Mở lòng bao dung, hòa giải để đoàn kết, hòa hợp dân tộc
https{''vietnamnet.vn/... đăng ngày 30/04/2020 07:23.
- Vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, vì mục tiêu quốc thái dân an, đòi hỏi đất nước không chỉ thống nhất về giang sơn lãnh thổ mà phải thống nhất về lòng người.
Năm 1865, sau khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ kết thúc nội chiến Bắc - Nam, các tướng sĩ quân đội phía Nam đầu hàng, mỗi người đều nhận được một văn kiện của quân đội liên bang, cam kết đảm bảo rằng từ đó về sau họ không bị làm phiền. Lúc đó, phe miền Nam đã thua cuộc nhưng Tổng thống Abraham Lincoln (1809 - 1865) không kiêu ngạo mà ngược lại, ông kết thúc xung đột giữa hai miền Nam - Bắc bằng câu nói vừa thể hiện sự cao thượng, vừa thể hiện tầm am hiểu sâu sắc về hậu quả của cuộc chiến: “Nội chiến không có người thắng!”.
Quan điểm ôn hòa nhằm tái thiết và nhanh chóng tái thống nhất đất nước thông qua chính sách hòa giải và bao dung của ông Lincoln đã hóa giải được sự phân hóa đầy cay đắng giữa hai miền Nam - Bắc ở Hoa Kỳ thời bấy giờ. Quan điểm ôn hòa và chính sách hòa giải, bao dung của ông Lincoln cũng là nền tảng để xây dựng Hoa Kỳ là quốc gia có dân số đông thứ ba thế giới, có sắc tộc, tôn giáo, văn hóa đa dạng nhất thế giới nhưng vẫn đoàn kết, đồng thuận để trở thành siêu cường.
Với Việt Nam, giang sơn đã thu về một mối 45 năm nay, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương hòa giải và hòa hợp dân tộc. Năm 2004, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người lăn lộn, chiến đấu trên chiến trường suốt cả hai cuộc kháng chiến; người đã bị chiến tranh cướp đi người vợ và ba người con yêu quý, đã có câu nói chí tình như muốn gửi tới mọi người từ thường dân đến lãnh đạo: “Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì tiếp tục làm nó thêm rỉ máu”. “Nếu còn chia rẽ vì bại, kiêu vì thắng, thì ích lợi gì cho bản thân, cho đất nước, cho hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế?”.
Chủ trương là vậy, quan điểm tình cảm của nguyên Thủ tướng Chính phủ là vậy, nhưng thật đáng buồn khi còn một bộ phận không nhỏ người Việt (cả trong và ngoài nước) vẫn chưa hết hiềm khích, hận thù giữa người bên này và người bên kia chiến tuyến.
Bởi vậy, cứ vào dịp 30/4, trên mạng xã hội lại diễn tình trạng công kích, thóa mạ, miệt thị lẫn nhau của những người mang nặng đầu óc thù hận. Hành động như vậy không chỉ trái với truyền thống, đạo lý của dân tộc, trái với tình người mà còn làm xấu đi hình ảnh của người Việt trước bạn bè quốc tế.
Lịch sử nhân loại cũng như lịch sử dân tộc cho thấy tinh thần hòa giải, hoà hợp dân tộc luôn là nhân tố quyết định đảm bảo cho mỗi quốc gia ổn định, để phát triển bền vững, văn minh, giàu mạnh.
Với nước ta, nhìn lại chiều dài lịch sử, khi các bậc minh quân hóa giải được xung đột giữa các vùng miền, các giai tầng, xây dựng được sự hòa hợp, đoàn kết của muôn dân thì sẽ phát huy được tối đa sức mạnh của toàn dân tộc.
Như dưới các triều vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông nửa cuối thế kỷ XIII, đã xây dựng quốc gia cường thịnh, ba lần đại thắng đế quốc Nguyên Mông, được lịch sử dân tộc mãi mãi lưu danh.
Là vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497), vua Minh Mạng (1791 - 1841), hai bậc minh quân đã dẫn dắt quốc gia phát triển rực rỡ nhất dưới thời quân chủ, đưa nước ta trở thành cường quốc của Đông Nam Á khi hai vị vua này trị vì.
Ngược lại, nếu các vị vua không biết chăm lo khoan thư sức dân, xây dựng triều chính, củng cố khối đoàn kết dân tộc, chỉ biết đặc quyền đặc lợi, để xảy ra biến loạn khắp nơi, dẫn đến vương triều sụp đổ như các đời vua nhà Lý cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII; nhà Trần cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV; hoặc đất nước lâm vào cảnh binh đao, rối ren dưới thời Lê, Trịnh - Nguyễn thế kỷ thứ XVII, XVIII…
Bước sang thời hiện đại, phát huy truyền thống của cha ông, Bác Hồ luôn đề cao tinh thần hòa hợp dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng tổ quốc. Nhờ vậy không chỉ tập hợp được thợ thuyền, nông dân mà còn tập hợp được đông đảo học sinh, sinh viên, trí thức, nhà nho, địa chủ, tư sản và nhiều thành viên trong chế độ quân chủ…tham gia cuộc cách mạng. Phát huy sức mạnh của toàn dân tộc làm nên Cách mạng tháng Tám lịch sử, giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh vệ quốc.
Là bậc minh triết, thấy được vai trò, sức mạnh của đoàn kết dân tộc, lúc sinh thời Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần bao dung, hòa giải.
Người viết: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu con người cũng có người thế này thế khác nhưng thế này thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc... có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.
Nhiều năm nay, người Việt Nam từ thường dân tới cán bộ, đảng viên đang học tập và làm theo tấm gương tư tương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vậy tại sao chúng ta không thực hiện quan điểm nhân ái, bao dung của Người để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Trong khi tất cả các quốc gia từng là cựu thù từ thời Cổ đại, Trung đại đến Cận đại, Hiện đại nhưng bây giờ đều trở thành hoặc là đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược hoặc là đối tác toàn diện.
Vậy tại sao cùng là đồng bào một nước chúng ta không vượt qua được quá khứ mặc cảm, thù hận để dang cánh tay thân thiện với nhau? Chúng ta có thấy rằng nếu cứ nuôi lòng hiềm khích, thù hận thì chúng ta đang tự hại mình, hại con cháu mình và hại cả dân tộc mình?
Những ai là người Việt của thế hệ hôm nay không xóa được hiềm kích, hận thù do chiến tranh để lại mà còn làm “di căn” sang con cháu thì những người đó sẽ có tội lớn với dân tộc và lịch sử.
Cho nên, khi biển đảo của tổ quốc đang bị thế lực ngoại bang lăm le thôn tính, hãy vì trách nhiệm với dân tộc, với con cháu chúng ta mỗi người cần mở lòng bao dung, hóa giải hiềm khích, hận thù, kết nối vòng tay đoàn kết để bảo vệ chủ quyền biển đảo mà ông cha đã không tiếc xương máu bảo vệ, gìn giữ cho chúng ta và muôn đời con cháu mai sau.
Mặt khác, với chủ trương đấu tranh bảo vệ biển đảo bằng biện pháp hòa bình, chúng ta không thể không tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới, nhất là các cường quốc. Cho nên đừng khơi lại vết thương chiến tranh với các quốc gia từng là cựu thù, vì làm như vậy không chỉ tổn thương các quốc gia đó mà còn tổn thương tới quan hệ đối tác của Việt Nam với các quốc gia đó.
Vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, vì mục tiêu quốc thái dân an, đòi hỏi đất nước không chỉ thống nhất về giang sơn lãnh thổ mà phải thống nhất về lòng người. Bởi vậy mỗi người dân Việt Nam dù trước đây thuộc bên nào cũng cần phải lấy lợi ích quốc gia làm tối thượng, hãy lấy tình cảm dân tộc, gốc rễ đồng bào để mở lòng bao dung, xóa bỏ mặc cảm, xây dựng niềm tin lẫn nhau, hóa giải hiềm khích để cùng hòa hợp, đồng thuận chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguyễn Huy Viện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét