Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

Nguy cơ bị thâu tóm, Châu Âu ra tay chống lại làn sóng Trung Quốc

Nguy cơ bị thâu tóm, Châu Âu ra tay chống lại làn sóng Trung Quốc


Liên minh châu Âu (EU) vừa đề xuất một loạt quy định mới nhằm chống lại các vụ thâu tóm được thực hiện bởi các doanh nghiệp có sự hậu thuẫn từ chính quyền các nước, như các công ty đến từ Trung Quốc, trong vài năm gần đây.

Thời gian thảo luận đề xuất kéo dài tới tháng 9/2020.

Theo CNBC, vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo từ lâu tại EU, nhưng đại dịch Covid-19 khiến vấn đề này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây là thời điểm nhiều doanh nghiệp tại châu Âu phải vật lộn để có tiền duy trì hoạt động.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margrethe Vestager, “có rất nhiều tiền đang đổ vào EU”, đây là lý do EC cần các công cụ mới để giám sát.

EU mong muốn kiểm soát chặt chẽ và có tiếng nói quyết định hơn việc các tập đoàn, được hỗ trợ bởi chính quyền Trung Quốc và chính quyền các nước khác, mua cổ phần tại các doanh nghiệp EU, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về cạnh tranh không lành mạnh. EU có thể cấm một thương vụ sáp nhập nếu cho rằng nó có thể làm méo mó thị trường.

Nguy cơ bị thâu tóm, Châu Âu ra tay chống lại làn sóng Trung Quốc
EU tính biện pháp kiểm soát các vụ thâu tóm bởi các doanh nghiệp được chính quyền Trung Quốc hỗ trợ.

Đề xuất trên ra đời sau khi Đức và Pháp muốn có những thay đổi ở cấp độ khu vực. Các quốc gia này cho rằng, các doanh nghiệp châu Âu ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc chống lại những đối thủ có sự hỗ trợ từ chính quyền các nước.

Hiện tại, khi chính phủ các quốc gia mua cổ phần tại các công ty châu Âu, quy trình này cần được Ủy ban châu Âu chấp thuận theo các quy định của nước đó. Tuy nhiên, luật này không bao gồm các công ty nhận được hỗ trợ từ chính phủ nước ngoài.

Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp EU, trong đó có các công ty công nghệ, thu hút sự chú ý của nước ngoài.

Trong năm 2016, ông lớn công nghệ Tencent của Trung Quốc đã mua cổ phần chi phối của sản xuất trò chơi di động Phần Lan Supercell. Nhà sản xuất thiết bị điện Trung Quốc Midea cũng đã mua công ty robot Kuka của Đức. Gần đây, chi nhánh công nghệ tài chính của Alibaba là Ant Financial đã mua sàn giao dịch tiền tệ có trụ sở tại U.K. WorldFirst.

Ủy ban châu Âu cho biết, trong năm 2016, có tới 3% số doanh nghiệp EU đã được sở hữu và quản lý bởi các nhà đầu tư ngoài EU, chiếm tới 35% tổng số tài sản.

Gần đây, theo EC, đã có sự gia tăng đầu tư từ các nước thứ ba ngoài các nhà đầu tư truyền thống như Mỹ và Canada. Đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước đã tăng nhanh trong vài năm qua.

Ủy ban dự định sẽ có được một luật mới về vấn đề này vào năm 2021.

Thế giới thận trọng hơn với Trung Quốc

Trong khoảng một thập kỷ qua, chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc có nhiều hỗ trợ cho các tập đoàn lớn để phát triển và tăng khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Năm ngoái, các tập đoàn lớn như Alibaba và Tencent được chính quyền Bắc Kinh hỗ trợ phát triển đồng tiền ảo mới, được cho là có khả năng xử lý giao dịch gấp nhiều lần Libra mà Facebook đã tính.

Từ đầu 2018, một làn sóng phản kháng chưa từng có tiền lệ nhằm vào các thương vụ thâu tóm của các công ty Trung Quốc. Nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump cũng đã chặn hàng loạt vụ thâu tóm mà bên mua là doanh nghiệp Trung Quốc.

Hồi tháng 8/2018, Chính phủ Đức lần đầu tiên chặn một vụ thâu tóm của Trung Quốc ở nước này. Đó là vụ công ty sản xuất thiết bị hạt nhân Yantai Taihai của Trung Quốc chào mua Leifeld Metal Spinning, một công ty Đức chuyên sản xuất các thiết bị hàng không vũ trụ và hạt nhân.

Trước đó, hồi tháng 5/2018, Canada cũng chặn vụ công ty China Communications Construction mua lại công ty xây dựng Aecon.

Sở dĩ, các quốc gia gần đây cẩn trọng với các vụ thâu tóm, nhất là trong ngành công nghệ, do doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành là bởi Bắc Kinh cho thấy quyết tâm giành vị thế dẫn đầu thế giới về công nghệ cao vào năm 2025, với chiến lược "Made in China 2025".

Ngay từ khi lên cầm quyền đầu 2017, tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục cho rằng, Trung Quốc là một đối tác không bình đẳng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại. Ông Trump đã chặn nhiều vụ thâu tóm của Trung Quốc với giá trị lên tới hàng trăm tỷ USD, như trường hợp HNA của Trung Quốc chào mua quỹ đầu cơ Skybridge Capital; một công ty Trung Quốc định mua công ty sản xuất chất bán dẫn Xcerra; hay vụ Broadcom chào mua hãng sản xuất con chip Qualcomm.

Nguy cơ bị thâu tóm, Châu Âu ra tay chống lại làn sóng Trung Quốc
Nhiều nước sợ ngập trong nợ nần.

Chính quyền ông Trump cũng ra đạo luật gia tăng quyền lực cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ, trong việc rà soát các thương vụ đầu tư nước ngoài trên cơ sở an ninh quốc gia.

Không chỉ sợ các thương vụ Trung Quốc thâu tóm, chính phủ nhiều nước cũng e ngại về các dự án có vốn đầu tư từ Bắc Kinh.

Trước đó, hàng loạt quốc gia cũng từ chối dự án tỷ đô vốn Trung Quốc. Chính phủ Anh năm 2016 tạm dừng phê chuẩn dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point 24 tỷ USD, một dự án có sự tham gia của doanh Trung Quốc, tài trợ vốn từ Trung Quốc. Đây là dự án do tập đoàn năng lượng EDF của Pháp làm chủ đầu tư nhưng được Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) rót 33% vốn, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cựu Thủ tướng Anh David Cameron.

Không ít nước nghèo ở châu Phi ngập trong nợ nần vì vay tiền Trung Quốc làm đường sắt trên cao. Như trường hợp Ethiopia, dù được Trung Quốc làm đường sắt trên cao khá nhanh và tổng đầu tư thấp hơn so với Việt Nam, nhưng quốc gia châu Phi này vẫn chìm trong nợ nần do các dự án đường sắt hoạt động không mấy hiệu quả.

Đầu 2019, truyền thông châu Phi dậy sóng với thông tin về khả năng Kenya phải chuyển giao cảng Mombasa cho Trung Quốc trong trường hợp chính phủ Kenya không thể trả được khoản vay nợ cho dự án Kenyan Railway. Trung Quốc từng tiếp quản cảng Hambantota của Sri Lanka trong 99 năm vì những lý do tài chính tương tự.

M. Hà

Không có nhận xét nào: