Những đứa trẻ bị lãng quên
https://tuoitre.vn/... đăng ngày 15/09/2019 13:27 GMT+7.
TTO - Những đứa trẻ có cái tên rất đẹp, mang đầy hoài bão và mơ ước của cha mẹ chúng. Thế rồi vì ham chơi, lười học và thiếu sự quan tâm, uốn nắn của gia đình, chúng phải ra tòa khi chưa tròn 18 tuổi.
Phiên tòa hình sự của Tòa gia đình và người chưa thành niên rất đông người tham dự. Trên bục khai báo là tám thiếu niên tầm 17 - 18 tuổi, thi thoảng ngoái lại phía sau rảo mắt tìm kiếm người thân...
Chỉ vì mê game
Cách đó không xa, bên dưới phòng xử là rất đông người thân và cha mẹ chúng với khuôn mặt rám nắng hằn lên vẻ nhọc nhằn, lam lũ. Họ phấp phỏng chờ tòa án xét xử đứa con ngỗ nghịch của mình.
Tám đứa trẻ trong vụ án là Thiện, Thọ, Lâm, Hoàng, Nguyên, Kiệt, Minh, Vinh. Chúng là bạn học với nhau. Vì hoàn cảnh riêng, chúng nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Cứ mỗi khi rảnh rỗi, chúng lại tụ tập cùng nhau đi chơi game online. Cũng vì mê game, chúng quen được nhiều người bạn không rõ lai lịch khác.
Rạng sáng một ngày đầu tháng 5-2018, sau khi chơi game xong, chúng nảy sinh ý định đến các cửa hàng tiện lợi vào ban đêm, ít người quản lý để cướp tài sản bán lấy tiền chơi game và tiêu xài. Phi vụ đầu tiên chỉ có 6 đứa tham gia, sau đó thành 8 đứa.
Đồ lấy được chỉ là bia, nước ép lên men và bánh kẹo nhưng khi bị phát hiện thì đứa dùng tuôcnơvit, đứa dùng dao, đứa dùng chai thủy tinh để đe dọa, thậm chí tấn công nhân viên cửa hàng để thoát thân.
Trong hơn 1 tháng, nhóm cướp "nhí" này đã thực hiện 11 vụ cướp tài sản tại các cửa hàng tiện lợi Circle K, Ministop, Shop & Go, Family Mart trên địa bàn các quận 3, 5, 6, 11 và Tân Bình, với tổng giá trị hơn 8 triệu đồng.
Không còn chút gì của sự hung dữ, táo tợn khi đi cướp cửa hàng tiện lợi, ra tòa chúng ngập ngừng trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử (HĐXX) về những vụ cướp mà mình tham gia.
"Tôi rất xót xa khi các bị cáo tuổi đời còn rất trẻ đã phải đứng trước tòa này. Nhưng pháp luật thì không thể dung tha những hành vi phạm tội mà các bị cáo gây ra. Nếu đồng tiền do mồ hôi nước mắt mình làm ra bị tước đoạt, các bị cáo có xót không? Nếu ai cũng làm như các bị cáo, xã hội sẽ thế nào?" - vị hội thẩm nhân dân thốt lên.
Cứ mỗi bị cáo được gọi tên lên bục khai báo, HĐXX lại hỏi đi hỏi lại rằng vì sao hôm đó chúng lại đi cướp, rằng đồng tiền làm ra bằng chính sức lao động, bằng bàn tay, khối óc của mình mới lâu bền, mới có giá trị. Có lẽ họ muốn gợi lên trong lòng những đứa trẻ ấy sự thành khẩn, hối lỗi dẫu muộn màng. Nhưng đáp lại chỉ là khoảng lặng dài của các bị cáo.
Day dứt của mẹ
Trong vụ án, Thiện tham gia cả 11 vụ. Thiện nói vì hoàn cảnh khó khăn nên em chỉ học đến lớp 8 thì nghỉ học, làm nghề giữ xe phụ giúp gia đình. Ngoài giờ giữ xe, Thiện thường đi chơi game với nhóm bạn. "Bị cáo ra ngoài vào ban đêm, sao gia đình không quản lý bị cáo?" - chủ tọa chất vấn, Thiện thẽ thọt trả lời: "Mẹ có cản nhưng bị cáo không nghe".
Như chạm phải nỗi đau kìm nén, bà C. , mẹ Thiện, ôm mặt bật khóc nức nở. Đưa bàn tay đầy những vết chai sần quệt nước mắt, bà C. kể bà làm nghề bán cà phê, trà đá vỉa hè. Thu nhập còm cõi từ gánh hàng rong của bà phải nuôi chồng, con và 2 đứa cháu ngoại. Cha của Thiện thường nhậu nhẹt, say xỉn.
Mỗi lần như thế, ông lại đánh đập vợ con. Hai vợ chồng ly hôn được 3 năm, gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai bà. Vì nghèo túng, bà phải đi mượn lãi, rồi vỡ nợ.
"Tôi không có tiền trả, phải trốn nợ mới để con lông bông, theo nhóm người xấu. Tôi không bao giờ muốn con làm những chuyện xấu, chỉ vì tôi khó khăn, tôi có lỗi vì đã không chăm sóc con đàng hoàng..." - bà C. mếu máo nói.
Không chỉ Thiện, gia đình Thọ cũng không khá hơn là bao. Cha Thọ mất sớm, một mình bà D. gồng gánh nuôi 2 đứa con, đứa nhỏ năm nay mới 8 tuổi. Để có tiền cho các con ăn học, bà phải làm hết việc này đến việc khác, đi làm từ sáng sớm đến tận tối mịt mới về.
Hằng ngày, bà D. vẫn chở con đến chỗ làm thêm. Trong mơ bà cũng không nghĩ đến chuyện Thọ đã góp mặt trong 9 vụ cướp, tận đến khi công an thông báo...
Trả lời HĐXX về trách nhiệm giáo dục, quản lý con cái, bà D. nghẹn giọng: "Tôi vì quá bận đi làm mà không có thời gian quan tâm đến sinh hoạt của con, chỉ xin HĐXX xử nhẹ để cháu còn đi làm phụ mẹ nuôi em, một mình tôi...".
Trong 8 bị cáo, Kiệt là đứa lớn nhất. Khi bị bắt, bị cáo chưa tròn 17 tuổi. Từ lúc được sinh ra đời, Kiệt đã không biết cha mẹ mình là ai. Em may mắn được một người phụ nữ tốt bụng mà em còn gọi là "bà nội" nuôi dưỡng. Kiệt chỉ học đến lớp 5 thì nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình.
Hằng ngày, buổi sáng em đi phụ việc cho nhà hàng, tối đến thì đi phụ anh chị bán giày dép. Thế nhưng sẽ không xảy ra chuyện hôm nay nếu em không nghiện game, túm năm tụm ba với nhóm bạn. Được triệu tập với tư cách là người giám hộ cho cháu, bà nội Kiệt kể hầu như Kiệt không ngủ đêm ở nhà.
Thậm chí, cháu đi về khi nào bà cũng không hay. Chỉ biết mỗi sáng, khi bà giật mình tỉnh dậy thì vẫn thấy cháu đang ngủ, cho đến khi xảy ra chuyện bà mới tá hỏa.
Tám đứa trẻ, tám thân phận; đứa vắng cha, đứa thiếu mẹ; cũng có đứa gia đình khá giả, êm ấm nhưng vì mê game, gia đình không quan tâm nên bỏ học, chơi bời lêu lổng rồi sa chân vào vòng lao lý.
Tòa tuyên phạt Thiện và Hoàng 8 năm tù, phạt Nguyên và Kiệt 7 năm 6 tháng tù, các bị cáo còn lại bị phạt từ 2 đến 6 năm tù cùng về tội cướp tài sản. 5 bị cáo bị tạm giam được dẫn giải ra xe về lại trại tạm giam. Tiếng khóc vỡ òa.
Bà C. ngồi bệt xuống đất, nước mắt mặn đắng hòa tan vào cơn mưa Sài Gòn xối xả. Có lẽ sau phiên tòa ấy, điều làm những người làm cha, làm mẹ day dứt nhất ấy là đã bỏ quên đứa con bé nhỏ giữa cuộc bộn bề mưu sinh của chính mình.
Nhìn 8 đứa trẻ trước tòa, vị hội thẩm giáo huấn: “Tất cả các bị cáo ở đây đều ham chơi, không nghe lời cha mẹ. Các bị cáo đã bao giờ nghĩ đến cha mẹ phải lao động cực khổ thế nào để lo cho các bị cáo không?
Cha mẹ cho các bị cáo học hành để có tương lai xán lạn, không vất vả như mình, nhưng hôm nay các bị cáo đã làm cha mẹ buồn, đã phụ lòng mong mỏi của cha mẹ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét