Đồng Bằng Sông Cửu Long: Sụt lún nghiêm trọng do khai thác nước ngầm
Khai thác nước ngầm quá mức đã kéo theo nhiều hệ lụy, khiến tình trạng sụt lún ở ĐBSCL diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Các giải pháp đặt ra đã vô cùng cấp bách…
Theo tài liệu nghiên cứu của các chuyên gia (Hà Lan, Đại học Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL): Tốc độ sụt lún ở ĐBSCL lên đến 5,7 cm/năm (năm 2019), cao hơn mực nước biển dâng tuyệt đối (35mm/năm). Điều này cho thấy tốc độ mực nước biển dâng tương đối, chủ yếu là do sụt lún đất. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, phần lớn diện tích của đồng bằng có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ XXI.
Các chuyên gia đưa đến kết luận: Có hai tác nhân chính gây ra sụt lún ở ĐBSCL là quá trình nén tự nhiên và khai thác nước ngầm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nước ngầm nhiễm mặn cũng là một vấn đề ngày càng gia tăng ở sông Mekong và là nguyên nhân chính làm giảm nguồn nước ngọt dưới bề mặt. Cứ mỗi mét khối nước ngọt được khai thác từ các tầng chứa nước thì có 13m3 nước ngọt dự trữ bị mất đi do xâm nhập mặn tự nhiên và bị hòa lẫn nước lợ ngầm.
PGS-TS Nguyễn Hiếu Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ - cho rằng, tầng đất mặt dưới sâu của khu vực ĐBSCL chủ yếu là lớp cát, còn nền đất thì 80% là đất yếu, nên chỉ riêng việc xây dựng nhà cửa, đường sá đã khiến xuất hiện lún.
Đặc biệt, quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp, mạch nước ngầm được khai thác tràn lan là nguyên nhân chính dẫn đến việc sụt lún, từ đó nền đất bị dịch chuyển sẽ kéo theo việc sạt lở bờ sông, bờ biển.
Bên cạnh đó, tình trạng khai thác cát, thay đổi dòng chảy của các dòng sông, địa chất ở các bờ sông yếu… càng khiến tình trạng sạt lở thêm trầm trọng.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về ĐBSCL cho biết, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120, mở ra những cách tiếp cận, giải quyết vấn đề mới cho ĐBSCL. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL vẫn còn đối mặt với những trở ngại, đặc biệt là quán tính tư duy cũ.
Theo ông Thiện, hình dung chúng ta đang đứng ở ngã ba đường. Thay vì đầu tư cho con đường mới, quán tính tư duy cũ là muốn đầu tư dặm vá con đường cũ để tiếp tục đi theo con đường đó. Theo cách này thì chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều vấn đề cần phải “vật lộn” để duy trì cho được lối đi cũ. Trong trường hợp của ĐBSCL bài toán là làm sao giải quyết cho được chuyện hạn, chuyện mặn, để tiếp tục sản xuất ra số lượng lớn lúa gạo, trái cây. Làm sao canh tác liên tục 3 vụ, làm sao để bao đê chống lũ cho ruộng đồng khô ráo, làm sao đắp bít sông ngòi để trữ nước ngọt mùa khô cho nông nghiệp… và làm sao tiếp tục khai thác nước ngầm mà không bị sụt lún để đồng bằng không bị chìm dưới mực nước biển. Đây toàn là các bài toán nan giải mà chính ta đang tự trói ta.
Cũng theo ông Thiện, thời gian dài phát triển nông nghiệp chạy theo sản lượng và loay hoay chống chọi với thiên nhiên suốt năm, mùa lũ chống lũ, mùa hạn chống hạn năm này sang năm khác thì chúng ta đã tạo ra một hệ thống công trình điều tiết nước khổng lồ trên toàn đồng bằng. Nếu chúng ta rẽ sang lối đi mới, thích ứng thay vì chống chọi, thì hàng loạt những chuyện đang là vấn đề sẽ không còn là vấn đề nữa và số vấn đề cần giải quyết sẽ ít hơn…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét