Chuyện về thử nghiệm vaccine COVID-19 trên khỉ ở đảo Rều
Từ năm 1962, đàn khỉ vàng ở đảo Rều, thuộc vịnh Bái Tử Long, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, thường xuyên tham gia các cuộc thử nghiệm các loại vaccine quan trọng của ngành y tế trong nước. Mỗi lần như thế, hàng chục, thậm chí hàng trăm con khỉ đã "hi sinh" để giúp ngành y tìm ra các vaccine cứu người. Trên đảo có một tấm bia đá được dựng lên để tri ân cả vạn chú khỉ đã hi sinh cho ngành y.
Tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 trên khỉ đảo Rều
Đại dịch COVID-19 bùng phát, 4 đơn vị trong nước được giao nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19. Tháng 10.2020, 12 chú khỉ của đảo Rều, thuộc Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) bắt đầu được tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 do một đơn vị trong nước sản xuất.
Ông Vũ Công Long - bác sĩ thú y, Trại trưởng Trại chăn nuôi khỉ đảo Rều, Quảng Ninh, người có 37 năm liên tục gắn bó với đảo Rều – cho biết, các đơn vị liên quan đã chọn lọc rất kỹ lưỡng 12 chú khỉ trên từ số cá thể khỉ nằm trong danh sách luôn sẵn sàng phục vụ nghiên cứu y học của đảo.
Suốt thời gian trước giờ thử nghiệm, 12 cá thể này được chăm sóc đặc biệt, cả về ăn uống và y tế. Từ đảo Rều đất – nơi sinh sống của đàn khỉ khoảng 1.000 con, 12 chú khỉ trên được đưa sang đảo Rều đá ở cách đó vài trăm mét – là nơi tiến hành các thí nghiệm y học.
Những đàn khỉ ở lại đảo Rều đất nhốn nháo, gào thét, thậm chí có con lao đuổi theo, bởi chúng biết những con được đưa sang đảo Rều đá đều không có cơ hội trở lại. Bác sĩ Long bảo, những cuộc “tiễn đưa” như thế là thường xuyên, vì mục đích nghiên cứu y học cứu người.
4 tháng tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 trên 12 con khỉ của đảo kéo dài 4 tháng đã thành công.
Theo ông Long, suốt quá trình tiêm thử nghiệm không thấy có bất kỳ triệu chứng gì bất thường trên 12 con khỉ, thậm chí nhiều con còn ăn khỏe, tăng cân. Điều đó cho thấy thuốc tiêm thử vào đàn khỉ rất an toàn.
Câu chuyện không dừng ở đây, bởi để khẳng định độ an toàn cao hơn nữa trước khi tiêm cho người, các nhân viên y tế còn tiếp tục đánh giá toàn bộ óc, tim, gan, thận… của từng con khỉ.
Điều đó có nghĩa là, 12 chú khỉ đó phải hi sinh mạng sống của mình phục vụ cho nghiên cứu y học cứu người.
Đã có cả vạn khỉ vàng hiến thân cho y học
37 năm gắn bó với đàn khỉ trên đảo, trong đó có gần 20 năm làm đảo trưởng, ông Long bảo, kể từ khi đảo được thành lập năm 1962 với nhiệm vụ chính là tiêm thử nghiệm các loại vaccine trên khỉ, đến nay đã có tới cả vạn con khỉ hi sinh để phục vụ ngành y tế.
“Ngày xưa công nghệ thấp nên mỗi lần thử nghiệm phải mất khá nhiều khỉ, có năm đảo mất khoảng 300 con” – ông Long chia sẻ.
Ông Nguyễn Huy Phương – người có 3 thế hệ gắn bó với đảo Rều – cho biết, mỗi lần như thế, cán bộ, nhân viên trên đảo xót xa, còn đàn khỉ cả nghìn con nháo nhác, huyên náo, gào thét cả khu rừng, thậm chí ngay từ lúc những con nằm trong diện tiêm thử nghiệm vacine bị nhốt vào chuồng cách ly. Không ít con còn lao xuống biển đuổi theo khi những chú khỉ từ trong lồng được đưa sang khu thử nghiệm ở đảo Rều đá.
Đàn khỉ vàng trên đảo Rều đã tham gia vào rất nhiều đợt thử nghiệm các loại vaccine và thành công, trong đó phải nói đến vaccine phòng bại liệt, viêm gan A, bệnh tiêu chảy ở trẻ em, viêm đường hô hấp và gần đây là vacine phòng chống H5N1.
Khỉ vàng đảo Rều còn có tên khoa học Macca mulatta thường cư trú ở những vùng núi đá vôi, trong đó phân bố số lượng khá lớn ở vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Theo bác sĩ Vũ Công Long, loài khỉ này có cơ địa khác biệt, ít mang mầm bệnh nguy hiểm nhất, nên được chọn để thử nghiệm các loại vaccine trước khi tiêm cho con người.
Sĩ số cá thể khỉ ở đảo Rều luôn duy trì ở mức khoảng 1.000 cá thể, bởi sinh nhiều, nhưng cũng hiến thân nhiều cho y tế và số chết vì già.
Từ những đóng góp của cả vạn con khỉ trên đảo suốt mấy thập kỷ qua cho y học, đảo trưởng Vũ Công Long cho biết, năm 2012, đã cho dựng một tấm bia đá để tri ân những đàn khỉ đã và tiếp tục hiến thân, góp phần cứu người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét