Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

Những góc tối của thị trường nước sạch

Những góc tối của thị trường
nước sạch

Văn Thịnh - Lê Dung
https://www.thesaigontimes.vn/... đăng ngày 04/11/2019 10:01.

(TBKTSG) - Quyết định số 1566/QĐ-TTg ngày 9-8-2016 của Thủ tướng đã khẳng định “nước sạch là một loại sản phẩm, hàng hóa đặc biệt, phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống con người và phát triển kinh tế xã hội”, là quyền con người tại điều 34 Hiến pháp.
Tuy vậy, sự cố ô nhiễm nước sạch diện rộng tại Hà Nội vừa qua cho thấy quyền hiến định của người dân vẫn còn quá mong manh, dễ dàng bị xâm phạm.
Công nhân nạo vét cống xử lý nước thải ở TPHCM. Ảnh Thành Hoa.
Rắc rối hậu cổ phần hóa
Các doanh nghiệp ngành nước bắt đầu được cổ phần hóa từ năm 2005, và cho đến nay, số lượng doanh nghiệp chưa cổ phần hóa chỉ còn tính trên đầu ngón tay. Bên cạnh cổ phần hóa, trong thời gian qua cũng có các nhà máy nước được đầu tư xây dựng theo hình thức BOO, thực chất là hợp tác công tư để giảm nhẹ gánh nặng bù lỗ cho ngân sách nhà nước, tạo ra thị trường cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của công dân. Tuy nhiên, nhiều rắc rối đã nảy sinh sau cổ phần hóa làm ảnh hưởng lớn tới an ninh nước sạch.
Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB (2010) nhận định rằng việc cổ phần hóa các công ty nước sạch đô thị đã không đạt được các mục tiêu đề ra. Sở hữu tư nhân đối với các tài sản của hệ thống nước sạch không bị ràng buộc rõ ràng về tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả, chất lượng của hệ thống. Quá trình này dẫn tới tình trạng mất quyền kiểm soát đối với hệ thống tài sản công, mà không mang lại lợi ích tương xứng cho khách hàng và không có tác dụng cải thiện hệ thống cung ứng nước sạch trong dài hạn.
Thay vào đó, cổ phần hóa các công ty nước sạch và xử lý nước thải còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tham gia các ngành kinh doanh khác, không cốt lõi, như bất động sản, qua đó tạo ra nguy cơ đối với việc cung ứng dịch vụ.
Sự việc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco liên tục kêu cứu do chi phí đầu vào liên tục tăng, nhưng không được tăng giá bán nước, không ký được hợp đồng bán nước cho chính các công ty con đã cổ phần hóa vì... không thỏa thuận được giá chính là một ví dụ kinh điển cho thấy hệ quả của cổ phần hóa kiểu “nửa mùa”.
Bi kịch của Sawaco nằm ở chỗ phải mua theo giá thị trường vì các công ty bán sỉ nước đều đã cổ phần hóa, trong khi phải bán lẻ nước với giá kiểm soát của Nhà nước.
Thiếu hệ thống giám sát hiệu quả
Cổ phần hóa các công ty nước sạch và xử lý nước thải còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tham gia các ngành kinh doanh khác, không cốt lõi, như bất động sản, qua đó tạo ra nguy cơ đối với việc cung ứng dịch vụ.
Trong vụ bê bối nước bị nhiễm dầu gần đây tại Hà Nội, sự việc chỉ được phát hiện sau khi nước bẩn đã được phân phối cho người dân. Điều này cho thấy lỗ hổng rất lớn trong việc giám sát chất lượng nước. Vậy ai phải chịu trách nhiệm giám sát chất lượng nước?
Câu trả lời là không rõ ai cả. Theo nhận định của ADB (2010), Việt Nam không có hệ thống giám sát kiểm tra nước sạch đáng tin cậy. Tuy có dữ liệu về các chỉ tiêu chất lượng nhưng không có các dữ liệu đầu vào so sánh cũng như không rõ phương pháp giám sát chất lượng.
Thậm chí, ADB còn hé lộ một góc tối của việc giám sát chất lượng nước ở các địa phương, khi nghiên cứu cho rằng các địa phương không có động lực cải thiện hệ thống giám sát chất lượng nước để giữ số liệu tiếp cận nước sạch ở mức thấp và qua đó kêu gọi thêm vốn đầu tư của trung ương hoặc tài trợ của nước ngoài.
Mối nguy nước thải
Cung ứng nước sạch và giải quyết nước thải là hai mặt của một vấn đề nhưng các đô thị ở Việt Nam mới giải quyết được tạm ổn vấn đề thứ nhất. Theo thống kê của Bộ Xây dựng (2016), là cơ quan quản lý nhà nước về nước sạch đô thị, chỉ có 15% nước thải ở các nhà máy xử lý nước thải là được xử lý đúng chuẩn.
Phần lớn nước thải sinh hoạt được xả trực tiếp vào môi trường và làm ô nhiễm nguồn nước bề mặt. Ngay tại các khu công nghiệp, vấn đề xử lý nước thải cũng là một thách thức lớn, nhất là ở đồng bằng Bắc bộ. Chỉ 75% các khu công nghiệp ở đây có nhà máy xử lý nước thải. Thêm vào đó, các làng nghề cũng có thể gây ô nhiễm nguồn nước lớn, ví dụ điển hình như các làng nghề dệt nhuộm ở các tỉnh Thái Bình, Hải Dương...
Một điều đáng nói là đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải tập trung rất tốn kém, đòi hỏi công nghệ cao và rất ít doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện tại có thể làm được, nhất là với mức phí thu gom và xử lý nước thải quá thấp do Chính phủ quy định.
Ở khu đô thị, các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý chất thải hóa học. Theo một chuyên gia ngành hóa học, hiện có rất ít doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xử lý các chất thải hóa học và thường chỉ xử lý với một đơn hàng lớn, ví dụ vài tấn trở lên.
Điều này làm cho các trường học làm thí nghiệm hóa học hay các bệnh viện, doanh nghiệp nhỏ có chất thải hóa học loay hoay không biết xử lý như thế nào. Giải pháp tiện lợi, rẻ và cũng phổ biến nhất là chôn lấp, đổ thải qua đường ống nước hoặc thuê các doanh nghiệp, cá nhân không chuyên vận chuyển xử lý chui.
Bất bình đẳng trong tiếp cận nước sạch
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới - WB (2014), có sự bất bình đẳng lớn về cung ứng nước sạch giữa các đô thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo. Bên ngoài các thành phố lớn, mức độ tin cậy của chất lượng nước sạch không được đảm bảo trong khi ở nông thôn, năng lực quản lý không đảm bảo được việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống nước sạch một cách hiệu quả.
Nhóm 20% số người giàu nhất ở thành thị được tiếp cận nước máy sạch tới 95%, trong khi đó nhóm 20% số người nghèo nhất ở đây chỉ có 35% cơ hội. Ở nông thôn, chỉ có 3% của 20% người thu nhập thấp nhất được dùng nước máy, trong khi 43% của 20% người giàu nhất có khả năng tiếp cận. Những con số này cho thấy nước sạch vẫn còn là một đặc quyền của đô thị và của người giàu.
Mấu chốt nằm ở chính quyền địa phương
Trong bối cảnh ngành nước sạch đã cổ phần hóa, chính quyền địa phương cần chủ động tiên phong trong việc đại diện nhân dân để thương lượng, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng nước sạch và xử lý nước thải nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân.
Suy cho cùng, phúc lợi của người dân, mà ở đây là quyền tiếp cận nước sạch phải được coi là làm căn cứ để đánh giá kết quả làm việc của chính quyền. Nếu xảy ra vi phạm, sự cố về cung ứng nước sạch thì chính quyền cần phải chịu trách nhiệm cuối cùng chứ không phải doanh nghiệp.
Thứ hai, cổ phần hóa chắc chắn không phải là liều thuốc tiên giúp giải quyết mọi vấn đề, đặc biệt là ở một ngành thiết yếu, có tính chuyên biệt và bất trắc cao như nước sạch đô thị. Thiếu vắng các hợp đồng được thiết kế cẩn trọng, quy định rõ ràng trách nhiệm, mức độ cam kết của các doanh nghiệp cung ứng thì cổ phần hóa sẽ trao lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp và đẩy rủi ro cho người sử dụng.
Mặt khác theo khuyến nghị của WB (2014), Nhà nước cần phân định rõ quyền tài sản, sở hữu của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, các dự án hợp tác công tư, đặc biệt là các quyền sở hữu hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải đô thị, tạo lập các mối quan hệ thị trường giữa các bên tham gia cung cấp dịch vụ. Giá cả các dịch vụ cung ứng nước và xử lý nước thải cần vận hành theo tín hiệu giá cả thị trường, ít nhất phải bù đắp được chi phí vận hành của hệ thống.
Thứ ba, với vai trò là người kiến tạo luật chơi và giám sát thực hiện, Nhà nước cần đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho cả quá trình cung ứng nước sạch, thu gom xử lý nước thải; từ đó cấp giấy phép, tạo chế tài xử phạt, ưu đãi rõ ràng đối với các doanh nghiệp tham gia theo hướng tưởng thưởng cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao các ưu đãi về thuế thu nhập, thuế nhập khẩu công nghệ...
Ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa mà ít có khả năng tư nhân tham gia thị trường, chính quyền nên tiếp tục giữ vai trò lớn trong việc cung ứng và xử lý nước để đảm bảo cơ hội tiếp cận bình đẳng cho người nghèo.
Việc cung ứng nước sạch và xử lý nước thải của Singapore do Ban Tiện ích công cộng (Public utilities Board - PUB) thuộc Bộ Môi trường và Tài nguyên nước đảm nhiệm.
Do tài nguyên nước khan hiếm nên Singapore phải phát triển giải pháp xử lý nước hiệu quả. Bên cạnh hệ thống xử lý nước thải hiện đại được ngầm hóa, nước này còn có hệ thống thu gom nước mưa để xử lý thành nước sạch cung cấp trên bề mặt.
Hai hệ thống được tách biệt, nước thải sinh hoạt được xử lý nhiều công đoạn hơn trước khi đưa vào hệ thống xử lý nước mưa, nước thải công cộng. Ngoài ra, chính phủ nước này còn đang tiến hành dự án hệ thống hầm thoát nước sâu, dự kiến hoàn thành năm 2022 với quy mô đầu tư rất lớn nhằm đảm bảo nhu cầu nước sạch gia tăng.
Bốn bài học kinh nghiệm cho Việt Nam:
Thứ nhất, nên có một cơ quan đầu mối cụ thể chịu trách nhiệm giám sát, quản lý cung ứng một dịch vụ môi trường đô thị. Cơ quan này cũng chịu trách nhiệm quy hoạch cơ sở hạ tầng và xây dựng cơ chế thu hút tư nhân tham gia thị trường.
Thứ hai, hệ thống quản lý nước thải nên được quy hoạch và xử lý tập trung, tránh xử lý phân tán, khó kiểm soát và gây ô nhiễm.
Thứ ba, Chính phủ Singapore đã đưa ra các thiết chế phù hợp để khuyến khích sự tham gia hữu hiệu của tư nhân, bao gồm: các gói thầu cung ứng xây dựng, quản lý chất thải với thời hạn hợp đồng phù hợp với đặc tính công nghệ và có khả năng thu hồi vốn cho tư nhân; cấp phép cho các nhà thầu đủ năng lực; quy định rõ ràng sở hữu công và sở hữu tư trong đấu thầu.
Thứ tư, Chính phủ Singapore tiến hành thu phí quản lý nước thải thông qua hệ thống thuế cung cấp nước sạch và xử lý nước thải với mức thu biến động theo lượng nước sạch tiêu dùng. Do quản lý tập trung và đo lường được lượng nước thải sinh hoạt nên chính quyền có thể dễ dàng tính mức phí bù đắp được chi phí thu gom và xử lý nước thải.
Nguồn tài liệu tham khảo:
• Asian Development Bank. 2010. “Viet Nam Water and Sanitation Sector Assessment Strategy and Roadmap” (PDF).
• Bộ Xây dựng & BBGV. (2016). Vietnam Water Sector: Opportunities for UK Businesses Webinar.
• Department for International Trade of UK, 2017, “Vietnam water sector briefing 2017, Business Centre - British Business Group Vietnam (BBGV)
• WorldBank, 2014, “Water Supply and Sanitation in Vietnam- Turning finance into services for the future” 2014 International Bank for Reconstruction and Development/The World Bank
• Nguyễn Đức Thành, Đinh Tuấn Minh, Vũ Sỹ Cường, Đỗ Vũ Mai Linh, Nguyễn Quang Thái, 2018, “Thị trường hóa cung ứng dịch vụ môi trường đô thị tại Việt Nam: trường hợp xử lý nước thải và chất rắn”.

Không có nhận xét nào: