F1 cách ly phải hỏi... hàng xóm
Trong những điều kiện để một F1 ở Hà Nội được cách ly tại nhà là phải được sự đồng ý của hàng xóm. Và lý do: Để tránh người dân xung quanh phản đối!
Hà Nội đã chính thức cho... thí điểm F1 cách ly tại nhà theo công điện mới nhất của Chủ tịch Thành phố.
Nhưng quả là rất oái oăm khi một trong những điều kiện để F1 “được” cách ly tại nhà là phải... hỏi hàng xóm.
“Hỏi hàng xóm” là cách mà dân Thủ đô “nói nôm”, hay “vietsub” phát biểu của ông Khổng Minh Tuấn.
Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội nói nguyên văn: "Khi sống ở chung cư, những hộ bên cạnh phải đồng ý thì cơ quan chức năng mới cho phép cách ly ở nhà để tránh hiện tượng người dân xung quanh phản đối".
Từng có chuyện người dân, kỳ thị đến mức nhét giẻ vào khe cửa nhà những người nghi nhiễm, để “ngăn COVID-19”. Nhưng đó là vào những ngày đầu, tháng đầu của dịch bệnh, khi người dân còn chưa biết nó đầu cua tai nheo thế nào.
Chứ giờ, 2 năm rồi, 4 đợt dịch bệnh rồi, bình thường mới rồi, ý thức, sự hiểu biết của dân đã khác trước rất nhiều. 2 năm 4 đợt dịch ấy, chúng ta cũng đã được chứng kiến sự tương thân tương ái lá lành đùm lá rách trong nghĩa xóm tình làng. Sự phản đối, nếu có, là ở chuyện tại sao người dân này “được”, người dân kia “bị” - dù cũng là đối tượng chính sách bình đẳng. Sự phản đối, nếu có, là ở chuyện tại sao có người thì không có người lại bị cách ly, dẫu là cùng trở về từ vùng dịch. Mà COVID-19 thì có mắt đâu.
Cần phải nói thẳng với nhau, việc phải được hộ bên cạnh đồng ý, không những chỉ tạo ra khoảng cách và sự nghi kỵ giữa dân và dân, mà còn là cách né dư luận, đổ trách nhiệm của chính quyền.
Dẫu muộn và “đầy cẩn trọng” dưới danh nghĩa... thí điểm, cách ly F1 tại nhà, một đòi hỏi, một mong muốn, một nhu cầu của dân được Hà Nội chính sách hoá... đang nhận được sự ủng hộ của dân.
Nó giống như một sự cởi trói, như một sự “thích ứng”. Chỉ trừ cái yêu cầu “phải hỏi hàng xóm” rất oái oăm kia. Chỉ trừ việc người đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... tức là vùng cam, bị buộc phải cách ly. Chỉ trừ...
Lẽ ra, một chính sách trễ, được ban hành từ trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế của đất nước phải trừ được những cái “chỉ trừ” rất vô lý kia. Chứ chuyện “phải hỏi hàng xóm”- nghe cứ như truyện Azit Nexin vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét