Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

Tại sao phải làm sách và đọc sách



Tại sao phải làm sách và đọc sách
Copy từ Hộp thư đến của dvnien trên gmail, ngày nhận: 31/10/20 13:26.
Lời nói đầu. Sáng thứ bảy, ngày 31.10. 2020, dưới sự chủ trì của Giáo sư Nguyễn Ngọc Điện, hiệu trưởng, ĐH Hoa Sen đã có tổ chức buổi lễ tái khởi động Ban Tu thư tại Đường Sách Nguyễn Văn Bình, TP Hồ Chí Minh. Tôi có hân hạnh được phát biểu về ý nghĩa của làm sách và đọc sách tại sự kiện trong sự có mặt của Giáo sư Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hiệp hội các Trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam và nhiều đại diện của cơ quan thành phố, đối tác hợp tác và tổ chức liên quan đến giáo dục đại học. Dưới đây là nội bài phát biểu.
Tôi rất vui mừng được phép có đôi lời chia sẻ tại lễ phục dựng Ban Tu Thư của ĐH Hoa Sen hôm nay. Tôi đã từng có chút duyên với Ban Tu thư cũ qua hai quyển sách: 1) Cuộc cạnh tranh chất xám vĩ đại của Ben Wildavsky; và 2) Tinh thần tự lực của Samuel Smiles.
Từ chục ngàn năm qua, gen con người hầu như không thay đổi, trong khi cuộc tiến hóa diễn ra càng lúc càng vũ bão. Vậy thì những tiến bộ ấy được lưu trử ở đâu? Xin thưa: trong bộ DNA thứ hai, kho tàng sách vở tư liệu mà con người đã tạo ra. Cho nên ai biết khai thác DNA này sẽ có những bước phát triển nhanh ngoạn mục.
Dịch thuật là người trung gian quan trọng giữa các nền văn hóa. Đại học Trung cổ đã cần một cuộc dịch thuật 200 năm từ các tác phẩm học thuật Hy Lạp để phát triển thành đại học như chúng ta biết hôm nay tiếp mà không bị rơi vào ngõ cụt. Nhật Bản cũng có cuộc dịch thuật của giới Lan học kéo dài gần 200 năm để hiểu được sự ưu việt của khoa học phương Tây trước khoa học TQ, và cuối cùng đã nhanh chóng “Thoát Á”.
Châu Âu là xứ sở của những thư viện khổng lồ, rất đẹp, những thánh đường của tri thức. Thư viện cũng là trái tim của đại học, là ngân hàng của ý tưởng. Các thư viện quốc gia có hàng chục triệu đầu sách, đặc biệt Thư viện quốc gia Anh. Các Mác từng ngồi ở đây 20 năm để viết Tư bản luận. Isaac Newton thế kỷ 17 có đến 2.000 quyển sách trong thư viện ông, một số lượng rất to lớn thời ông. Không có sách, không thể có khoa học, học thuật, và cả tôn giáo phát triển. Với kỹ thuật in Gutenberg ra đời thế kỷ 15, sách đã tăng trưởng theo hàm mũ.
Các dân tộc phương Tây là những dân tộc đọc sách. Trong đó Do Thái nổi tiếng là dân tộc của quyển sách. Nước Đức có cuộc cách mạng đọc khoảng giữa thế kỷ 19 lúc họ tiến hành công nghiệp hóa để bắt kịp Anh quốc. Các quốc gia muốn vươn lên đều là những quốc gia có văn hóa đọc cao.
Ở phương Đông, quốc gia nào đọc nhiều sách nhất 400 năm qua, khiến cho thế phải kinh ngạc? Xin thưa: Nhật Bản. Năm 1922 khi Einstein qua thăm Nhật Bản, thì họ đã có bộ tuyển tập Einstein bằng tiếng Nhật. Không đâu có, ngay cả nước Đức. Trước đó họ cũng có bộ tuyển tập đầu tiên Mác-Ăng Ghen, cũng không đâu có, ngay cả Liên Xô. Họ muốn là dân tộc đọc sách số 1 thế giới.
Thời đại Tokugawa thế kỷ 17, là giai đoạn bế quan tỏa cảng, dân tộc Nhật Bản đã trở thành dân tộc đọc sách. Với chỉ 20 triệu dân, sách thường được xuất bản lên tới con số 10.000 bản! Đến thời Minh Trị (với số dân 30 triệu), một quyển sách bán ra có thể lên tới hàng trăm nghìn bản, như quyển Khuyến học của Fukuzawa Yukichi. Đặc biệt quyển Tinh thần tự lực mà tôi vừa đề cập đã bán đến 1 triệu bản. Nhà triết học Bertrand Russell đã nhận xét: “Nhật Bản là quốc gia lạc hậu về kinh tế nhưng không lạc hậu về văn hóa.” 300 năm trước Shogun Tokugawa Ieyasu đã từng nói:“In sách và đưa sách đến con người, đó là nhiệm vụ quan trọng nhất của một chính quyền khôn ngoan”.
Mori Arinori, vị bộ trưởng giáo dục đầu tiên của Minh Trị Duy Tân nhận định sâu sắc rằng, nếu chúng ta thua trận chiến tri thức, kỹ năng, trong thương mại, công nghệ, chúng ta sẽ thua trận chiến bằng súng đạn. Cho nên phải có thật nhiều sách để học.
Và, Thần kỳ đọc sách ấy đã dẫn đến Thần kỳ kinh tế thời Minh Trị, diễn ra đầu tiên tại một quốc gia hoàn toàn xa lạ với cái nôi văn hóa châu Âu.
✩✩✩
Đổi mới sáng tạo hiện nay là mệnh lệnh của thời đại. Khoa học & Công nghệ đặc biệt là những thứ định dạng sự sống của con người và quốc gia cho nên cần rất được quan tâm. Cũng quan trọng không kém là Kinh nghiệm phát triển của các quốc gia đi trước như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đải Loan và cả Trung Quốc; cũng như Giáo dục nhân cách và giáo dục khai phóng giữ một vai trò rất quan trọng, nhằm mở rộng tầm mắt và làm cho con người nhân bản hơn.
Cho nên việc ĐH Hoa Sen đầu tư vào Ban Tu thư thật có ý nghĩa to lớn, trong bối cảnh chúng ta rất cần có những dòng sách hay, có tính xây dựng con người và quốc gia
Một thành phố thông minh cần phải có một thị trường sách thông minh và phát triển. Thành phố thông minh sẽ làm cho công dân của nó thông minh hơn. Đọc sách làm cho con người khôn ngoan, năng động và sáng tạo hơn. Bill Gates và Elon Musk nổi tiếng là những người đọc sách rất nhiều. Lãnh đạo các cty công nghệ cao phần lớn đều là những con mọt đọc sách.
✩✩✩
Để kết thúc bài phát biểu, tôi xin kể một câu chuyện thú vị. Cách đây vài năm, GS Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt cho xuất bản tác phẩm Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils (Holgersson) của nữ văn sĩ Thụy Điển Selma Lagerlöf, người phụ nữ đầu tiên được trao giải Nobel Văn chương năm 1909. Câu chuyện này được viết cho trẻ em, sau đó trở nên nổi tiếng toàn thế giới và mọi thời đại, có ảnh hưởng lên cả nhiều trí thức tên tuổi châu Âu.
Năm 1994, nhà văn Nhật Bản Kenzaburo Oe được trao giải Nobel Văn chương. Tại buổi tiệc chiêu đãi ở Stockholm, ông có bài phát biểu rất sâu sắc, nói về ảnh hưởng của câu chuyện Nils Holgersson lên sự nghiệp văn chương của ông như sau. Xin trích:
Tôi là một người Nhật lạ lùng đã trải qua thời thơ ấu và niên thiếu của mình dưới ảnh hưởng lấn át của Nils Holgersson. Ảnh hưởng của Nils đối với tôi lớn đến mức đã có lúc tôi có thể gọi tên những địa danh xinh đẹp của Thụy Điển tốt hơn những địa danh của đất nước mình.
Điểm đến của tâm hồn: đây là điều mà tôi, do được Nils Holgersson dẫn dắt, đã tìm kiếm trong văn học Tây Âu. Tôi hy vọng mãnh liệt rằng việc theo đuổi văn học và văn hóa của tôi, với tư cách là một người Nhật, ở một mức độ khiêm tốn nào đó, sẽ đền đáp lại Tây Âu cho ánh sáng mà nó đã chiếu rọi vào thân phận con người.
Cho nên chúng ta lại càng phải có nhiều sách hay, đặc biệt sách cho trẻ em. Chúng ta không thể yêu nước trong sự vô minh. Một lần nữa, tôi nồng nhiệt hoan nghênh việc thành lập Ban Tu thư ĐH Hoa Sen. Xin cảm ơn tất cả anh chị và quý vị đại biểu.
NXX (31/10/2020)
nxxanh | 31 Tháng Mười, 2020 lúc 1:26 chiều |
Tác giả: GS. Nguyễn Xuân Xanh

Không có nhận xét nào: