Không còn là chuyện “đóng cửa bảo nhau”
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), tình trạng vi phạm quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực biểu diễn, tổ chức biểu diễn đang tăng mạnh. Đó là chưa kể tới hàng loạt chương trình nghệ thuật, sự kiện biểu diễn không bán vé vẫn sử dụng tác phẩm âm nhạc nhưng không thực hiện quy định về quyền tác giả. Không dừng lại ở việc vi phạm trong nước, mà gần đây, hàng loạt tổ chức bản quyền quốc tế cũng đã bắt đầu lên tiếng. Điều này cho thấy những vi phạm về tác quyền không còn là chuyện “đóng cửa bảo nhau”.
VCPMC cho biết, thời gian qua, nhiều tổ chức quản lý bản quyền như SACEM (Pháp), PRS (Anh), GEMA (Đức)… đã có liên hệ với VCPMC yêu cầu xác minh việc sử dụng các bài hát thuộc ủy quyền của họ có được thực hiện đúng cam kết về bản quyền hay chưa.
Một loạt chương trình được họ thống kê như: Đêm nhạc Live for Love concert - Sống để yêu, tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội, có sự xuất hiện của “Hoàng tử balad” - Shayne Ward với những bài hát nổi tiếng gắn liền với ký ức của thế hệ 8X; đêm nhạc Boney M & Joy - Concert in Vietnam 2019, tổ chức tại Hà Nội; chương trình Soul Live Project Complex tại Học viện Âm nhạc Soul Academy (TPHCM)… Sau khi xác minh, phần lớn chương trình đều chưa thực hiện xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả. Hơn thế, sau khi đơn vị xác minh liên hệ, gửi văn bản đề nghị trả tiền, khắc phục, đều không có kết quả. Điều này có thể tác động đến ấn tượng và đánh giá của nước ngoài về một thị trường âm nhạc tại Việt Nam thiếu nghiêm túc, thiếu chuyên nghiệp trong thực thi bản quyền, cũng như ảnh hưởng đến các cam kết song phương giữa Việt Nam với quốc tế, các điều ước về bản quyền âm nhạc mà Việt Nam đã ký kết.
Vi phạm bản quyền tác giả là một trong những rào cản ngăn cách việc kết nối, tiếp cận và hưởng thụ nghệ thuật của khán giả. Nhạc sĩ Quốc Trung từng than thở rằng thật khó mời các nghệ sĩ lớn, những ngôi sao âm nhạc tới biểu diễn ở Việt Nam, một phần do e ngại về vi phạm bản quyền tác giả. Ở trong nước, việc vi phạm bản quyền tác giả cũng được thống kê lên tới hàng trăm chương trình. Trong các sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ Việt Nam, cũng không thiếu những trường hợp “vay mượn” khiến nghệ sĩ nước ngoài phải lên tiếng vì bị vi phạm bản quyền tác giả.
Khi phát hiện các trường hợp vi phạm hoặc khi các quyền, các tác phẩm âm nhạc có nguy cơ bị xâm phạm, VCPMC đều gửi cảnh báo và đề nghị, yêu cầu trả tiền sử dụng tác phẩm đến các đơn vị tổ chức biểu diễn. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị đều tìm cách né tránh. Đáng tiếc, trong danh sách các chương trình vi phạm bản quyền tác giả, có sự trình diễn của nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong nước và hải ngoại.
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh kinh tế toàn cầu, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả âm nhạc nói riêng, ảnh hưởng rất quan trọng. Bất kỳ tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Đối với những vụ việc liên quan đến các tổ chức quốc tế, những điều khoản nào trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam không có sự đồng nhất với các điều khoản quốc tế thì sẽ được áp dụng theo luật quốc tế.
Cho đến nay, các vụ kiện vi phạm bản quyền ở Việt Nam được xử lý mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phải chăng điều này dẫn đến tình trạng lờn luật, với hệ quả là hàng trăm chương trình nghệ thuật biểu diễn vẫn ngang nhiên vi phạm? Rõ ràng, hành lang pháp lý đã có, nhưng ý thức và nhận thức về Luật Sở hữu trí tuệ của người dân chưa thực sự được nâng cao. Trong khi tình trạng vi phạm bản quyền chỉ được hạn chế khi người dân, nghệ sĩ ý thức được hành động sử dụng “chùa”, xem “chùa” là ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ sáng tác, ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia.
Lâu nay, người vi phạm cứ bị tố cáo thì nhận lỗi là xong, còn các tác giả lại thường ngại không muốn làm to chuyện nên đã cho qua, vô tình tiếp tay cho thói quen xài của “chùa” khó kiểm soát. Trong thời kỳ hội nhập, câu chuyện bản quyền sẽ không chỉ là “chuyện trong nhà” nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét