Những người trẻ sớm mất ngủ - Kỳ 1: Lướt mạng cho đã con mắt, cho mê cái đầu
Không khó để bắt gặp những 'zombie' ôm điện thoại, máy tính ngồi hàng quán thâu đêm, kể cả 'lang thang bốn phương' đến sáng trên... giường ngủ.
Áp lực công việc, học hành và nhiều khi chỉ từ những thói quen khiến không ít người trẻ ngày nay dễ bị sớm mất ngủ. Không khó để bắt gặp những "zombie" ôm điện thoại, máy tính ngồi hàng quán thâu đêm, kể cả "lang thang bốn phương" đến sáng trên... giường ngủ.
Gần 1h sáng, Nguyễn Bảo Ngọc (29 tuổi, ngụ đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP.HCM) vẫn không rời mắt khỏi màn hình điện thoại. "Tôi biết phải ngủ sớm để tốt cho sức khỏe, sáng dậy tỉnh táo làm việc. Nhưng cảm thấy buồn buồn, tôi cứ thói quen cầm điện thoại lên và hàng tiếng đồng hồ trôi cái vèo", cô nói.
"Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng"
Ngọc xem gì trên TikTok? Đó là những phim ngắn, clip về vườn nấu ăn, nhạc buồn hoặc xu hướng mới. Cô gái với nét mặt mệt mỏi chia sẻ: "Nếu hôm sau có việc quan trọng, tôi sẽ ngủ sớm hơn, cỡ 12h đêm. Không thì tôi lại lướt tới gần sáng. Có khi clip vẫn đang phát nhưng đầu tôi căng cứng, tay đơ, mắt không mở nổi nên ngủ lúc nào không biết".
Do có quá nhiều kênh và nội dung khác nhau, Ngọc xem hoài không chán. Cách dẫn dắt trong các clip lôi cuốn nên lướt một phần cô lại muốn tìm xem cho hết. Khi WiFi chậm, cô lập tức bật dữ liệu di động lên lướt tiếp!
Cô nói vui rằng thói quen ngủ muộn gắn bó với mình còn hơn... người yêu. "Tôi thấy mình không còn khỏe tới mức thức đêm mà sáng dậy vẫn tỉnh táo như hồi sinh viên. Nhưng tôi không tài nào ngủ sớm được. Những ngày có chuyện lo buồn thì "đêm qua chưa mà trời sao vội sáng" luôn", cô bộc bạch.
Không chỉ TikTok, cô còn lướt Facebook, Instagram, sa đà theo dõi những cuộc tranh luận chẳng liên quan mình. Giờ giấc sinh hoạt của cô đảo lộn: ngủ muộn, dậy trễ, ăn uống qua loa và tăng cân vì ăn khuya lấy năng lượng lượn lờ trên thế giới ảo.
"Mấy tháng trước tôi có tập ngủ sớm hơn. Nhưng chừng tuần lại u như kỹ (y như cũ). 11h đêm lên giường nằm nhưng đầu óc tỉnh queo. Sống một mình, tôi cứ vậy miết, ghiền điện thoại, thích chat hơn là gặp gỡ bạn bè ngoài đời", cô thở dài.
Tương tự, Trần Công Hậu (sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM) lý giải việc mình ghiền TikTok: "Càng xem thì càng thích, khó buông điện thoại xuống lắm". Trước khi ngủ, Hậu thường lướt mạng xã hội. Những ứng dụng Facebook, TikTok luôn ngốn của anh ít nhất 2 tiếng mỗi khi lướt.
Chàng trai 19 tuổi cho biết mỗi lần xem clip cảm thấy thích là ngay sau đó hàng loạt những clip kiểu vậy liên tục xuất hiện. Điều này khiến Hậu không còn ý thức được thời gian mình tiêu tốn.
Dù biết phí thời gian, Hậu vẫn không thể cưỡng sức hút của nó. Đều đặn mỗi đêm, trong căn phòng ký túc sáu người ở, ánh sáng vẫn le lói từ chiếc điện thoại tận 2h-3h sáng. Đã cố gắng "cai", chàng trai vẫn lực bất tòng tâm. "Còn trẻ còn khỏe chắc chưa đến nỗi nào, thôi thì mình khắc phục từ từ", Hậu tự nhủ và cứ tiếp tục mất ngủ.
Không chỉ vậy, khi vừa mở mắt dậy, anh có thói quen lướt mạng rồi mới vệ sinh cá nhân để đi học. Việc lướt mạng đã phí hoài hơn một phần tư thời gian trong ngày của anh.
Đêm"cày" game, ngày bận đi học
Là sinh viên năm cuối, Nguyễn Hữu Đức (Trường đại học Công nghệ TP.HCM) cho biết lịch học thoáng hơn trước, chỉ còn môn chuyên ngành. Song trên gương mặt cậu hiện rõ vẻ thiếu ngủ, không phải vì học hành căng thẳng mà do... thức khuya quá nhiều.
Ấy thế mà chàng sinh viên 21 tuổi đinh ninh mình vẫn khỏe vì quen kiểu sinh hoạt "ngày ngủ, đêm bay". Những ngày không đến trường, cậu thường "cắm" laptop từ 19h đến 3h sáng hôm sau. Tám tiếng ngồi máy những ngày này không để học, mà phần lớn dành chơi game trực tuyến.
Màn hình máy tính Đức lưu đủ loại trò chơi, từ bóng đá đôi ba phút cho đến những game ít nhất 20 phút/trận, đủ biết độ "cày cuốc" của cậu khủng thế nào. "Không phải là nghiện mà những ngày nghỉ không có gì làm mình mới chơi game để giải trí. Đôi lúc cũng hơi quá đà vì ỷ lại ngày mai không đi học nên mình cho phép bản thân xả láng", Đức vui vẻ nói.
Mang tiếng giải trí nhưng Đức thường cay cú khi thua và càng quyết tâm gỡ. "Nhiều khi chơi thua hoài muốn đánh một trận cho thắng để đi ngủ, nhưng có khi chơi tới sáng cũng chưa thắng được", cậu nói với đôi mắt quầng đen.
Đức có thể ngủ bù ban ngày, nhưng khi trở lại giảng đường, vấn đề mới xuất hiện. Cậu khó trở lại nhịp sống bình thường, mỗi khi lên lớp là gà gật, nằm dài ra bàn.
Những hôm trắng đêm, Đức thường cố ngủ thêm vào sáng hôm sau và nhờ bạn canh giờ ra chơi để... lẻn vào lớp. Có lẽ vì vậy, kết quả học tập của cậu chỉ ở mức trung bình khá.
Nhiều lần Đức cố nhắm mắt ngủ sớm, nhưng giấc ngủ cứ nhìn thấy cậu là bỏ chạy. "Thức khuya 3-4 hôm là sẽ trở thành thói quen, còn tập ngủ sớm trong chừng ấy thời gian quả thật rất khó", Đức than thở.
Thiếu ngủ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu
Trong đời sống hiện đại, cùng với sự tiện lợi của Internet, người trẻ dễ dàng tiếp cận mạng xã hội với những thứ hấp dẫn. Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Trung tâm Đào tạo ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt), hầu như ở bất cứ đâu từ thành thị đến nông thôn, từ nhà đến quán xá, người ta đều dễ dàng lướt mạng và thiếu kỹ năng sử dụng mạng xã hội sao cho hợp lý.
Gần đây, bà cũng tiếp nhận điều trị tâm lý những trường hợp bạn trẻ độ tuổi học sinh sinh viên bị trầm cảm do những hệ lụy khi sử dụng mạng xã hội chưa phù hợp. "Điều này xuất phát từ những xung đột trên mạng xã hội dẫn đến chỉ trích, tẩy chay hoặc những chuyện tình cảm bêu xấu nhau, lâu ngày sinh trầm cảm", bà nói.
Bà chia sẻ một số nghiên cứu cho thấy trung bình một ngày người trẻ bỏ 4-6 tiếng để sử dụng mạng xã hội. Nhiều người không nhận thấy những tác hại lâu dài từ việc này như lãng phí thời gian, dẫn đến làm việc thiếu năng suất.
Hơn nữa, lối sống thiếu lành mạnh, không nghỉ ngơi sinh hoạt điều độ... sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần, hệ lụy của thiếu ngủ.
Bên cạnh đó, người trẻ ở các thành phố lớn thiếu các sân chơi, thiếu không gian giải trí thiên nhiên. Họ tìm đến thế giới mạng để giải trí, xem phim, theo dõi những thị phi... mà không nhận thức việc quản trị thời gian, không hiểu rõ những điều này sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe ra sao.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, ban đêm cơ thể cần được nghỉ ngơi, đi vào giấc ngủ để sản sinh kháng thể. "Nếu ta thức đêm nhiều, hệ miễn dịch rối loạn, cơ thể yếu đi và dễ sinh bệnh tật. Ban đêm, hormone melatonin được tiết ra nhiều để dễ đi vào giấc ngủ, nếu ta làm trái nhịp sinh học này thì về lâu dài bị rối loạn giấc ngủ, dẫn đến tình trạng mất ngủ", bà nói.
Bà nhắn nhủ: "Thức đêm lướt mạng lâu ngày có nguy cơ ảnh hưởng đến mắt, ít vận động dễ gây các chứng đau cổ, vai, gáy hoặc mụ mị tinh thần... Do đó, mỗi người phải có ý thức quản lý thời gian, đời sống sinh hoạt của mình".
Hãng nghiên cứu thị trường Wakefield Research từng đưa ra số liệu khoảng 37% người trưởng thành tại Việt Nam bị mất ngủ. Tỉ lệ này ở Trung Quốc là 51%, Mỹ 53%, Singapore 61%... Trong số liệu nghiên cứu tám quốc gia với mỗi nước 1.000 người trên 18 tuổi, Wakefield Research ghi nhận hơn một nửa số người tham gia cho biết họ không ngủ đủ giấc cần thiết.
Theo một số bác sĩ, tình trạng mất ngủ ở giới trẻ Việt Nam cũng đang có diễn biến cần quan tâm nhưng còn thiếu các khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu.
*************
Quá nửa đêm, nhiều bạn trẻ còn ngồi đồng tại các cửa hàng tiện lợi, quán cà phê mở 24/24h, thậm chí còn đang cụng ly tưng bừng và tỉnh queo trả lời "đời là vạn ngày sầu, ngủ sớm làm gì".
>> Kỳ tới: Đời là vạn ngày sầu, ngủ sớm làm gì?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét