Lúng túng vận động học sinh vùng cao trở lại trường sau Tết |
Copy từ " http://www.nhandan.org.vn/giaoduc/tin-tuc/item/39209902-lung-tung-van-dong-hoc-sinh-vung-cao-tro-lai-truong-sau-tet.html", tác giả: Nguyễn Trung, đã đăng ngày 15/02/2019, 14:47. |
NDĐT - Hiện tại, có 594 học sinh cấp tiểu học và THCS ở huyện Bác Ái (Ninh Thuận) không đến lớp sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, khiến ngành giáo dục và chính quyền địa phương rất lúng túng trong việc vận động học sinh quay trở lại trường học. |
|
Mặc dù rất nỗ lực vận động nhưng đến nay, Trường phổ thông DTBT THCS Ngô Quyền ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận vẫn còn nhiều học sinh bỏ học sau Tết. |
Bỏ học theo bạn đi làm thuê |
Ngày 14-2-19, chúng tôi đến huyện Bác Ái. Toàn huyện có 34 trường học mầm non, tiểu học, trường dân tộc bán trú THCS với 6.843 học sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng học sinh cấp tiểu học và THCS nghỉ học rất nhiều. Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ngô Quyền, có tổng sĩ số học sinh là 217 em, nhưng đến nay có gần 50% học sinh bỏ học. Nhiều phòng học của khối lớp 9 (29 học sinh/lớp) nhưng có chưa đến 50% học sinh đến lớp. Điều đáng nói ở đây, những năm trước, sau các kỳ nghỉ Tết, thường chỉ có một số học sinh có học lực yếu hoặc một số em theo cha mẹ lên rẫy bỏ học, nhưng năm nay, số học sinh nghỉ tăng nhiều có cả những học sinh học lực khá, giỏi. Nguyên nhân, nhiều em đi theo bạn đến các tỉnh Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh... làm thuê kiếm tiền tiêu xài và phụ giúp gia đình. |
Em Pi Năng Thị Mộng, lớp 9, Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ngô Quyền cho biết, một phần do các bạn thấy mình học lực yếu nên chán nản rồi bỏ học. Nhiều bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên bỏ học để giúp cha mẹ sản xuất; một số bạn học khá, giỏi nhưng nghe bạn bè xúi giục bỏ học rồi cùng nhau đi làm thuê kiếm tiền tiêu xài. |
Nhiều em đang học lớp 8, lớp 9, có học lực khá, giỏi như: Katơr Thị Giang ở thôn Trà Co 2, xã Phước Tiến; Katơr Thị Liến, ngụ thôn Rã Trên; em Chăm Thị Bé, ngụ thôn Đồng Dày, xã Phước Trung… bỗng dưng bỏ học đi theo bạn lên tỉnh Lâm Đồng, vào TP Hồ Chí Minh làm thuê kiếm tiền, hoặc ở nhà chăn cừu, chăn bò, làm rẫy với cha mẹ. Mặc dù, thầy cô giáo đã nhiều lần đến nhà vận động nhưng các em không chịu và tiếp tục đi làm thuê kiếm tiền. |
|
Một buổi học khá vắng vẻ tại Trường phổ thông DTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi. |
Chị Katơr Thị Đâm (mẹ học sinh Katơr Thị Giang) cho biết, rất nhiều lần khuyên con cố gắng học hết lớp 9 rồi muốn làm gì tùy ý, nhưng cháu bảo, mấy đứa nhà giàu còn bỏ học, nhà mình nghèo, con phải đi làm kiếm tiền để sửa nhà. |
Bà Katơr Thị Dách (bà nội của em Liến) bộc bạch: “Ngày nào mình cũng nhắc nó đi học, nhưng nó nói, nhiều đứa bạn nó đi làm thuê, có tiền mua điện thoại, quần áo mới… nên thích được như vậy, bỏ học đi làm thuê. Gia đình cũng hết cách khuyên răn”. |
Điều đáng nói, trong tổng số 594 học sinh bỏ học, có đến 303 học sinh tiểu học và 260 học sinh THCS (chủ yếu học sinh lớp 8 và lớp 9). |
Học sinh bỏ trốn khi thấy giáo viên đến nhà |
Phó trưởng Phòng phụ trách giáo dục và đào tạo huyện Bác Ái Đặng Ngọc Hải cho biết, với mục tiêu “không để học sinh đã bỏ học rồi mới đi vận động trở lại trường” như những năm trước đây, trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, UBND huyện Bác Ái chỉ đạo đơn vị, các trường học và UBND các xã cùng phối hợp rà soát, lập danh sách các em có nguy cơ bỏ học sau kỳ nghỉ Tết, để triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động, khen thưởng kịp thời, nhằm động viên tinh thần hiếu học cũng như nhắc nhở, phê bình những trường hợp gia đình có điều kiện nhưng không cho con đến trường... |
Theo đó, trước Tết, tất cả trường học đều tổ chức những hoạt động vui chơi, sinh hoạt phong phú, thu hút học sinh tham gia; phân loại học sinh bỏ học theo bốn nhóm, gồm: nhóm học sinh bỏ học vì học lực yếu kém; bỏ học vì chán học; bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và nhóm học sinh có nguy cơ bỏ học, để xác định nguyên nhân, đề xuất hỗ trợ cho từng nhóm học sinh. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các xã thành lập các “Tổ vận động chống học sinh bỏ học”, phối hợp các trường học, nắm bắt danh sách học sinh nghỉ học để kịp thời vận động các em đến trường. |
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi Huỳnh Lê Kim Thoa, nói: “Cứ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chúng tôi lại vất vả đi vận động học sinh đến trường. Chuyện giáo viên băng rừng hàng chục cây số để vận động các em bỏ rẫy quay lại trường học chữ ngày càng tăng, nhưng tình trạng bỏ học giữa chừng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”. |
Cô Thoa cho biết thêm, trước Tết, ngoài việc tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, nhà trường còn lì xì cho mỗi em từ 100 nghìn đến 1 triệu đồng (tùy vào hoàn cảnh của mỗi em) để khuyến khích các em đến trường sau Tết, nhưng cách làm đó vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Đáng buồn, có nhiều gia đình khi nhìn thấy giáo viên tìm đến, cả nhà liền vội vả kéo nhau lên núi cao, giáo viên đành bất lực. |
|
Ban giám hiệu Trường phổ thông DTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận và chính quyền đến tận nhà vận động phụ huynh cho con em quay lại trường sau Tết. |
Việc hàng trăm học sinh bỏ học, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giảng dạy và học tập, nhiều giáo viên cho biết, do nghỉ học quá nhiều ngày, nên khi quay trở lại lớp học, khả năng tiếp thu bài của các em rất chậm. Từ đó, tỏ ra chán nản và dần bỏ học luôn. Cô giáo Lý Thu Thảo, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ngô Quyền, bộc bạch: “Khi khả năng tiếp thu kiến thức kém xa bạn bè đến lớp đầy đủ, giáo viên đứng lớp rất vất vả để truyền đạt bài học mới. Giáo viên thì hăng hái lên lớp mà học sinh lại vắng nhiều, dễ dẫn đến mất cảm hứng giảng dạy vì không khí lớp học buồn tẻ, kém sôi nổi”. |
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, việc các em bỏ học không chỉ do bạn bè lôi kéo đi làm thuê kiếm tiền, mà còn do nhận thức của nhiều phụ huynh học sinh vùng dân tộc thiểu số ở Bác Ái chưa cao. Qua tiếp xúc, nhiều phụ huynh nói với chúng tôi, đã có nhiều cháu học xong lớp 12 nhưng không tìm được việc làm, phải quay về nhà làm rẫy kiếm sống, nên họ sẵn sàng để con em đi học nghề hoặc làm rẫy sớm hơn tuổi lao động vẫn tốt hơn. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Ngọc Hải cho biết, các trường học đang nỗ lực phối hợp các địa phương tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con em trở lại trường, nếu tỷ lệ học sinh chưa đi học sau kỳ nghỉ Tết không được chấn chỉnh kịp thời, thì huyện Bác Ái khó hoàn thành việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo mục tiêu đã đề ra. |
Đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận sớm có chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng này, để tránh lãng phí đầu tư cho sự nghiệp giáo dục tại các vùng sâu vùng xa. |
Nguyễn Trung |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét