Tin sáng 7-11: Xét nghiệm cấp cứu ở TP.HCM có 5-10% ca dương tính
TTO - Số ca F0 mới phát hiện qua test nhanh tại các khoa cấp cứu bệnh viện ở TP.HCM có xu hướng tăng 1 tuần nay, đa số không có triệu chứng nên dễ là nguồn lây. Cả nước, tỉ lệ tiêm 1 mũi vắc xin đạt gần 83% người từ 18 tuổi, số tiêm đủ 2 mũi đạt 38%.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Lê Minh Khái sau cuộc họp về trang thiết bị y tế. Theo đó, dịch bệnh COVID-19 là chưa có tiền lệ, khó lường về mức độ nguy hiểm, tốc độ lây nhiễm.
Nhu cầu về trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế cả về số lượng và chất lượng... nên việc đầu tư mua sắm nhiều lúc nhiều nơi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Hạn chế này cần rút kinh nghiệm, không để lặp lại khi dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.
Về khung khổ pháp lý, Phó thủ tướng cho rằng cơ bản đã đầy đủ, đối với một số trường hợp đặc thù chưa có tiền lệ thì có thể báo cáo xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như các trường hợp mua vắc xin phòng, chống dịch COVID-19.
"Hạn chế lớn nhất hiện nay là khâu tổ chức thực hiện, nhất là ở một số vụ của Bộ Y tế và một số địa phương còn chưa nắm chắc luật pháp, chưa mạnh dạn, trách nhiệm tổ chức kịp thời việc đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế" - Phó thủ tướng nêu ý kiến.
Phó thủ tướng cho rằng Bộ Y tế cần quan tâm, dành thời gian nhiều hơn để chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc, chủ động đề xuất các giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục, trong đó có giải pháp mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch của cả nước, có thể mua sắm tập trung do Bộ Y tế cân nhắc, quyết định.
TP.HCM: Nhiều F0 không triệu chứng là nguồn lây
Khoảng 1 tuần nay, tại nhiều bệnh viện ở TP.HCM như Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương..., số ca F0 được phát hiện qua test nhanh, test PCR tại các khoa cấp cứu có xu hướng tăng nhẹ. Tỉ lệ này dao động từ 5-10% trong tổng số các ca cấp cứu nhập viện.
Người dân ở TP.HCM đã được tiêm vắc xin COVID-19 với tỉ lệ khá cao, nếu nhiễm bệnh sẽ là F0 không triệu chứng, có thể nhanh chóng hồi phục, nhưng nếu không cẩn thận sàng lọc tại các bệnh viện sẽ dễ là nguồn lây cho những bệnh nhân khác.
Ngay khi ghi nhận số ca dương tính ở huyện Hóc Môn có chiều hướng gia tăng, HCDC đã chọn đến kiểm tra thực địa tại xã Xuân Thới Thượng và xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Đây là hai xã có nhiều điểm tiếp giáp với quận, huyện, tỉnh khác, có nhiều khu công nghiệp và nhà trọ, dân cư đông.
Tại đây, HCDC đề nghị địa phương cần áp dụng quy trình mới trong điều tra và xử lý ổ dịch tại cộng đồng. Khi ghi nhận một trường hợp dương tính, địa phương cần đánh giá ngay tình hình thực tế để khoanh vùng, điều tra xử lý ổ dịch.
Trong ngày 6-11, 2 xã này đã nhanh chóng lập danh sách và triển khai lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho người dân ở 9 ổ dịch. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho 729 người dân đã phát hiện thêm 81 ca COVID-19.
Còn 26.000 học sinh và giáo viên TP.HCM đang ở tỉnh thành khác
Theo Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, hiện nay còn khoảng 26.000 học sinh và một số giáo viên của TP.HCM đang ở các tỉnh thành khác. Trong số này, hiện có một số học trực tuyến và một số đăng ký học trực tiếp tại các tỉnh thành.
