Giải mã mộ 2 cô hầu Tả quân Lê Văn Duyệt
Nhiều người những tưởng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (Lăng Ông, Lăng Thượng công) ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) chỉ có khu vực gói gọn trong bốn mặt đường: Vũ Tùng, Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu và Trịnh Hoài Đức. Tuy nhiên, thực tế trong quần thể Lăng Ông rộng hơn.
Những con đường cắt ngang Lăng Ông
Mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt được xây tại Bình Hòa xã (Gia Định) sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt từ trần vào năm 1832. Sau đó mộ bị san bằng với chỉ dụ của vua Minh Mạng vào năm 1835.
Cho đến năm 1841, mộ mới được vua Thiệu Trị cho đắp lại. Và đến năm 1848, mộ tiếp tục được vua Tự Đức cho đắp cao và sửa sang miếu thờ. Kể từ khi Hội Thượng công quý tế thành lập vào năm 1914, việc cúng tế, tổ chức trùng tu… Lăng Ông mới được thực hiện đều đặn.
Nhiều người biết Lăng Ông chủ yếu là khu vực bốn mặt tiền với cổng chính là 1 Vũ Tùng, phường 1, quận Bình Thạnh. Ba mặt còn lại là đường Đinh Tiên Hoàng (đang lấy ý kiến đổi tên thành Lê Văn Duyệt), đường Phan Đăng Lưu và đường Trịnh Hoài Đức. Tuy nhiên, thực tế khu vực lăng mộ Tả quân Lê Văn Duyệt ngoài bốn mặt tiền này còn có hai khu vực mộ cô ở phía tây (đường Đinh Tiên Hoàng) và đông (đường Trịnh Hoài Đức) của lăng.
Tuy nhiên, sau khi Pháp chiếm thành Gia Định (1859-1861) vào năm 1874, mở các tuyến đường được quy hoạch, người Pháp đã đặt tên cho đường Đinh Tiên Hoàng là Avenue de I’Inspection.
Dân gian quen gọi là đường Hàng Bàng do hai bên có trồng nhiều cây bàng. Đường Hàng Bàng đã cắt ngang khu vực lăng mộ Tả quân Lê Văn Duyệt ngăn mộ cô ở phía tây. Tương tự như thế, đường Trịnh Hoài Đức đã ngăn mộ cô ở phía đông lăng tả quân.
Khu mộ cô (lăng tây) hiện hữu trong khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng, phường 3, quận Bình Thạnh. Ảnh: QUỲNH TRANG
Hai mộ cô nằm ngoài hồ sơ di tích
Hai mộ cô chính là mộ của hai cô hầu gái thân tín của gia đình Tả quân Lê Văn Duyệt. Tuy nhiên, chính từ việc các đường cắt ngang đã phần nào làm hai khu mộ này rơi vào lãng quên. Trong các bài viết về Lăng Ông, nhiều tác giả, học giả chỉ đề cập đến khu lăng mộ hiện có, lọt trong bốn mặt tiền đường kể trên chứ không có hai khu vực mộ hai cô hầu.
Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia lăng Tả quân Lê Văn Duyệt có đợt trùng tu lớn nhất bằng ngân sách nhà nước là vào năm 2007-2008 (không kể đợt tự vận động trùng tu vào năm 1991). Trong hồ sơ đợt trùng tu này, diện tích Lăng Ông là 15.988 m2.
Diện tích đó gồm khu vực Lăng Ông (15.613 m2) và khu vực lăng đông tức mộ cô (375 m2), chưa kể khu vực lăng tây cũng là mộ cô (164 m2). Và trong hồ sơ công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1988 đã bỏ sót hai khu mộ này.
Khu vực Lăng Ông chính đang được bảo tồn khá tốt và đang được phục dựng, tôn tạo hàng rào di tích. Còn hai khu mộ được ban quý tế và ban quản lý di tích Lăng Ông gắn bảng đá “Khu di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt - mộ cô”. Tuy nhiên, đây chỉ là sự cố gắng để bảo vệ chứ thực tế hai khu mộ chưa có trong hồ sơ công nhận di tích.
Xây rào, khoanh vùng bảo vệ hai khu mộ Ban quý tế ý thức việc giữ hai mộ cô để không ai lấn chiếm nên đã xây rào hoặc gắn biển mộ cổ để giữ khuôn viên. Bên cạnh đó, Hội Di sản văn hóa TP, Sở Văn hóa… đã khoanh vùng bảo vệ cho hai khu mộ này. Ông TRẦN VĂN SUNG, Trưởng Ban quý tế Lăng Ông |
Sẽ bảo tồn hai mộ cô
Hiện phần mộ cô ở đường Trịnh Hoài Đức (lăng đông) đã có tường rào bảo vệ, còn phần mộ ở đường Đinh Tiên Hoàng (lăng tây) vẫn chưa có tường rào bảo vệ. Phần lăng tây trong khuôn viên khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng, phường 3, quận Bình Thạnh (Trường Cán bộ TP.HCM cũ) hiện đang nằm lọt thỏm trong dự án căn hộ cao cấp Grandeur Palace - Đinh Tiên Hoàng do Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Bắc Ái đầu tư.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM khẳng định: “Khu vực mộ cô trong khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng đang làm hồ sơ bổ sung di tích và sẽ được bảo tồn phù hợp với cảnh quan của khu căn hộ mới hiện đại. Quanh mộ cô có cây cổ thụ, cây này cũng sẽ được bảo tồn cùng mộ cô với khoanh vùng bảo vệ xung quanh 30 m”.
Mộ hai cô hầu Tả quân Lê Văn Duyệt hiện nằm trong danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020 của UBND TP. Và trong năm 2019, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã có những bước chuẩn bị hồ sơ để bổ sung hai khu vực mộ cô gửi đến Bộ VH-TT&DL để bổ sung hai mộ này vào hồ sơ của di tích Lăng Ông.
Quyết giữ Lăng Ông “Cuối năm 1982, tôi được Thành ủy bổ nhiệm làm bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh. Lúc ấy, tôi phải đứng trước nhiều công việc rất bề bộn nhưng có một việc tôi phải suy nghĩ và giải quyết ngay đó là việc phải di dời lăng Lê Văn Duyệt hay bảo tồn một di tích lịch sử văn hóa. Nếu di dời đi thì trước mắt tôi sẽ “an thân” nhưng nếu bảo tồn thì chiếc ghế “bí thư quận ủy” có thể sẽ bị lung lay. Sau nhiều đêm, tôi quyết định giữ lại lăng Lê Văn Duyệt bởi ba lý do: Thứ nhất, Lê Văn Duyệt là người có công khai phá bờ cõi phương Nam, có công giữ gìn bờ cõi với tư tưởng chiến lược quân sự lớn. Thứ hai, nhân dân nhất là nhân dân phía Nam rất tôn sùng, coi ông là bậc thần thánh và thờ cúng rất trang trọng, linh thiêng, nếu di dời lăng là thất nhân tâm. Thứ ba, Tả quân Lê Văn Duyệt là người cương trực, công minh và quyết liệt chống tham nhũng. Để bảo tồn tôi phải có những bước đi thận trọng, trong đó ngoài xin ý kiến các chuyên gia, các vị lão thành: Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Trần Văn Trà, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, thiếu tướng Tô Ký… về mặt pháp lý phải lập hồ sơ di tích cho lăng. Sau khi lăng được công nhận di tích quốc gia năm 1988, chúng tôi tiếp tục khôi phục Hội Quý tế lăng Lê Văn Duyệt do cụ Đốc phủ Đỗ Văn Rở làm trưởng ban. Năm 1990, chúng tôi làm lễ hội Kỳ Yên vào ngày giỗ tả quân, có cả hát bội diễn tuồng San Hậu và ghi hình để trình chiếu tại các hội nghị văn hóa địa phương, trung ương. Và năm 1991, chúng tôi được bà con trong, ngoài nước góp tiền để tu bổ Lăng Ông, nhờ đó mà phần Tiền điện được sửa chữa đàng hoàng với chi phí lúc đó là 6.000 USD”. (Trích bài viết Việc bảo tồn di tích lịch sử Lê Văn Duyệt của ông Nguyễn Chơn Trung, nguyên Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh, |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét