Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020

Minneapolis - Điểm nóng phân biệt chủng tộc ở Mỹ

https://www.vnexpress.net/... đăng ngày 2/6/2020, 15:37.

Minneapolis - Điểm nóng phân biệt chủng tộc ở Mỹ

Cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi, đánh dấu một chương mới trong lịch sử phân biệt chủng tộc kéo dài của Minneapolis.

Một người qua đường đã quay lại cảnh Derek Chauvin, cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, ghì gáy Floyd xuống đường trong khi anh liên tục kêu lên thảm thiết rằng "tôi không thể thở". Floyd sau đó chết tại bệnh viện. Đoạn video được chia sẻ sau cái chết của Floyd đã thổi bùng làn sóng phẫn nộ của người da màu ở Minneapolis và toàn nước Mỹ, cũng như khiến 4 sĩ quan cảnh sát liên quan tới sự việc bị sa thải. 

Covid-19, đại dịch khiến hơn 100.000 người Mỹ tử vong và hơn 40 triệu người thất nghiệp, đã bộc lộ tình trạng bất bình đẳng về kinh tế, y tế đối với người Mỹ gốc Phi, nhưng việc cảnh sát thực thi các nguyên tắc cách biệt cộng đồng chống nCoV trên khắp nước Mỹ cũng phơi bày thực trạng này. 

Cái chết của Floyd là sự việc mới nhất trong lịch sử xung đột giữa cảnh sát và cộng đồng da màu ở Minnesota có từ thời kỳ tái thiết 1863-1877, khi rất nhiều sở cảnh sát được thành lập để giám sát và kiểm soát cộng đồng có dân số lớn này, theo Keith A. Mayes, giáo sư nghiên cứu về người châu Phi và người Mỹ gốc Phi tại Đại học Minnesota.

Phân biệt chủng tộc đã tồn tại trên khắp nước Mỹ từ lâu, nhưng Minneapolis có lịch sử riêng về vấn đề này. Những vụ đụng độ giữa cảnh sát và người da màu ở thành phố này đã giúp thúc đẩy phong trào "Mạng người da màu cũng quan trọng". Năm 2019, Minneapolis xếp thứ 4 trong danh sách khu vực đô thị có điều kiện sống tệ nhất đối với người da màu. Những cáo buộc cảnh sát phân biệt chủng tộc là vấn đề tồn tại từ lâu ở thành phố này.

Để hiểu rõ hơn về tình trạng phân biệt chủng tộc ở Minneapolis, Đại học Minnesota đã thực hiện dự án Mapping Prejudice, nhằm vạch ra bản đồ các địa điểm trong thành phố có giao ước chủng tộc, những điều khoản pháp lý được đưa vào giấy tờ đất đai, cho phép người da trắng được sử dụng độc quyền vùng đất đó. 

"Tình trạng phân biệt chưa thực sự xuất hiện ở Minneapolis khi các giao ước về chủng tộc được giới thiệu lần đầu năm 1910, thời điểm số lượng người da màu ở đây còn ít. Thời điểm đó, Minneapolis có khoảng 2.700 người Mỹ gốc Phi, nhưng có tới 30.000 giao ước được thực hiện để đảm bảo tất cả vùng đất này đều do người da trắng sở hữu", Kirsten Delegard, nhà sử học, giám đốc dự án Mapping Prejudice, cho hay.

30 năm sau khi thực hiện các giao ước, thành phố đã chứng kiến tình trạng phân biệt chủng tộc sâu sắc. Các cộng đồng không phải người da trắng phải sống chen chúc trong vài khu phố nhỏ hẹp.

Người biểu tình lấy tay lau nước mắt cho nhau ở Lake Street, thành phố Minneapolis, cuối tuần qua. Ảnh: NYTimes.

Người biểu tình lấy tay lau nước mắt cho nhau ở Lake Street, thành phố Minneapolis, cuối tuần qua. Ảnh: NYTimes.

Một trong số khu phố nhỏ này nằm gần giao lộ giữa Đại lộ Chicago và Phố E. 38, nơi Floyd bị cảnh sát ghì chết và các cuộc biểu tình nổ ra sau đó. Khu phố này từ lâu gắn liền với cộng đồng người da màu thuộc tầng lớp trung lưu và lao động nghèo. Phía tây của khu phố là trung tâm thương mại Old South Side, nơi sinh sống của những người Mỹ gốc Phi có địa vị, gồm nhà báo, bác sĩ, luật sư, hay chủ tịch của Hiệp hội Quốc gia vì sự Tiến bộ cho Người da màu (NAACP).

"Giống mọi khu phố của người da màu khác ở Mỹ, cộng đồng dân cư ở đây luôn bị cảnh sát kiểm soát quá mức so với khu phố da trắng cách đó vài dãy nhà. Người dân trong những khu phố này thường có xu hướng bị kiểm tra nghiêm ngặt và luôn xảy ra bất đồng về ai được phép tới khu vực công cộng hay điều gì họ được phép làm", Delegard nói thêm. 

Giao lộ nơi Floyd bị cảnh sát ghì chết là một khu vực như vậy và bị ảnh hưởng bởi giao ước về chủng tộc. Nghiên cứu của Delegard chỉ ra các giao ước này thường được áp dụng tại nơi phân chia ranh giới của khu phố da màu, nhằm kiểm soát cộng đồng này. 

"Khu vực giữa Đại lộ Chicago và Phố E. 38 giờ không hẳn chỉ thuộc về người da trắng, nhưng những quy định trong giao ước về chủng tộc luôn biến giao lộ này thành điểm gây tranh cãi. Không gian này thuộc về ai? Ai được phép hay không được phép ở đây? Ai sẽ thực thi quy định đó? Phân biệt chủng tộc đã trở thành phân biệt về địa lý và nó len lỏi vào mọi thể chế của thành phố này", Delegard nói.

Đầu thế kỷ 20, thời điểm giao ước về chủng tộc được thực thi 50 năm, kiểu phân biệt chủng tộc này đã trở thành chủ đề của phong trào biểu tình khắp nước Mỹ, để đấu tranh đòi bình đẳng về nhà ở.

Giáo sư Mayes nói rằng làn sóng biểu tình sau cái chết của Floyd có thể so sánh với các cuộc bạo loạn nổ ra trong suốt mùa hè năm 1967 ở phía bắc thành phố Minneapolis. Dù có một số giả thuyết về nguyên nhân của cuộc đụng độ này, nhiều người đều cho rằng nó bắt nguồn từ xung đột giữa cảnh sát và cư dân da màu.

"Tôi ước gì có thể nói cuộc bạo loạn những năm 60 và bây giờ là khác nhau nhưng thực chất nó giống nhau", giáo sư Mayes nói.

Với Đạo luật công bằng nhà ở năm 1968, các giao ước về chủng tộc trở nên bất hợp pháp, nhưng phân biệt về mặt địa lý vẫn được duy trì bằng cách khác. Xa lộ 35W, được xây dựng trong thập niên 60, chia cắt trung tâm thành phố và ngoại ô phía nam, được xem là bức tường ngăn cách thời hiện đại giữa Old South Side và khu vực của người da trắng giàu có hơn. 

Năm 1969, Charles Stenvig, một cảnh sát gia nhập chính trị, được bầu làm thị trưởng Minneapolis với khẩu hiệu "cởi trói cho cảnh sát" và tập trung vào vấn đề chống tội phạm. Sở cảnh sát thành phố ngày càng trở nên quyền lực hơn.

Ảnh hưởng của giao ước về chủng tộc trong quá khứ vẫn còn kéo dài tới ngày nay. Delegard cho biết nhiều hạn chế về chủng tộc vẫn xuất hiện trong các khu vực người da trắng ở thành phố này. Nhiều người ở Minneapolis vẫn mơ về một thành phố "toàn người da trắng".

"Phân biệt chủng tộc ở thành phố này đã được tạo ra và bồi đắp qua thời gian. Những ranh giới phân biệt chủng tộc ở Minneapolis đã được thực thi thông qua tòa án và cảnh sát trong suốt một thế kỷ qua và dẫn tới các cuộc đụng độ bạo lực hiện nay", nhà sử học này nói. 

Thanh Tâm (Theo Time)

Không có nhận xét nào: