Đâu phải chuyện đùa
Mấy ngày qua, xã hội liên tiếp đón nhận tin vui vì có một số bạn trẻ đã chứng minh sự giỏi giang, thông minh của người Việt Nam bằng việc kiếm hàng trăm tỷ đồng từ viết phần mềm, khiến các “ông lớn” công nghệ phải “nể mặt”. Phấn khởi hơn nữa là các bạn trẻ đã đề cao ý thức công dân khi tự nguyện thực hiện nghĩa vụ kê khai nộp thuế.
Để khiến các ông lớn công nghệ như Google, Facebook... phải nể trọng, mời hợp tác và chi trả hàng trăm tỷ đồng không phải là chuyện đơn giản. Tại mỗi hãng công nghệ mang tầm cỡ thế giới này có rất nhiều người tài đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đó, việc tuyển chọn, sàng lọc nhân viên, người cộng tác cũng rất khắt khe. Vậy mà các bạn trẻ Việt Nam vẫn có thể “chen chân” thì đâu phải chuyện đùa?
Nếu xét về tổng thể, nói là chúng ta đã có thể sánh vai các cường quốc năm châu thì có vẻ như hơi quá lạc quan. Song, xét về mặt tri thức, trí tuệ người Việt Nam thì chúng ta có thể hãnh diện, tự hào là không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Điều đó đã được chứng minh qua các kỳ thi Olympic toán, vật lý, hóa học... các bạn trẻ đã liên tục gặt hái thành công, mang về nhiều huy chương vàng cho đất nước.
Nhân tài đất Việt quá nhiều, chỉ có điều những năm qua chúng ta chưa thể tận dụng, khai thác tối đa để phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tiếc là vẫn còn nạn chảy máu chất xám, nhiều người tài thay vì cống hiến sức lực, trí tuệ cho Tổ quốc, lại tìm cách ra nước ngoài làm việc. Song, cũng khó trách họ, bởi ai chẳng có nhu cầu sống trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp, trọng người tài.
Vấn đề đặt ra là chúng ta cần có cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút người tài tham gia dựng xây quê hương đất nước, thay vì nhấp nhỏm tìm đường ra đi. Thực tế cũng rất nhiều người có lòng tự tôn dân tộc, cũng biết cái giá khi phải làm thuê cho các ông chủ nước ngoài. Nhưng đôi khi họ không có lựa chọn khác bởi một số cơ quan, đơn vị, ở một số địa phương chưa thực sự biết trân trọng, họ không có cơ hội cống hiến tài năng.
Chẳng phải tỷ lệ gần như tuyệt đối số học sinh vô địch Đường lên đỉnh Olympia do VTV tổ chức hàng năm sau khi học xong đều không muốn trở về cống hiến cho quê hương đất nước đó sao? Dù không phải là những người xuất sắc nhất, dù có là “học tài thi phận”, nhưng chúng ta phải thống nhất với nhau một điều là những học sinh vô địch Olympia đều rất giỏi. Chỉ tiếc cái giỏi đó không được dùng để phụng sự Tổ quốc.
Lan man như vậy chỉ để chứng minh một điều rằng, bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam đã mang tầm vóc thế giới. Điều cần làm lúc này và trong thời gian tới là làm sao để những người tài gắn bó với quê hương, cống hiến tài năng, sức lực của họ dựng xây Tổ quốc đẹp giàu. Muốn vậy, không gì khác hơn là phải có cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải thay đổi lối tư duy cũ.
Trở lại câu chuyện thời gian qua một số bạn trẻ bằng tài năng của chính bản thân mình, “ẵm” được hàng “mớ tiền” của các “ông lớn” công nghệ như Google, Facebook. Ai cũng biết, lĩnh vực công nghệ thông tin là rất mới mẻ và nhiều tiềm năng. Nhưng điều đó không có nghĩa dễ dàng gặt hái thành công, có được thành tựu nếu không đổ chút mồ hôi nào. Vì thế, những gì các bạn trẻ đã đạt được là rất đáng trân quý.
Việc các bạn trẻ viết phần mềm có thể “thuyết phục” được những “gã khổng lồ” công nghệ đã chứng minh cho cả thế giới biết rằng, người Việt Nam rất thông minh, thực sự giỏi nếu được làm việc trong môi trường tốt. Câu chuyện ở đây không chỉ đơn giản là các bạn trẻ kiếm được hàng trăm tỷ đồng cho bản thân, gia đình, mà họ còn làm rạng danh cho quốc gia, dân tộc, khiến các cường quốc phải “ngả mũ bái phục”.
Song, cũng không vì những thành công bước đầu đó mà chúng ta được phép tự mãn, say sưa trong chiến thắng. Cả dân tộc, nhất là các bạn trẻ cần cố gắng phấn đấu hơn nữa để ngày càng có nhiều người tài cống hiến cho đất nước, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Chẳng phải dân giàu thì nước sẽ mạnh đó sao? Vì thế, mỗi người biết dùng tài năng để làm giàu cho bản thân chính là đã đóng góp tích cực cho xã hội.
Sự thông thái, trí tuệ, tri thức của người Việt Nam không hề thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Vậy thì chẳng có lý do gì chúng ta không thể giàu mạnh, trở thành một quốc gia hùng cường, khiến các quốc gia và vùng lãnh thổ khác phải nể trọng. Mong muốn của Bác Hồ lúc sinh thời là Việt Nam có thể sánh vai các cường quốc năm châu sẽ trở thành hiện thực, chỉ cần chúng ta biết cách phát huy tối đa nội lực dân tộc.
Những cảnh như dưới đây chỉ nên còn trong câu chuyện tiếu lâm...
< a href="https://www.facebook.com/hoang.levan.16100" target="blank" title="">
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét