Những lời gan ruột trong bất lực của cảnh sát trưởng Điện Capitol
(NLĐO) – Cảnh sát trưởng Điện Capitol Steven Sund cáo buộc giới chức an ninh Hạ viện và Thượng viện ngăn cản nỗ lực huy động Vệ binh Quốc gia để chặn người biểu tình tràn vào Điện Capitol, theo The Washington Post.
Hai ngày trước khi Quốc hội Mỹ họp để kiểm phiếu đại cử tri, ông Sund lo ngại về quy mô của các cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump.
Để đối phó với kịch bản đám đông biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội, ông Sund đã yêu cầu giới chức an ninh lưỡng viện cho phép đề nghị đặt Vệ binh Quốc gia vào trạng thái sẵn sàng tác chiến khi cần. Tuy nhiên, ông Sund tiết lộ hôm 10-1 rằng họ đã từ chối.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ vụ bạo loạn tại Điện Capitol hôm 6-1, ông Sund – người đã nộp đơn từ chức hôm 7-1 (nhưng chưa có hiệu lực) - khẳng định cấp trên của ông không triển khai những động thái chính thức nhằm huy động Vệ binh Quốc gia, kể cả khi họ nhận được thông tin tình báo rằng đám đông tập trung gần thủ đô Washington để phản đối Quốc hội chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden có thể lớn hơn các cuộc biểu tình trước đó.
Ông Steven Sund. Ảnh: Cảnh sát Capitol
Theo lời kể của ông Sund, quan chức đặc trách an ninh tại Hạ viện Paul Irving nói rằng ông không thoải mái với "viễn cảnh" ban bố tình trạng khẩn cấp trước cuộc biểu tình. Trong khi đó, quan chức đặc trách an ninh tại Thượng viện Michael Stenger đề xuất ông Sund đưa ra yêu cầu "không chính thức", kêu gọi Vệ binh Quốc gia sẵn sàng can thiệp phòng khi Cảnh sát Capitol cần hỗ trợ.
Ông Irving đến giờ vẫn chưa bình luận về những thông tin trên. Tương tự, ông Stenger cũng khẳng định với một phóng viên đến nhà ông vào ngày 10-1 rằng ông "thực sự không muốn nói về vấn đề này".
Ông Sund nhấn mạnh ông đã yêu cầu hỗ trợ 6 lần; tất cả đều bị từ chối hoặc trì hoãn trước và trong lúc bạo loạn xảy ra. Riêng ngày 6-1, khi khoảng 8.000 người biểu tình quá khích tràn vào Quốc hội, ông Sund khẳng định họ chỉ mất 15 phút để phá vỡ cánh Tây của Điện Capitol. Lực lượng của ông Sund nhanh chóng bị áp đảo khi chỉ có 1.400 Cảnh sát Capitol làm nhiệm vụ.
"Nếu được Vệ binh Quốc gia hỗ trợ, chúng tôi có thể đã cầm chân đám đông lâu hơn, cho đến khi có lực lượng tiếp viện" – ông Sund nói.
Đến khoảng 14 giờ (giờ địa phương), khi đám đông tràn vào Điện Capitol, cảnh sát Washington tức tốc triển khai thêm hàng trăm sĩ quan đến viện trợ. Tuy nhiên, con số này là không đủ. 26 phút sau, ông Sund cho biết ông liên lạc Lầu Năm Góc để yêu cầu hỗ trợ.
Tuy nhiên, nhiều quan chức Lầu Năm Góc – trong đó có Trung tướng Walter E. Piatt, trả lời rằng họ không thể thuyết phục Bộ trưởng Lục quân Ryan McCarthy chấp thuận yêu cầu của ông Sund dù "tình hình cấp bách", bởi họ "không thích hình ảnh Vệ binh Quốc gia đứng trong đội hình cảnh sát với Điện Capitol ở phía sau".
Bất chấp những yêu cầu hỗ trợ của ông Sund, phải đến 17 giờ 40 phút, thành viên đầu tiên của Vệ binh Quốc gia mới xuất hiện tại Điện Capitol. Khi đó, đã có 4 người thiệt mạng và những diễn biến tồi tệ nhất của cuộc bạo loạn đã chấm dứt từ lâu.
Trong cuộc họp báo tuần trước, các quan chức Lầu Năm Góc nhấn mạnh lực lượng cảnh sát Capitol không yêu cầu Vệ binh Quốc gia chuẩn bị trước và chỉ đưa ra yêu cầu khẩn cấp khi đám đông sắp vào được trụ sở quốc hội. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Vệ binh Quốc gia không thể tập hợp lực lượng nhanh như cảnh sát.
Kêu cứu vô vọng!
Ông John Falcicchio, chánh văn phòng của Thị trưởng Washington D.C Muriel E. Bowser, kể lại ông Sund đã kêu gào hỗ trợ trong cuộc điện thoại trực tuyến với sự tham gia của Lầu Năm Góc và giới chức thủ đô. "Ông ấy kêu gào giúp đỡ theo đúng nghĩa đen, hết lần này đến lần khác. Điều này vẫn thiêu đốt tâm trí tôi" - ông Falcicchio kể.
Ông Sund, 55 tuổi, từ chức vào ngày hôm sau, nói với bạn bè rằng ông cảm thấy mình đã khiến đồng nghiệp thất vọng. Giữa cơn tức giận, theo Washington Post, nhiều nhà lập pháp nhanh chóng chấp nhận đơn này. Trước sức ép từ các nghị sĩ, cả hai ông Stenger và Irving cũng từ chức.
Trong cuộc phỏng vấn với Washington Post, ông Sund bảo vệ các sĩ quan của mình, những người mà ông cho là đã chiến đấu quả cảm. Đồng thời, ông vẫn lo ngại cho lễ nhậm chức của ông Joe Biden vào ngày 20-1 tới.
Hải Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét