Tối 12-11, nguồn tin của phóng viên báo Người Lao Động cho biết, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát môi trường cùng các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã mật phục vây bắt 14 tàu "cát tặc" tại Bến Tre. Hiện 14 tàu này vẫn còn đang bị cảnh sát cơ động tạm giữ trên sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên.
Trước đó, rạng sáng 12-11, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát môi trường cùng các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an mật phục bắt quả tang 14 tàu khai thác cát trái phép trên tuyến sông Hàm Luông và Cổ Chiên thuộc địa bàn hai huyện Châu Thành và Chợ Lách (Bến Tre). Trong 14 tàu cát trên có 9 tàu cát bị bắt giữ tại tuyến sông Hàm Luông và 5 tàu trên tuyến sông Cổ Chiên. Những tàu cát này có trọng tải nhỏ nhất khoảng 60 tấn, lớn nhất khoảng gần 700 tấn.
Đây là chuyên án do Bộ Công an thực hiện. Đến chiều cùng ngày, lực lượng các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an vẫn đang làm việc với những tàu cát bị bắt giữ tại hiện trường; lập hồ sơ ban đầu và sẽ chuyển cho Công an tỉnh Bến Tre tiếp nhận hồ sơ, tang vật để tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý theo quy định.
Trong khi Bộ Công an vây bắt 14 tàu khai thác cát trái phép thì tại cồn Thới Sơn, TP Mỹ Tho (Tiền Giang), các chiến sĩ trinh sát cũng bắt quả tang một tàu sắt khai thác cát trái phép trên sông Tiền. Hai người trên tàu khai tên Ngô Văn Tén ( Sn 1976) và Nguyễn Phú Cường ( SN 1984). Cả hai người này khai làm thuê cho một ông chủ ở Tiền Giang.
Trước đó, nhiều ngày liền, phóng viên báo Người Lao Động cũng đã tìm hiểu thông tin liên quan đến "cát tặc". Theo nhiều người làm nghề sà lan, sau khi Công an tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh nhiều biện pháp chống khai thác cát lậu thì “cát tặc” chuyển sang tỉnh Bến Tre để làm ăn. 
Những ngày cuối tháng 10, phóng viên đã liên tiếp ghi nhận cảnh "móc ruột" lòng sông Cổ Chiên (huyện huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Theo ghi nhận, chỉ đoạn sông chưa đầy 500 m đã có đến 3 sà lan loại khủng đang hút cát. 
Một chủ chuyên kinh doanh cát cho biết: “Muốn vào khai thác cát ở sông Cổ Chiên thì phải mua vé chứ không phải ai cũng được vào. Tàu của tôi đã nhiều lần vào đó xin mua vé nhưng không được. Còn khai thác thì chỉ vài chục phút là bị bắt"….
Ngoài ra, trên dòng sông này còn cả những chiếc xáng cạp to lấy cát lên sà lan cỡ lớn chở đi. Theo một người điều khiển sà lan cho biết:  "Cát được đưa về Tây Ninh, mỗi chuyến đi và về mất 10 ngày. Sà lan mình đi vậy thôi chứ có ai kiểm tra hóa đơn chứng từ gì đâu…”.
MINH SƠN