Thứ Ba, 24 tháng 5, 2022

Số phận của những con tàu vỏ thép - Bài 1: Thực tế đã không như kỳ vọng

 

Số phận của những con tàu vỏ thép - Bài 1: Thực tế đã không như kỳ vọng

TẤN THÀNH - CHÍ ĐẠI

Việc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản, ngư dân đã kỳ vọng vào những con tàu vỏ thép được đóng mới từ nguồn vốn vay này, vì con tàu sẽ vững chắc cùng với trang thiết bị hiện đại khi vươn khơi xa sẽ an toàn và đánh bắt hải sản đạt năng suất cao.

Tàu QNg 95868 TS của ngư dân neo đậu tại bờ.
Tàu QNg 95868 TS của ngư dân neo đậu tại bờ.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ67) của Chính phủ có rất nhiều ưu đãi lợi thế cho sự phát triển thủy sản, ở đây chúng tôi chỉ nói riêng về trường hợp đóng mới, cải hoán nâng công suất tàu cá, nhất là đóng mới tàu vỏ thép có những lợi thế như, khi đóng tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV thì chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 5%/năm, hay ngân sách Trung ương thực hiện cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại cho vay để đóng mới, nâng cấp tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ.

NĐ67 còn quy định, hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, như hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản theo công nghệ mới cho các địa phương đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. Ngoài ra, bảo hiểm cho tàu cá được hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu và nhiều ưu đãi khác.

Phải nói rằng, đây là một chủ trương lớn, phù hợp với tình hình thực tế và nguyện vọng của nhiều ngư dân, nhất là những ngư dân xưa nay hoạt động gần bờ mà có nguyện vọng khát khao vươn khơi xa và những ngư dân muốn cải hoán công suất tàu lớn để đánh bắt xa khơi dài ngày.

NĐ67 triển khai trên địa bàn đã được UBND các tỉnh tổ chức thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành và đảm bảo tính kịp thời. Cùng với đó là sự tham gia giám sát của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, nên việc triển khai NĐ67 đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, đúng quy trình, nhận được sự đồng thuận của nhân dân, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh và bảo vệ an ninh quốc phòng.

Gặp chúng tôi tại cảng Kỳ Hà, ngư dân Phạm Thanh Trung - trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam (chủ tàu vỏ thép QNa 90659 TS) cho biết: “Tôi rất vui mừng khi có được con tàu vỏ thép đóng theo vốn vay NĐ67. Mới đầu, mỗi chuyến đi biển, năng suất đánh bắt hải sản cao hơn so với tàu gỗ truyền thống. Cứ như hiệu quả ban đầu thì tôi nhanh chóng trả được nợ ngân hàng và bám biển mưu sinh vững chãi, nhưng lâu dài tàu đã bộc lộ những nhược điểm và nhiều vấn đề khác khiến tôi làm ăn thất bại”.

Còn ngư dân Nguyễn Hữu Ngọt - trú xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (chủ tàu vỏ thép QNg 95868 TS) cho hay: “Nhờ NĐ67 gia đình tôi đã có được con tàu công suất lớn, đủ điều kiện vươn khơi bám biển dài ngày. Quả thật, với tôi đây là mơ ước đã lâu, giờ mới có được. Ban đầu mỗi chuyến đi biển sau khi trừ các khoản chi phí đem về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Cứ như vậy, tôi sẽ sớm có tiền trả nợ, lãi vốn vay cho ngân hàng để đóng mới con tàu. Nhưng rất tiếc với nhiều nguyên nhân mọi việc không như kỳ vọng”.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều ngư dân cũng cho rằng, nếu không có NĐ67 thì họ sẽ không bao giờ có được những con tàu vỏ thép có công suất từ 400CV trở lên, con tàu này còn có những thiết bị hiện đại mà họ có mơ cũng không thấy được.

“Đã làm ngư dân, ai không khát khao vươn khơi xa đánh bắt hải sản cho thu nhập cao. Nếu không có NĐ67 thì những ngư dân nghèo như chúng tôi làm gì có tiền để đóng tàu” - anh Trung nói. Đó cũng là tâm sự của nhiều ngư dân ở đây.

Ngư dân Phạm Thanh Trung chia sẻ về tàu 67.
Ngư dân Phạm Thanh Trung chia sẻ về tàu 67.

Ngư dân đặt niềm tin là đúng, bởi theo thiết kế con tàu vỏ thép có thể vươn khơi được trong điều kiện thời tiết biển động trên cấp 7 và di chuyển rất nhanh; khoang tàu rộng chứa được nhiều ngư lưới cụ, nguyên liệu bảo quản, từ buồng lái đến đèn chụp, cần cẩu đều hoạt động bằng máy móc hiện đại. Chính vì vậy, tàu có thể hoạt động đánh bắt xa bờ dài ngày và đem lại hiệu quả kinh tế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, NĐ67 đã động viên ngư dân tăng đầu tư đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu thuyền, công suất đảm bảo an toàn để tham gia đánh bắt vùng biển xa. Đặc biệt, việc giải ngân kịp thời đã tạo được niềm tin để ngư dân yên tâm bám biển. Thực tế nhiều chủ tàu đã tăng số lượng chuyến biển sản xuất tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, góp phần gia tăng đáng kể sự hiện diện của tàu cá Việt Nam trên các vùng biển chủ quyền.

Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết: “NĐ67 của Chính phủ khi đưa vào triển khai rất đúng và được nhiều ngư dân hoan nghênh. Như huyện Núi Thành có 44 tàu thuyền đóng mới theo NĐ67, với tổng công suất trên 32.000CV, giải quyết lao động cho 683 người, năm 2021 toàn huyện đánh bắt được hơn 54.000 tấn hải sản, nhưng trong số tàu nói trên có đến 4 tàu gặp sự cố cháy nổ, chìm trên biển”.

Thực tế tất cả không như kỳ vọng, sau một thời gian ra khơi, những con tàu vỏ thép đã bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề, từ thiết kế đến chất lượng máy móc và nhiều nguyên nhân khác khiến ngư dân phá sản, nợ nần, mất tàu.

(Còn nữa)

Tính đến thời điểm này, tại Quảng Nam có 63 tàu cá đóng mới theo NĐ67, trong đó 24 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ composite và 37 tàu vỏ thép, đạt 68,50% số tàu cá được UBND tỉnh phê duyệt và 2 tàu nâng cấp máy chính. Tổng số tiền giải ngân đến nay đạt 719,356 tỷ đồng/65 tàu cá. Tại Quảng Ngãi có 63 tàu cá đóng mới theo NĐ67, trong đó 11 tàu vỏ thép, 52 tàu vỏ gỗ.

Không có nhận xét nào: