Vấn nạn người Mỹ gốc Á bị kỳ thị
Các vụ tấn công người Mỹ gốc Á diễn ra dai dẳng, phức tạp; và bài toán giải quyết nạn kỳ thị cộng đồng người gốc Á ở Mỹ không phải đơn giản.
Biểu tình rầm rộ
Hàng trăm người biểu tình tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội bang Georgia ở Atlanta vào cuối tuần qua để ủng hộ cộng đồng người Mỹ gốc Á sau vụ xả súng khiến 8 người chết, trong đó 6 người là phụ nữ gốc Á. Vụ xả súng giữa thanh thiên bạch nhật ở một spa tại Atlanta hôm 16.3 xảy ra sau một năm gia tăng bạo lực chống người Châu Á ở Mỹ. Cộng đồng người Mỹ gốc Á bị đổ lỗi gây ra COVID-19 - virus...
Đám đông đeo khẩu trang, vẫy cờ Mỹ và mang theo các áp phích có nội dung “Chúng tôi không phải là virus” và “Ngăn chặn sự thù hận người Châu Á” đã đứng trước tòa nhà Capitol bang Georgia hôm 20.3. “Tôi muốn đảm bảo rằng thế giới và mọi người biết tôi đang ở đây và tôi hiện hữu” - người biểu tình Sunghee Han đến từ Georgia cho biết. Timothy Phan từ Port St. Lucie, Florida, đã lái xe 8 tiếng để tham gia biểu tình, nói với CNN: “Những người phụ nữ đã thiệt mạng... Tôi thấy gia đình của mình trong đó. Tôi cảm thấy dường như quá thường xuyên, chúng tôi bị xóa bỏ".
Thượng nghị sĩ Georgia Raphael Warnock và Jon Ossoff - hai đảng viên Dân chủ được bầu vào tháng Giêng - dẫn đầu những người biểu tình mặc niệm các nạn nhân. Thượng nghị sĩ Ossoff nói: “Chúng ta hãy xây dựng một tiểu bang và một quốc gia nơi không ai phải sống trong sợ hãi vì họ là ai hoặc họ hoặc gia đình họ đến từ đâu”.
Các nhà chức trách Georgia vẫn chưa xác định được điều gì đã khiến nghi phạm Robert Aaron Long - một thanh niên da trắng 21 tuổi - bị buộc tội giết người tại các spa trong và xung quanh Atlanta hôm 16.3.
Tổng thống, Phó Tổng thống Mỹ lên tiếng
Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Á ở Georgia hôm 19.3 để bày tỏ lời chia buồn và kêu gọi người Mỹ cùng nhau chống lại sự thù hận. Phát biểu trước quốc gia sau cuộc họp kéo dài khoảng 80 phút với các nhà lập pháp người Mỹ gốc Á và các nhà lãnh đạo khác, ông Biden nói, thật "đau lòng" khi lắng nghe những câu chuyện của họ về nỗi sợ hãi của những người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương giữa cái mà ông gọi là "hành vi quấy rối và bạo lực với họ tăng vọt”.
“Chúng ta phải thay đổi tình cảm, tấm lòng và trái tim của mình. Sự thù hận không thể có bến đỗ an toàn ở Mỹ” - Tổng thống Biden nói, đồng thời kêu gọi tất cả người Mỹ đứng lên chống lại sự cố chấp. “Sự im lặng của chúng ta là đồng lõa. Chúng ta không thể đồng lõa. Họ đã bị tấn công, đổ lỗi, làm vật tế thần và quấy rối; họ đã bị tấn công bằng lời nói, hành hung thể xác và bị giết" - ông Biden nói về người Mỹ gốc Á trong đại dịch COVID-19, đồng thời gọi vụ xả súng là một ví dụ về "cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng do bạo lực súng đạn ở đất nước này".
Bà Kamala Harris - người gốc Nam Á đầu tiên nắm giữ chức vụ phó tổng thống Mỹ - nói rằng động cơ của kẻ xả súng vẫn đang được điều tra, những sự thật đã rõ ràng: 6 trong số 8 người bị giết là người gốc Á và 7 trong số họ là phụ nữ. Bà nói: “Phân biệt chủng tộc là có thật ở Mỹ. Và nó đã luôn như vậy. Sự bài ngoại là có thật ở Mỹ, và luôn luôn như vậy. Tổng thống và tôi sẽ không im lặng...".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét