Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

'Nổi tiếng không nhờ ngoại hình' - Kỳ 3: Thấu hiểu, đồng hành với con trên mạng xã hội

 

Diễn đàn 'Nổi tiếng không nhờ ngoại hình' - Kỳ 3: Thấu hiểu, đồng hành với con trên mạng xã hội

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 27/05/2022 09:41

TTO - Anh Nguyễn Hữu Trí (CEO Học viện kỹ năng Awake your power) - người cha có con dùng mạng xã hội, đồng thời là gương mặt có gần 2,6 triệu người theo dõi trên YouTube, TikTok, Facebook... chia sẻ với diễn đàn "Nổi tiếng không nhờ ngoại hình.

Diễn đàn Nổi tiếng không nhờ ngoại hình - Kỳ 3: Thấu hiểu, đồng hành với con trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Hữu Trí trong một lần chia sẻ về kỹ năng sống - Ảnh: T.NGUYỄN

Năm nay, con trai tôi lên 13 tuổi. Giữ đúng lời hứa, chúng tôi cho phép con được sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ). Hai tuần sau, tất cả những gì chúng tôi luôn lo lắng trước đó biến thành hiện thực: con trai tôi bắt đầu dành rất nhiều thời gian để lướt mạng xã hội (MXH)!

Lời xin lỗi trước đứa con gen Z

Chúng tôi càng hoang mang khi bạn sa đà vào MXH gây nghiện cao nhất hiện nay: "tốp tốp" (ngôn ngữ giới trẻ thường dùng khi nói về TikTok)! Cứ một, hai phút là con móc điện thoại ra xem rồi cười khúc khích một mình.

Sau hai tuần, chúng tôi rơi vào trạng thái lo lắng tột độ. Nhân một buổi tối, tôi thẳng thắn chia sẻ với con trai rằng tôi nghĩ con đã bị nghiện MXH, rồi sẽ lãng phí thời gian nghiêm trọng chưa kể nhiều vấn đề khác như trên đó nhiều bạn chỉ ngúng nguẩy khoe mông, khoe ngực...

Con tôi tỏ vẻ không đồng tình và khẳng định trang tốp tốp của bạn không có những nội dung như tôi nói. Tôi mất bình tĩnh vì cho rằng con cố cãi. Con trai tôi cũng hậm hực không kém, chìa điện thoại cho tôi coi.

Tôi lướt trang tốp tốp của con từ trên xuống dưới, chậm rãi và kỹ lưỡng mà chẳng thấy bất kỳ cô gái hở hang hay điệu nhảy khiêu khích nào, chỉ toàn thấy clip chơi bóng rổ. Như vừa bị dội một gáo nước lạnh, tôi bừng tỉnh và thở phào nhẹ nhõm, xin lỗi con trai một cách chân thành nhất.

Điều khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất là bản thân tôi có công ty truyền thông hoạt động gần chục năm nay, lại là một YouTuber và TikToker có nhiều người theo dõi... nhưng khi quay về vai trò của một ông bố, tôi lại quên hết những kinh nghiệm lẫn hiểu biết về MXH. Sự lo lắng thái quá đã khiến tôi có những hành động hồ đồ với đứa con trai đang độ tuổi gen Z (những cá nhân sinh từ năm 1995 - 2010).

Khó thể hiểu con nếu mù mờ công nghệ

Công nghệ cạnh tranh cốt lõi của tất cả các nền tảng nghe nhìn trên MXH như YouTube, TikTok, Facebook watch hoặc Instagram Reels... chính là máy học (machine learning). Đây là công nghệ lõi giúp các nền tảng quan sát hành vi tiêu thụ nội dung của từng người dùng, từ đó xác định được sở thích, nhu cầu và sự quan tâm của họ trong từng thời điểm để đề xuất những nội dung phù hợp nhất cho từng cá nhân. Đây là bí quyết cạnh tranh sống còn của họ! Nền tảng nào có thuật toán máy học tốt hơn sẽ hiểu khách hàng sâu sắc hơn và vì vậy sẽ dành được sự tập trung và thời gian nhiều hơn từ phía khách hàng.

Trên thị trường hiện nay, thuật toán máy học của TikTok đang hoạt động cực kỳ hiệu quả, phát triển nhanh hàng đầu. Điều đó cũng đồng nghĩa nếu giới trẻ thường xuyên sử dụng TikTok thì những nội dung mà chúng thường đề xuất với con bạn thật sự phản ảnh mối quan tâm, hứng thú lớn nhất của người dùng ở thời điểm này!

Những gì hiện ra trên màn hình TikTok hoặc các MXH khác sẽ cho chúng ta hình dung ít nhiều thông tin về nhu cầu và sự quan tâm của giới trẻ: nếu MXH có nhiều clip hài thì điều đó có nghĩa là các bạn ấy đang hơi buồn chán; nếu TikTok của họ có nhiều clip của các cô gái đẹp và gợi cảm nghĩa là họ đang trong giai đoạn có sự tò mò mạnh mẽ về tính dục; nếu TikTok của trẻ có nhiều nội dung về tâm lý, cô đơn... điều đó có nghĩa là trẻ đang cảm thấy áp lực với cuộc sống, các mối quan hệ. TikTok của con trai tôi toàn là clip bóng rổ có lẽ vì bạn vừa mới đi học bóng rổ và đang rất "máu lửa" với môn thể thao này!

Người lớn cần học và tự vấn

Đến lúc này, tôi chợt nhận ra thay vì lo lắng, bức xúc với hành vi tiêu thụ nội dung hời hợt và tạm gọi là vô bổ, lên án việc chạy theo yếu tố ngoại hình của các bạn trẻ trên MXH, chúng ta phải tự chất vấn lại vai trò của truyền thông đại chúng, nhà trường, gia đình trong việc định hướng và phát triển năng lực cảm thụ của giới trẻ.

Nếu ngày hôm nay các môn học như nhạc, họa và thể dục vẫn là những môn phụ không hề được chú trọng trong trường phổ thông thì làm sao chúng ta mong đợi các bạn trẻ có được gu thưởng thức nghệ thuật sâu sắc và đời sống giải trí năng động, lành mạnh, chỉ quan tâm đến các clip ý nghĩa thay vì tập trung vào yếu tố ngoại hình của nhân vật trong clip?

Nếu ngày hôm nay những trang tin tức online vẫn liên tục giật tít về câu chuyện của các kiều nữ khoe dáng, lộ hàng, xúng xính hàng hiệu bên cạnh các nhân vật giàu có... thì làm sao chúng ta mong đợi các bạn trẻ quan tâm đến định hướng sự nghiệp, đón đầu công nghệ, trau dồi nội lực để giải quyết các vấn đề xã hội?

Nếu ngày hôm nay trẻ vẫn còn cảm thấy ngán ngẩm với giáo trình nặng nề, phương pháp giảng dạy khô khan trên lớp học, vẫn còn nhận được sự phán xét, áp đặt và bạo hành ngôn từ trong gia đình... thì làm sao chúng ta có thể cấm trẻ lao vào MXH để tìm kiếm niềm vui, tìm kiếm sự giải tỏa cho những áp lực và bí bách về tâm lý, cảm xúc của họ?

Và nếu những bậc cha mẹ cũng không thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại, chúng ta làm sao có thể khuyên nhủ con mình đọc sách, tập thể thao hay đơn giản là mở lòng chia sẻ tâm sự với người thân trong gia đình?

Nghĩ đến đấy, tôi tự nhủ rằng đã đến lúc mình phải từ bỏ sự kiêu hãnh và vị thế "mặc định đúng" của người lớn rất phổ biến trong xã hội Á Đông; từ bỏ sự lo lắng và bảo bọc thái quá của những ông bố bà mẹ... để cởi mở, thật sự lắng nghe và thấu hiểu con mình; để đón nhận và hòa nhập với những trào lưu mới một cách khách quan và chủ động; để được đồng hành và làm bạn với con cái của mình, giúp chúng cảm được những clip hay thông điệp sâu sắc thay vì chỉ chạy theo những cái lung linh!

Sáng thứ bảy tuần rồi, con trai rủ tôi xuống nhà chơi bóng rổ. Tôi lập cập xỏ vội đôi giày thể thao và chăm chú nghe con giảng giải luật chơi. Tôi nhồi bóng và cố ném bóng theo đường cong. Tôi khỏe hơn nhưng vẫn nếm "trái đắng" thua cuộc sau một giờ nhễ nhại mồ hôi!

Tôi thừa nhận mình đã phải xin lỗi, đã phải thua một cậu nhóc 13 tuổi. Nhưng với tôi, tất cả những điều đó đều trở thành ký ức ý nghĩa và ngọt ngào nhất với một ông bố...

Bạn nghĩ gì về câu chuyện trên?

Bạn có thấy câu chuyện giới trẻ tận dụng tối đa ngoại hình, chiêu trò để nổi tiếng trên MXH là điều đáng lo ngại? Bạn có góc nhìn khác hoặc muốn phản biện, có những giải pháp gợi ý?

Mời bạn chia sẻ với Nhịp Sống Trẻ thông qua bài viết (trong 900 chữ kèm thông tin cá nhân, số điện thoại) và gửi về tham gia diễn đàn thông qua email: nguyenthihuong@tuoitre.com.vn hoặc tto@tuoitre.com.vn. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút.

Nổi tiếng không nhờ ngoại hình - Kỳ 1: Nhiều lần vô cùng áp lực vì cạn nguồn ý tưởngNổi tiếng không nhờ ngoại hình - Kỳ 1: Nhiều lần vô cùng áp lực vì cạn nguồn ý tưởng

TTO - Không ít bạn trẻ khát khao danh vọng hoặc muốn kiếm tiền hiện chỉ tập trung vào việc mê mải khoe thân, làm những hành động mỗi lúc một xốc nổi để clip, trang mạng xã hội cá nhân ngày càng có nhiều view.

CÔNG NHẬT thực hiện

Không có nhận xét nào: