Điện Biên: Gần 95% công trình cấp nước tập trung nông thôn kém hiệu quả
Những năm qua, ở tỉnh Điện Biên có hàng nghìn công trình nước sinh hoạt được sửa chữa và đầu tư mới. Thế nhưng người dân ở nhiều địa bàn vẫn thường xuyên lâm vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt vào mùa khô.
Có công trình nước sinh hoạt, dân vẫn “khát nước”
Cứ vào mùa khô hàng năm, gia đình chị Lò Thị Thanh, bản Nà Ly, xã Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông) và 33 hộ dân sinh sống trong bản này lại phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt hằng ngày.
“Gia đình chỉ có thể khắc phục bằng cách chung với 2 hộ dân khác, góp tiền mua ống nhựa để dẫn nước từ các khe suối về, rồi chia cho nhau dùng. Phải hứng bằng thùng phi, nhà này đầy thùng thì phải ngắt để nhà kia hứng tiếp” - chị Thanh cho biết.
Dẫu vậy, theo chị Thanh chia sẻ, thì nước này chỉ để ưu tiên sử dụng ăn, uống, còn các nhu cầu sinh hoạt khác, như: Tắm, giặt… đều phải ra suối Nậm Ma.
Ông Lò Văn Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông cũng thừa nhận: Hiện trên địa bàn xã còn rất nhiều bản rơi vào thực trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô, đặc biệt là các bản xa trung tâm xã, như: Pá Hịa, Keo Đứa và Nà Ly.
Thực tế, ở Chiềng Sơ, năm 2003 đã được nhà nước đầu tư xây dựng cho mỗi bản từ 2 - 5 bể nước sinh hoạt. Song các công trình nước sinh hoạt sau khi đầu tư chỉ được một thời gian ngắn đều không phát huy hiệu quả. Ngoài nguyên do thiếu nguồn cung cấp nước, thì một bất cập dễ dàng nhận thấy ở đây là phần lớn các bể đều thiết kế ở vị trí cao, nước không thể đẩy lên.
Còn ở huyện Tuần Giáo, mặc dù được đánh giá là có nhiều thuận lợi hơn, song câu chuyện “khát” nước vẫn thường xuyên xảy ra, với không ít bất cập. Đơn cử như Công trình nước sinh hoạt bản Gia Bọp, xã Mường Mùn. Mặc dù mới được quan tâm đầu tư năm 2016 - 2017, song chỉ sau hơn 3 năm hoàn thành, đưa vào sử dụng công trình đã hỏng bể đầu mối, hàng trăm nhân khẩu lâm vào hoàn cảnh sống ngay cạnh công trình nước sinh hoạt mà vẫn “khát” nước.
Thống kê đến giữa năm 2020, toàn huyện Tuần Giáo có tới 140 công trình nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 12 công trình hoạt động thường xuyên trong năm và cung cấp đầy đủ nước sinh hoạt cho người dân. Hơn 90% còn lại hoạt động trung bình và kém hiệu quả, trong đó có tới 67 công trình không hoạt động.
Còn theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên, thì hiện toàn tỉnh này có 1.020 công trình cấp nước tập trung nông thôn. 965 công trình, tương đương gần 95% trong số đó kém hiệu quả.
Xã quản lý, loạn giá nước
Ngoài các nguyên nhân liên quan đến chất lượng và tính phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương của các công trình, thì quá trình quản lý, vận hành cũng vướng phải không ít bất cập. Nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung bị xuống cấp do sử dụng đã lâu mà không được bảo dưỡng, sửa chữa vì không có kinh phí; một số công trình do ảnh hưởng mưa lũ, ống nước bị bục vỡ, hư hỏng; bể lọc, bể chứa rò rỉ nước…
Trên thực tế, nhiều công trình nước sinh hoạt sau đầu tư hiện nay đang được giao về cho cơ sở quản lý. Đây chính là điểm yếu về công tác quản lý nhà nước đối với các công trình nước sinh hoạt sau đầu tư ở Điện Biên, dẫn tới công tác duy tu, bảo dưỡng gần như không được quan tâm, chú trọng, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới.
“Trong tổng số 1.020 công trình nước sinh hoạt thì có 27 công trình cấp nước tự chảy cho khu vực nông thôn đến từng hộ, do tổ đội quản lý vận hành và 13 công trình cấp nước sạch nông thôn đáp ứng quy chuẩn là có thu phí. Còn 965 công trình cấp nước theo bể trữ do cộng đồng quản lý và số công trình còn lại do các mô hình khác quản lý vận hành (cá nhân, nhóm người tự đứng ra quản lý...) thì không thể thu phí. Hiện chưa có hướng dẫn ban hành khung giá nước sinh hoạt nông thôn cho các công trình dạng này, nên 965 công trình này được các thôn, bản tự ra hương ước quy định (mức thu bằng tiền hoặc thóc theo mùa vụ)” - ông Bùi Minh Hải - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên cho biết.
Cũng bởi chưa có sự thống nhất, nên thực tế đã xảy ra tình trạng, mỗi địa phương áp một giá riêng. Qua công tác giám sát, HÐND tỉnh này đã ghi nhận nhiều giá thu ở các địa bàn khác nhau, từ 3.000 đồng/m3, 4.000 đồng/m3, 5.000 đồng/m3; thậm chí một số công trình đã được đưa vào sử dụng nhưng chưa thu được tiền nước. Trong khi đó, theo quy định, các công trình cấp nước sạch nông thôn được đầu tư bằng nguồn vốn WB sau khi đưa vào sử dụng bắt buộc phải thu tiền nước, có tổ đội quản lý vận hành.
Thời gian qua có có 27 công trình được UBND các xã lấy ý kiến người dân và thông qua HÐND xã, UBND xã ra quyết định mức thu, chi trên cơ sở quy định với mức giá từ 2.000 - 11.000 đồng/m3.
Việc “loạn” giá nước ở mỗi địa phương đã khiến người dân có sự so sánh và gây ra những bức xúc không đáng có. Trong khi đó, các khoản thu cũng không đảm bảo để phục vụ công tác duy tu, sửa chữa khi hư hỏng, nên nhiều công trình tiếp tục bị bỏ mặc, không được sửa chữa kịp thời càng làm cho xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, những công trình nước đầu tư tiền tỉ có thể “đắp chiếu” nhiều năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét