Đừng để mang tiếng là tiến sĩ, thạc sĩ… Đông Đô!
(NLĐO) - Hiện vẫn còn rất nhiều người "giấu mặt" dù Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở đào tạo sau ĐH rà soát lại thông tin về đầu vào và đầu ra
Học viện Khoa học Xã hội vừa có quyết định hủy toàn bộ kết quả học tập của 12 học viên đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ và thạc sĩ sử dụng văn bằng giả - văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh của Trường Đại học (ĐH) Đông Đô. Trong đó, 11 người đang học tiến sĩ và 1 người đang học thạc sĩ.
Thực ra, Học viện Khoa học Xã hội cũng không phải chủ động thực hiện động thái này, mà chỉ hủy bỏ kết quả học tập của 12 học viên theo thông báo kết luận của cơ quan điều tra.
Trong số 12 học viên này, cũng có người tự giác xin rút, không tiếp tục làm nghiên cứu sinh vì tự cảm thấy "xấu hổ", sai quy chế. Với Học viện Khoa học Xã hội, viện đã làm đúng quy chế. Trong quyền hạn của mình, theo Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 08/2017 của Bộ GD-ĐT, Học viện Khoa học xã hội hoàn toàn có quyền hủy bỏ kết quả học tập của 12 học viên nêu trên và có thể công khai tên cá nhân sử dụng văn bằng giả, trừ khi có yêu cầu khác của cơ quan điều tra.
Theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra, Trường ĐH Đông Đô đã cấp hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả (hệ văn bằng 2), trong đó có 55 người sử dụng để được đào tạo tiến sĩ. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ mới Học viện Khoa học xã hội hủy kết quả học tập của 12 học viên. Như vậy, vẫn còn rất nhiều người sử dụng văn bằng giả của Trường ĐH Đông Đô hoặc để đi làm hoặc để học tiếp bậc cao hơn!
Về mặt luật pháp, liên quan đến các sai phạm của Trường ĐH Đông Đô, ngoài việc cơ quan tố tụng truy tố, xét xử các cá nhân của trường về tội "giả mạo trong công tác", cần phải xử lý cả với những người được cấp bằng giả.
Với những người được cấp bằng giả, theo điều 341 Bộ Luật Hình sự 2015, trong trường hợp người mua bằng biết các văn bằng, chứng chỉ đó là giả nhưng vẫn sử dụng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tiền hoặc phạt tù có thời hạn.
Với hơn 600 văn bằng 2 giả ngành Ngôn ngữ Anh được Trường ĐH Đông Đô cấp ra, trong đó 55 người sử dụng để học thạc sĩ, tiến sĩ, mới chỉ có Học viện Khoa hoc xã hội xử lý. Như vậy, hiện vẫn còn rất nhiều người "giấu mặt", dù Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở đào tạo sau ĐH rà soát lại thông tin về đầu vào và đầu ra của các học viên sau đại học để có căn cứ xử lý. Được biết, nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ, học viên cao học của hơn 20 trường ĐH trên cả nước đã sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô làm điều kiện tuyển sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.
Tốt nhất, nếu còn chút ít danh dự thì những người sử dụng bằng giả nêu trên nên tự giác khai báo và nên nhớ rằng chắc chắn cơ quan điều tra biết rõ ai đang sử dụng văn bằng giả này. Đừng để, nếu có thể "lọt qua khe cửa hẹp", có "ấp ra" thạc sĩ hoặc tiến sĩ thì suốt đời mang tiếng là những "thạc sĩ, tiến sĩ… Trường ĐH Đông Đô", rất xấu hổ, bởi đó là loại "tiến sĩ giấy" đích thực!
Vụ vi phạm pháp luật của Trường ĐH Đông Đô làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, danh dự của cả nền giáo dục ĐH nước ta. Và, đây chỉ là vụ việc xảy ra ở Trường ĐH Đông Đô, chưa thể biết vụ việc tương tự đã xảy ra ở đâu đó hay chưa nhưng hiện trong đội ngũ có học vị tiến sĩ nhiều người "câm và điếc" với ngoại ngữ thì làm sao đòi hỏi chất lượng ở bậc học này!
Một vấn đề khác, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, đặc biệt là với Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Giáo dục đại học liên quan trực tiếp đến Trường ĐH Đông Đô cũng nên sớm rõ ràng. Cơ quan điều tra cũng nên sớm công khai danh sách tên tuổi cụ thể hơn 600 người đang sử dụng văn bằng giả của Trường ĐH Đông Đô, như một việc làm quyết liệt, minh bạch để cảnh tỉnh những ai ảo tưởng sử dụng văn bằng giả để "đầu cơ" bằng cấp!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét