Chống COVID-19: Ba bài học từ dịch cúm Tây Ban Nha
(PL)- Từ hậu quả của đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 khiến hơn 50 triệu người trên toàn cầu tử vong, thế giới cần rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá để ứng phó với dịch COVID-19 hiện nay.
Vào năm 1918, đại dịch cúm Tây Ban Nha đã tàn phá thế giới như một vụ cháy rừng kinh hoàng, giết chết hơn 50 triệu người trên toàn cầu.
Đến năm 2020, virus SARS-CoV-2, xuất phát từ TP Vũ Hán của Trung Quốc (TQ) gây ra đại dịch toàn cầu COVID-19, cũng đang lan rộng với tốc độ đáng kinh ngạc. Nhìn lại quá khứ, một số bài học rút ra từ đại dịch năm 1918 vẫn còn có thể áp dụng cho tình hình hiện nay để tránh lặp lại kết cục thảm khốc cho nhân loại, theo đài CNN.
Tiếp tục duy trì giãn cách xã hội
Các chuyên gia dịch tễ học cho biết trong đại dịch cúm Tây Ban Nha, nhiều nước đã cho dừng giãn cách quá sớm, dẫn đến một đợt bùng phát thứ hai còn nguy hiểm hơn đợt đầu tiên.
Cụ thể, nhà dịch tễ học Larry Brilliant cho biết lãnh đạo TP San Francisco (Mỹ) đã cho tổ chức một cuộc diễu hành lớn để ăn mừng việc số bệnh nhân cúm Tây Ban Nha giảm xuống gần như bằng không. Hậu quả là hai tháng sau, đại dịch cúm này quay trở lại một lần nữa.
TP Philadelphia ở đầu bên kia nước Mỹ cũng chịu số phận tương tự. Dù có tới 600 thủy thủ hải quân nhiễm cúm nhưng thành phố này vẫn thực hiện cuộc diễu hành vào ngày 28-9-1918. Chỉ ba ngày sau, Philadelphia có thêm 635 ca nhiễm mới và nhanh chóng trở thành nơi có số bệnh nhân tử vong cao nhất Mỹ, theo Trung tâm Lưu trữ và hồ sơ ĐH Pennsylvania.
Ngược lại, tình hình tại TP St. Louis ở bang Missouri, vốn đã lên kế hoạch tổ chức diễu hành tương tự nhưng hủy bỏ vào phút chót, lại tốt hơn nhiều. Số liệu lưu trữ tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) chỉ ra tại thời điểm hơn 10.000 người ở Philadelphia thiệt mạng trong đợt bùng phát thứ hai, số người chết ở St. Louis chưa đến 700 người.
“Diễn biến của năm 1918 cho thấy ngay cả ở những nơi đã đỉnh dịch rồi vẫn có khả năng tái bùng phát lần nữa nếu không có biện pháp phòng bị kịp thời và lơ là cảnh giác. Đây là điều mà các quốc gia đang vật lộn với COVID-19 hiện nay phải lưu ý” - CNN nhấn mạnh.
Chống COVID-19: Ba bài học từ dịch cúm Tây Ban Nha - ảnh 1
Bệnh nhân cúm trong một bệnh viện dã chiến ở ĐH Nông nghiệp Colorado, Mỹ năm 1918. Ảnh: CNN
Mọi đối tượng đều có thể nhiễm bệnh
Khi nhắc về đại dịch cúm Tây Ban Nha, nhiều chuyên gia đã miêu tả giai đoạn này là “một vụ thảm sát y tế lớn nhất trong lịch sử”. Không chỉ bởi căn bệnh này đã khiến nhiều người tử vong mà còn do rất nhiều nạn nhân là những người trẻ và khỏe mạnh. Số liệu thống kê chỉ ra khoảng 2/3 số người tử vong ở độ tuổi từ 18 đến 50.
“Các nhà khoa học cho rằng chính phản ứng thái quá của hệ miễn dịch đã khiến tỉ lệ tử vong ở những người trẻ tuổi, khỏe mạnh tăng cao vào năm 1918” - TS Richard Gunderman thuộc ĐH Indiana (Mỹ) chia sẻ. Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo hiện tượng tương tự có thể đang xảy ra ở những ca tử vong là người trẻ của dịch COVID-19.
Giải thích thêm, hệ miễn dịch thông thường có thể đối phó tốt với bệnh cúm. Tuy nhiên, nếu virus phát tán quá nhanh trong cơ thể thì hệ thống miễn dịch phải hoạt động cật lực hơn. Tình trạng này sẽ kéo dài đến khi chính các phân tử protein tiết ra từ tế bào của hệ thống miễn dịch bắt đầu bào mòn cả các cơ quan khác trong cơ thể như phổi, làm bệnh nhân tử vong.
“Trong những trường hợp này, vấn đề không phải là hệ miễn dịch bị suy yếu hay bị phá vỡ mà là nó hoạt động quá mức cần thiết khiến cơ thể bị áp đảo” - TS Sanjay Gupta thuộc ĐH Emory (Mỹ) nhận định.
Kết luận, bài học quan trọng ở đây là những người trẻ, khỏe mạnh không phải sẽ nghiễm nhiên miễn nhiễm với virus gây dịch.
Chống COVID-19: Ba bài học từ dịch cúm Tây Ban Nha - ảnh 2
Tôi nghĩ để miêu tả tình hình COVID-19 thì hình ảnh chính xác là một cơn sóng thần với những đợt sóng khác đang ầm vang theo sau. Những con sóng này lớn đến mức nào tùy thuộc vào chúng ta.
TS LARRY BRILLIANTchuyên gia dịch tễ học từng làm việc cho WHO 
Cảnh giác các liệu pháp chưa được kiểm chứng
Phải thừa nhận rằng thế giới đã đạt được những tiến bộ y tế và công nghệ lớn trong 102 năm qua. Nhưng cúm Tây Ban Nha và đại dịch COVID-19 có chung hai thách thức: Thiếu vaccine và thiếu thuốc chữa.