Đã tiêm gần 90 triệu mũi vắc xin
Theo Bộ Y tế, cho đến nay đã tiếp nhận khoảng 105 triệu liều vắc xin, đã tiêm gần 90 triệu mũi, trong đó có khoảng 800.000 học sinh 12-17 tuổi. Trên cả nước, tỉ lệ tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin đạt gần 83% người từ 18 tuổi, số đã tiêm đủ 2 mũi đạt 38%.
Có 13/63 tỉnh thành có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho 95% người từ 18 tuổi là Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Bình Dương.
11/63 tỉnh thành đạt mức bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho trên 50% dân số, cao nhất là Long An với 94,8%, Quảng Ninh 86,8%, TP.HCM 80,1%, Khánh Hòa 84,5%...
Tuy nhiên vẫn còn 5 tỉnh thành có tỉ lệ tiêm từ 1 mũi vắc xin đạt dưới 50% người từ 18 tuổi. Chính phủ đang đặt mục tiêu trong tháng 11 này bao phủ mũi 1 cho toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên trong cả nước.
Thế giới hơn 250 triệu ca COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 6-11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 250 triệu ca COVID-19, trong đó có 5,05 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 226,33 triệu người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với gần 775.000 ca tử vong trong tổng số 47,28 triệu ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với hơn 460.000 ca tử vong trong số 34,34 triệu ca mắc. Brazil đứng thứ 3 với 609.000 ca tử vong trong số 21,86 triệu ca mắc.
Trong tuần qua, châu Âu là khu vực duy nhất ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng với tổng số ca mắc mới trong 7 ngày qua là 1,67 triệu ca, tăng 9% so với tuần trước đó.
Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Âu
Lý do bởi thời tiết châu lục này đang ngày càng lạnh hơn - thời điểm thích hợp để các loại virus, vi khuẩn sinh sôi và lây lan. Tại Nga, trong 24 giờ qua có thêm 41.335 ca mắc mới - mức cao nhất ghi nhận trong một ngày kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát và 1.188 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi.
Ba Lan, Áo, Czech, Hy Lạp cũng đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt trong tuần qua, với mức tăng từ 47% đến 65%.
Châu Á và châu Đại Dương không còn là điểm nóng
Ngày 6-11, New Zealand ghi nhận 206 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Đây cũng là ngày đầu tiên kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, quốc gia này ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng vượt 200 ca/ngày.
Lào trong 24 giờ qua có 960 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 955 ca cộng đồng, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 45.980 người.
Tại Trung Quốc, dịch COVID-19 đã xuất hiện trở lại tại 20 tỉnh thành, trong 24 giờ qua ghi nhận 55 ca mắc mới, trong đó có 40 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
GS.TS người Đức Jonas Schmidt-Chanasit cảnh báo quy tắc 2-G (đã tiêm đủ và đã khỏi bệnh) chỉ là "an toàn giả", mà chỉ có 1-G mới giúp chống dịch hiệu quả nhất. Ông Schmidt-Chanasit nhấn mạnh biện pháp an toàn thực sự chỉ có quy tắc 1-G (đã xét nghiệm).
Nghĩa là tất cả mọi người đều cần phải làm xét nghiệm trước khi muốn vào/tham dự các sự kiện, nhà hàng, tiệm làm tóc... trong không gian kín, dù họ đã tiêm phòng, chưa tiêm hoặc đã khỏi bệnh.
Trong 24 giờ qua, nước Đức ghi nhận có thêm trên 34.000 ca mắc mới và 142 ca tử vong. Chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày trên cả nước tăng lên trên 183,7.
Trước tỉ lệ trẻ em bị mắc COVID-19 ở Nga ngày càng tăng, một loại vắc xin trên nền tảng của vắc xin Sputnik V đã được phát triển để bảo vệ trẻ em và đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Trung Quốc ngày 6-11 tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì chính sách "Zero COVID-19" (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng), khẳng định các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của nước này là "tuân thủ theo khoa học".
Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, Trung Quốc đã liên tục tăng cường các biện pháp ứng phó như xét nghiệm diện rộng, phong tỏa vùng dịch và hạn chế đi lại, mặc dù các biện pháp này có thể ảnh hưởng đến kinh tế của các địa phương.
L.ANH - T.DƯƠNG - TTXVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét