Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

 TUANVIETNAM

Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Khắc phục tình trạng “bắn chỉ thiên”, “trên bảo dưới không nghe”, “phép vua thua lệ làng” và vì kỷ cương phép nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại kỷ niệm về quyết định thành lập Tổ công tác cách đây 5 năm.

Một lần năm 2017, ông Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xuống Bộ Y tế để truy về nghị định 38 hướng dẫn luật An toàn thực phẩm. Nghị định này và nhiều thủ tục chuyên ngành ngày đêm hành doanh nghiệp nhưng lại được Bộ Y tế sống chết bảo vệ nhân danh “quản lý nhà nước”.

Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng báo cáo tổng kết 5 năm. Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đọc báo cáo chung chung với hàm ý không muốn sửa đổi. Ông Dũng ngắt lời: “Nếu báo cáo như Bộ Y tế thì tất cả tốt hết rồi. Không cần kiểm tra gì nữa. Nếu căn cứ vào báo cáo của Bộ Y tế thì tới đây chúng tôi không biết báo cáo gì với Chính phủ, vì tốt hết rồi. Cứ bao biện thế này thì chúng tôi không cần nghe nữa!”.

Vừa nói mạnh, vừa tạo sức ép, cuối cùng, nghị định 38 đã được sửa đổi bằng nghị định 15, cắt giảm tới 95% thủ tục và giúp doanh nghiệp tiết kiệm tới 3.700 tỷ đồng mỗi năm.

Sau này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, dù nghị định 15 cắt giảm đến 95% thủ tục hành chính, giảm cả núi gánh nặng xin - cho cho doanh nghiệp, chuyển trọng tâm quản lý nhà nước từ tiền kiểm (cấp phép) sang hậu kiểm (giám sát), áp dụng quản lý rủi ro trong xuất nhập khẩu hay thanh tra, kiểm tra nhưng hiệu quả quản lý nhà nước lại tốt hơn, an toàn thực phẩm lại đảm bảo hơn

Đại diện Hiệp hội chế biến xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) cho biết đầu nhiệm kỳ, họ có 21 kiến nghị, đã được giải quyết 17, còn 4. Hiệp hội dệt may cho biết cả 4 kiến nghị lớn đầu nhiệm kỳ đã được giải quyết…

Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Tổ công tác. Ảnh: VGP

Sau Tổ công tác thi hành luật Doanh nghiệp của Thủ tướng Phan Văn Khải với nhiều dấu ấn, Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nổi lên như một đội đặc nhiệm đầy nhiệt huyết, hành động, hiệu quả, trong đó ông Mai Tiến Dũng có vai trò cá nhân rất to lớn.

Ông là Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP có tư duy cải cách, đốc thúc đấu tranh với những rào cản kinh doanh, biết xây dựng những thiết chế làm cho bộ máy nhà nước phải công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm giải trình hơn. Ông nổi bật lên về vai trò, chức năng và quyền hạn so với nhiều người từng giữ vị trí đó.

Thế nhưng, một con én không làm nên mùa xuân. Ở phía trên, ông được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tạo mọi điều kiện, cho thượng phương bảo kiếm đi trảm điều kiện kinh doanh khắp nơi; ở phía dưới, ông được một đội ngũ hùng hậu ở VCCI, CIEM, các hiệp hội doanh nghiệp hỗ trợ hết mình; ở bên cạnh, ông được một số bộ trưởng ủng hộ. Điện, hải quan, thuế, tài chính, công thương, y tế... đã có những thay đổi căn bản, giảm được rất nhiều gánh nặng cho dân và doanh nghiệp.

Tổ công tác của Thủ tướng Phan Văn Khải từng có quyền lực vô song khi tất cả điều kiện kinh doanh họ trình lên đều được Thủ tướng ký cắt giảm cái rẹt mà không cần tham vấn bộ trưởng chuyên ngành.

Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không làm được như vậy, nhưng những dấu ấn trong cải cách môi trường kinh doanh của tổ là rất rõ ràng. Chắc chắn, tinh thần đó sẽ phải được nối dài trong nhiềm kỳ tới đây.

Nỗ lực chung

Tất cả những nỗ lực và thành công chung đó được đảm bảo bởi nghị quyết 19 - văn bản vạch mặt, chỉ tên các điều kiện kinh doanh, đặt mục tiêu tiến bộ cho từng năm trong cuộc cạnh tranh thứ hạng với ASEAN.

Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm Tổ công tác. Ảnh: VGP

Nhưng ra được nghị quyết 19 là một chặng đường dài.

Năm 2009, GS người Mỹ Michael Porter được Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời vào để giúp Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về đánh giá môi trường kinh doanh.

Ông Porter đưa ra nhiều tiêu chí, lời khuyên và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải rất ủng hộ. Rất tiếc, ông Hải sau đó không phụ trách việc này nữa, thay thế bởi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

Về phần mình, ông Nhân không đồng ý khi cho rằng, Việt Nam phải tự xây dựng một bộ tiêu chí của riêng mình chứ dứt khoát không nghe theo lời ông Porter.

Với chỉ đạo này, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, người được phân công thiết kế ra thiết chế đó hoàn toàn bế tắc. “3-4 năm trôi qua mà chúng tôi không làm được gì”, ông nói.

Phải khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp nhận, yêu cầu lấy chuẩn quốc tế vì Việt Nam không có phương pháp luận và dữ liệu, thì nội dung của nghị quyết 19 mới được phác thảo, rồi thông qua.

Dưới nhiệm kỳ trước, ông Cung rất may được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh ủng hộ nên làm được nhiều việc trong việc kiến nghị, thiết kế các dự thảo nghị quyết 19 với sự hỗ trợ hiệu quả của bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc CIEM.

Kỷ cương phép nước

Mặc dù Tổ công tác là mô hình tạm thời nhưng nó giải quyết bài toán nhức nhối của hệ thống hành chính nước ta là chất lượng thực thi kém. 

Cuối nhiệm kỳ trước, số nhiệm vụ quá hạn chiếm 25,2%, đề án nợ đọng trong chương trình công tác của Chính phủ chiếm 17,1%, có đến 39 văn bản hướng dẫn bị chậm, đình trệ… Tỷ lệ nhiệm vụ quá hạn đến cuối năm 2020 chỉ còn 1,8%, giảm 23,4% so với thời điểm thành lập Tổ công tác. Tỷ lệ đề án chưa trình đến hết tháng 2/2021 chỉ còn 0,5%, bằng 1/4 so với cuối nhiệm kỳ trước (2,26%).

Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, việc thành lập Tổ công tác là để khắc phục tình trạng “bắn chỉ thiên”, “trên bảo dưới không nghe”, “phép vua thua lệ làng” để thắt chặt kỷ cương phép nước nhằm giải quyết ách tắc, để cởi trói cho sản xuất, không để các cơ quan chậm trễ, không bỏ quên, bỏ sót việc, làm cản trở sự phát triển.

Trong đó, có một việc rất khó là cắt bỏ thủ tục bởi việc này liên quan đến cắt bỏ quyền lợi, lợi ích cá nhân, cục bộ. Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao kết quả của Tổ công tác, trong 5 năm qua, đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra với 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ, 44 địa phương, 12 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Tư Giang

Không có nhận xét nào: