"Ở Nga, người ta coi Việt Nam là một trong những nước có tiếng nói nhất tại ASEAN"
(Tổ Quốc) - Chuyến thăm Liên bang Nga sắp tới của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ Việt - Nga, bao gồm cả việc hiện đại hóa Quân đội Việt Nam.
Nhân chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin, phóng viên chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ sử học Evgeny Kobelev, chuyên gia nghiên cứu khoa học cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN - Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga về mối quan hệ ngoại giao của hai nước trong lịch sử, hiện tại, và tương lai.
"Vũ khí Nga đã được cấp phép sản xuất tại Việt Nam"
- PV: Thưa chuyên gia, ông có suy nghĩ gì về chuyến thăm Liên bang Nga sắp tới của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc?
Tiến sĩ Evgeny Kobelev: Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, lãnh đạo cấp cao hai nước phải duy trì các mối liên hệ thường xuyên và sâu rộng với nhau.
Tổng thống Vladimir Putin, người có thể gọi là một trong những "kiến trúc sư" của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt, đã ba lần thăm chính thức và hữu nghị Việt Nam. Ở chiều ngược lại, sắp tới đây, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ có chuyến thăm chính thức Liên bang Nga.
Trước đây, khi còn giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ngài Nguyễn Xuân Phúc đã là một chính khách quen thuộc với Liên bang Nga. Cần nói thêm rằng, trong những năm ngài Nguyễn Xuân Phúc là người đứng đầu chính phủ, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về kinh tế-xã hội.
Tôi tin tưởng rằng, nhiều vấn đề thời sự về hợp tác Nga-Việt sẽ được thảo luận tại các cuộc gặp và đàm phán sắp tới giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Liên bang Nga. Nhìn chung, không có vấn đề nào trong quan hệ giữa Nga và Việt Nam cản trở quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên.
Hàng triệu người Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ sự giúp đỡ toàn diện về quân sự và hỗ trợ về chính trị của Liên Xô trước đây, cũng như Liên bang Nga ngày nay. Với sự giúp đỡ chí nghĩa chí tình của những người bạn Liên Xô, Việt Nam đã giành chiến thắng trong các cuộc chiến kéo dài và bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp năm 2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
- PV: Là người nghiên cứu và gắn bó với Việt Nam, ông có đánh giá như thế nào về chặng đường phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga?
Tiến sĩ Evgeny Kobelev: Năm nay đánh dấu 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam, và năm 2022 hai nước sẽ kỷ niệm 10 năm kể từ khi nâng tầm quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện.
Khoảng thời gian này đã chứng minh một cách thuyết phục rằng quan hệ Đối tác chiến lược không những củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống trước đây giữa hai nước mà còn thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Thực hiện chính sách "xoay trục về phía Đông", lãnh đạo Nga luôn đặc biệt quan tâm đến việc phát triển và củng cố quan hệ hữu nghị với Việt Nam.
Trong Sắc lệnh số 605 của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/5/2012 "Về các biện pháp thực hiện chính sách đối ngoại của Liên bang Nga", Việt Nam được coi là một trong ba quốc gia đối tác chiến lược quan trọng nhất của Nga ở Châu Á (cùng với Trung Quốc và Ấn Độ).
Mặc dù kim ngạch thương mại hai chiều chưa cao, nhưng chiến lược liên doanh, liên kết đang phát triển thành công, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí.
Trong hơn một phần tư thế kỷ, Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ Nhiệt đới Nga-Việt, có chi nhánh tại Hà Nội, Nha Trang và Moscow, đã hoạt động hiệu quả. Hợp tác kinh tế và thương mại đang dần được thiết lập giữa vùng Viễn Đông Nga và Việt Nam.
Không thể không nhắc đến quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Năm 2008, Việt Nam và Nga đã kí bản ghi nhớ liên chính phủ về chiến lược hợp tác quân sự-kỹ thuật.
Trên cơ sở đó, Việt Nam đã mua các loại vũ khí hiện đại từ Nga gồm 6 tàu ngầm, xe tăng thế hệ mới T-90S/SK, máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30MK2. Ngoài ra, một số loại vũ khí của Nga cũng được cấp phép sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam.
Đẩy mạnh hợp tác trong đại dịch COVID-19
- PV: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Liên bang Nga và Việt Nam đang thúc đẩy hợp tác trong cung ứng và sản xuất vaccine. Ông có bình luận gì về lĩnh vực hợp tác mới này giữa hai nước?
Tiến sĩ Evgeny Kobelev: Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện góp phần phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực y tế, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành ở quy mô toàn cầu.
Ngày 23/3, Bộ Y tế Việt Nam đã phê chuẩn vaccine Sputnik-V của Nga để sử dụng khẩn cấp ở trong nước. Ngày 30/9 vừa qua, Việt Nam đã nhận lô Sputnik-V thương mại đầu tiên với số lượng 739 nghìn liều.
Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên, đến tháng 6/2022, Việt Nam sẽ nhận được tổng cộng 40 triệu liều Sputnik-V. Về phần mình, Việt Nam đã gửi tặng Nga một số mặt hàng mang tính nhân đạo như thuốc sát trùng, khẩu trang và quần áo bảo hộ, thiết bị y tế.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lòng cảm ơn về sự hỗ trợ của Nga trong việc phòng, chống dịch COVID-19 và bày tỏ mong muốn phía Nga tiếp tục cung cấp vaccine và triển khai sản xuất vaccine Sputnik-V tại Việt Nam.
- Vậy, theo ông, Việt Nam giữ vai trò như thế nào trong quan hệ giữa Liên bang Nga và ASEAN?
Tiến sĩ Evgeny Kobelev: Trên trường quốc tế, Nga và Việt Nam gần như luôn luôn đồng quan điểm trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Hai bên phối hợp hành động và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc, APEC, ASEAN, ARF.
Ngày 16/9 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Hai bên khẳng định phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời cũng thảo luận một số chủ đề hợp tác Nga-Việt có triển vọng trong lĩnh vực kinh tế-thương mại và năng lượng. Hơn nữa, các bên cũng thảo luận vấn đề hợp tác thông qua đối thoại Nga-ASEAN.
Ở Nga người ta coi Việt Nam làm một trong những nước có tiếng nói nhất trong ASEAN. Vì vậy, sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam góp phần thúc đẩy đối thoại Nga-ASEAN.
Việt Nam tích cực tham gia quá trình hội nhập ASEAN giúp Liên bang Nga củng cố mối quan hệ với các thành viên khác trong khối. Về bất kể phương hướng hợp tác nào với ASEAN đại diện phía Nga cũng phối hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp Việt Nam.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét