"Tiên học lễ, hậu học văn" vẫn phù hợp với mọi thời đại
Theo nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh, triết lý giáo dục "tiên học lễ, hậu học văn" chính là nền tảng để con người tiến tới sự hoàn thiện về trí tuệ và nhân cách, vì vậy triết lý này phù hợp với mọi thời đại.
"Đổi mới giáo dục không đồng nghĩa với đoạn tuyệt quá khứ"
Tại Hội thảo giáo dục 2021 do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đưa ra ý kiến khiến dư luận xôn xao: Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo.
Nêu quan điểm về đề xuất trên, cô Nguyễn Thị Tuyết (giáo viên tại Thanh Hóa) cho rằng, mỗi khẩu hiệu đều mang một ý nghĩa riêng và gắn liền với một triết lý giáo dục. "Tiên học lễ" tức là trước nhất phải học đạo làm người, học các quy tắc ứng xử, lấy đức làm gốc rễ, nền tảng để tạo dựng nhân cách con người. "Hậu học văn" tức là học văn hóa, rèn luyện kiến thức, trình độ chuyên môn cao.
Theo cô Tuyết, muốn trở thành người có ích cho xã hội cần phải rèn cả đức lẫn tài, phải lấy đức làm gốc rễ nền tảng, từ đó phát triển tri thức, nâng cao trí tuệ.
"Dẫu biết mục tiêu giáo dục sẽ đổi mới theo từng giai đoạn, nhưng đổi mới giáo dục không đồng nghĩa với đoạn tuyệt quá khứ mà phải kế thừa và phát triển. Thực tế cho thấy, giáo dục đạo đức trong nhà trường đang bị buông lỏng, một bộ phận học sinh sa sút đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và yếu kém về kỹ năng sống.
Theo tôi, thay vì bỏ triết lý "tiên học lễ, hậu học văn" chúng ta nên chú trọng vào giáo dục đạo đức, khơi dậy ý thức đạo đức lành mạnh ở người học để các em tự giác nhận thức được trách nhiệm đạo đức của mình. Từ đó, người học mới có thể phát huy tính sáng tạo, có tư duy phản biện trong quá trình học tập" - cô Tuyết nêu quan điểm.
Cũng bày tỏ quan điểm về đề xuất trên, chị Trần Thị Hồng (phụ huynh ở Can Lộc - Hà Tĩnh) rất đồng ý phải đề cao tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo nhưng không đồng ý với ý kiến chấm dứt triết lý "tiên học lễ, hậu học văn".
"Hai việc này không mâu thuẫn, không nhất thiết phải chọn cái này thì bỏ cái kia, chúng phải bổ khuyết cho nhau, tạo nên nền tảng để con người tiến tới sự hoàn thiện. Lẽ nào học trò không chào thầy cô, không học lễ nghĩa mới là đổi mới, sáng tạo hay sao?" - chị Hồng nêu câu hỏi.
"Là triết lý giáo dục phù hợp với mọi thời đại"
Là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Khánh Linh (học sinh Trường THPT tại Long Biên, Hà Nội) cho rằng, "tiên học lễ, hậu học văn" đề cao vai trò của đạo đức, của việc thành nhân trước khi thành tài và thành đạt.
"Theo suy nghĩ của em, quan điểm này phù hợp trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh, mọi thời đại. Bởi đạo đức con người luôn là thứ quan trọng, đúng như Bác Hồ từng căn dặn: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
Vì vậy, học sinh chúng em phải tu dưỡng, rèn luyện để vừa có đức, vừa có tài. Theo em, "tiên học lễ, hậu học văn" chính là nền tảng để con người tiến tới sự hoàn thiện về trí tuệ và nhân cách" - Khánh Linh chia sẻ.
Còn theo em Thân Thị Huệ - sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, người Việt từ xưa tới nay trọng lễ nghĩa, đạo đức. "Trồng người" hay "học lễ" là hướng đến dạy tâm hồn, cốt cách con người. Theo đó, đạo đức, phẩm chất của người học sẽ quyết định tinh thần, thái độ học tập và cũng quyết định hiệu quả học tập và quá trình rèn luyện.
"Theo em, đức và tài phải song song và không tách rời nhau. Đức và tài liên quan chặt chẽ với nhau, bổ sung lẫn nhau và phù hợp với mọi thời đại. Vì vậy, triết lý "tiên học lễ, hậu học văn" chính là nền tảng để con người tiến tới sự hoàn thiện về trí tuệ và nhân cách" - Huệ nêu ý kiến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét