cửa khẩu, bộ sẽ chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ, nếu đáp ứng được quy định của nước nhập khẩu thì vẫn tạo điều kiện để thông quan.

Thứ hai, nếu chúng ta không làm được thì sẽ không cạnh tranh được với Thái Lan, Malaysia. Thái Lan hiện có cả công cụ để người dân kiểm soát chất lượng quả chuẩn bị thu hoạch. Còn chúng ta kiểm soát vùng trồng và cơ sở đóng gói vẫn chưa làm tốt được. Vì vậy, chúng ta phải thay đổi tư duy và cách làm để quản lý chất lượng sản phẩm tốt hơn.

Bên cạnh đó, để nâng cao đạo đức kinh doanh, hạn chế tranh mua, tranh bán và thu hoạch trái non, sượng (với sầu riêng), bộ đã giao Cục Trồng trọt xây dựng một tiêu chuẩn về sản xuất. Trước là áp dụng cho sầu riêng và sau đó là các loại trái cây khác để làm sao đảm bảo đủ ngày, đủ độ chín, màu sắc ra sao mới được thu hoạch. 

Có vậy mới giảm bớt nạn thu hoạch "một dao", thu một lần là hái cả vườn, non cũng thu, tốt xấu lẫn lộn, làm mất uy tín cả một ngành hàng.

Bưởi cũng là một trong những mặt hàng được xuất khẩu nhiều sang các thị trường khó tính - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Bưởi cũng là một trong những mặt hàng được xuất khẩu nhiều sang các thị trường khó tính - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Muốn liên kết, phải bắt đầu từ chế tài

Hàng trăm container chuối, mít, sầu riêng, thanh long... đã bị "tuýt còi" tạm dừng xuất khẩu vì nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật. Các bộ, sở lại lao vào bàn, phải liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở nước bạn an toàn, chất lượng. Nhưng chắc chắn, như bao lần trước, các lời kêu gọi ấy sẽ khó làm thay đổi thói quen mạnh ai nấy làm, chụp giựt, thậm chí gian dối.

Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết nguyên nhân là do doanh nghiệp đã không minh bạch, liên kết bị đứt gãy nhiều phía. Vâng, chính sự lỏng lẻo này là kẽ hở cho các doanh nghiệp làm ăn gian dối chen vào.

Cũng vì sự lỏng lẻo này mà các hành vi gian lận không bị vạch mặt chỉ tên, thậm chí uy hiếp ngược, phá rối môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Và cũng chính vì lỏng lẻo, các doanh nghiệp gian dối lại tạo thói quen làm ăn "thiếu trước, bỏ sau" của một số ít nông dân khi họ bỏ hợp đồng, lật kèo với các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Bao giờ thì có liên kết? Chẳng trả lời được, bởi mô hình liên kết giữa các khâu sản xuất, chế biến... đã được đưa ra từ nhiều năm trước, nay càng bị thúc ép, cạnh tranh gay gắt bởi cách làm ăn quy mô lớn, tuân thủ luật pháp, nhà sản xuất phải có trách nhiệm cao nhất với người tiêu dùng, vì vậy càng phải liên kết chặt hơn. Tiếc rằng nhiều ngành hàng trong sản xuất nông nghiệp vẫn lơ là yêu cầu này. Vụ tạm dừng xuất khẩu một số mã hàng là ví dụ điển hình.

Chẳng lẽ chúng ta chấp nhận may rủi, chấp nhận một số nông dân và doanh nghiệp không tuân thủ phá vỡ nồi cơm của cả hàng vạn người khác hay sao? Còn trông chờ vào sự tự giác liên kết đến bao giờ? Không thể nước đến chân mới nhảy. Không thể lửa cháy mới lo đi phòng giặc lửa. Phải mạnh tay chế tài, bắt đầu từ các doanh nghiệp. "Cần loại bỏ, tạm ngưng cơ sở đóng gói không bảo đảm. "Phải bêu tên trong danh sách đen những doanh nghiệp tái phạm, gian dối...", ông Tùng đề xuất.

Nhìn sang đánh bắt thủy sản, châu Âu đã có quy định về cấm đánh bắt cá trái phép không báo cáo, không quản lý; mới đây với nông sản có quy định không được trồng trên đất rừng bị phá... Quy định, tiêu chuẩn ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao. Cứ mạnh ai nấy làm, doanh nghiệp chụp giựt tung hoành, không khéo có ngày chúng ta phải nhìn nông dân nước bạn ùn ùn xuất khẩu, còn ta phải loay hoay "giải cứu" trái cây vì có vấn đề về chất lượng.

Thu hồi, tạm dừng xuất khẩu mã số sầu riêng, chuối... vi phạm kiểm dịchThu hồi, tạm dừng xuất khẩu mã số sầu riêng, chuối... vi phạm kiểm dịch

Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương thu hồi, tạm dừng xuất khẩu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trái sầu riêng, chuối, thanh long... xuất khẩu sang Trung Quốc do nhiều lần vi phạm kiểm dịch.

Không có nhận xét nào: