Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Chỉ mỗi chuyện lương nhà giáo, sao bàn lâu thế?

Chỉ mỗi chuyện lương nhà giáo, sao bàn lâu thế?
XUÂN DƯƠNG

(GDVN) - Chỉ đơn giản là xếp lương nhà giáo ở mức nào, ưu đãi ra sao, nguồn ở đâu thôi, sao mà lâu và nhiều ý kiến đến vậy?

Kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thay mặt Chính phủ trình bày tại phiên thảo luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều 21/2/2019.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng:
“Tôi cho rằng nghề giáo viên là một nghề đặc thù, là vấn đề đặc biệt và có thể được ưu tiên ngang lực lượng vũ trang.
Nếu tuyển dụng giáo viên theo như tuyển dụng trong quân đội là tốt nhất, cần bao nhiêu tuyển bấy nhiêu, ra trường là xếp việc, không có chuyện phải thi công chức”. [1]
Lương giáo viên sẽ được điều chỉnh như thế nào? Ảnh minh hoạ: http://thcslienchau.vinhphuc.edu.vn
Ông Đỗ Bá Tỵ vốn là Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nên chắc chắn ông hiểu rõ quân đội tuyển sinh thế nào và vì sao nhiều thí sinh chọn các trường, học viện quân đội là ưu tiên hàng đầu của mình. 
Ý kiến của ông Đỗ Bá Tỵ trùng hợp với ý kiến của nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân, Chủ tịch đương nhiệm Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nghĩa là:
 “Lương nhà giáo phải được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang chứ không chỉ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.
Có thể thấy phát biểu của hai ông Trần Hồng Quân và Đỗ Bá Tỵ không chỉ phù hợp với nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo mà còn đặt ra mức cao hơn so với Nghị quyết số 29-NQ/TW (Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng).

Nhiều ý kiến muốn lương giáo viên phải được cao nhất

Trong khi người đại diện cho một tổ chức xã hội nghề nghiệp và vị đại biểu dân cử có quan điểm thống nhất như vậy thì Chính phủ lại có quan điểm khác:
Chính phủ tiếp thu ý kiến dự thảo Luật quy định về lương của nhà giáo đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Và đề nghị xin giữ nguyên theo dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, cụ thể: Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ. [2]
Cả hai phía đều có những lý lẽ của mình, vậy “lý” của bên nào mạnh hơn?
Chính phủ là nơi hiểu rõ nhất nhà nước có bao nhiêu tiền và số tiền đó cần chi tiêu như thế nào?.
Vấn đề nằm ở chỗ cách nhìn nhận của cơ quan quản lý tiền là theo kế hoạch 5 năm hay theo tầm nhìn vĩ mô, liên quan đến vận mệnh đất nước, tương lai dân tộc.
Một quốc gia hùng cường về kinh tế, quân sự, tiên tiến về văn hóa, khoa học không thể là quốc gia có nền giáo dục lạc hậu.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà thế giới đang tiến hành không phải là cải tiến máy móc, thiết bị, tăng hiệu suất sử dụng tài nguyên mà là trí tuệ nhân tạo, tự động hóa trình độ cao và liên kết toàn cầu.
Lực lượng tiên phong, đảm nhận vai trò dẫn dắt là các nhà khoa học và đội ngũ lao động trình độ cao.
Không có ngành nào khác thực hiện được nhiệm vụ đào tạo đội ngũ này ngoài ngành Giáo dục.
Ưu tiên cho lực lượng vũ trang (quân đội và công an) phục vụ mục tiêu bảo vệ tổ quốc, bảo vệ thể chế, giữ ổn định xã hội là đúng.
Nhưng chẳng lẽ chúng ta cứ phải dành tiền đi mua vũ khí nước ngoài?
Đến bao giờ thì nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam có thể tự mình chế tạo tàu ngầm, máy bay, vũ khí laze và điện từ nếu nền giáo dục nước nhà không thể đào tạo ra đội ngũ khoa học đủ tầm?

Lương giáo viên Việt Nam so với đồng nghiệp toàn cầu

Cần phải khẳng định, ưu tiên cho giáo dục chính là ưu tiên cho quốc phòng, an ninh, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Vậy những do dự trong hoạch định chính sách giáo dục hiện nay phải chăng chỉ là do thiếu tiền hay cũng còn do tầm nhìn?  
Nghị quyết số 29-NQ/TW là Nghị quyết chuyên sâu về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…”, Nghị quyết bày được ban hành ngày 4/11/2013 đến này đã được hơn 5 năm.
Nghị quyết khẳng định:
“Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.
Việc viện dẫn đồng thời Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 27-NQ/TW để “tránh” chuyện giáo dục phải được “ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội” có phải do Nghị quyết số 27-NQ/TW ban hành sau (năm 2018) hay do tầm bao quát của Nghị quyết số 27-NQ/TW rộng hơn Nghị quyết 29-NQ/TW?
Đề xuất trong Luật Giáo dục sửa đổi: “Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ” cho thấy có hai điểm không rõ ràng:
Thứ nhất, “ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương” là dựa vào thang, bậc lương nào?
Chính vì điểm không rõ ràng này nên một số đại biểu Quốc hội đã có ý kiến không đồng tình.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết Ủy ban đề xuất hai phương án:
Phương án thứ nhất, quy định bảng lương riêng cho nhà giáo bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp.
Đây là quy định khác với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW chỉ có 3 bảng lương.
Giáo dục: "Quyền rơm, vạ đá" (4)
Phương án thứ hai, quy định phụ cấp nghề giáo viên là cao nhất để bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo và đặc thù nghề giáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với ý kiến giáo viên phải có mức lương ưu tiên, có bậc lương tốt.
“Chỉ khi nào chúng ta tôn sư trọng đạo thì mới có thể có một nền giáo dục tiên tiến.
Mức lương như thế nào cần tuỳ thuộc vào khả năng ngân sách nhưng phải được ưu tiên hơn”. [3]
Thứ hai, thế nào là “phù hợp với lao động của nghề nghiệp”?
Thời bao cấp, lao động của nhà giáo được coi là “nhẹ nhàng” vì thế mọi tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm đều thấp hơn công nhân và lực lượng vũ trang. Ngày nay vẫn có không ít ý kiến cho rằng nhà giáo làm ít, nghỉ nhiều,…
Như vậy, khi chưa có một bộ tiêu chí dưới dạng văn bản quy phạm  pháp luật về “lao động của nghề nghiệp” thì cũng có nghĩa là việc xếp lương sẽ tùy thuộc vào ý kiến chủ quan của cơ quan chức năng!
Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra một khoảng dung sai khá lớn cho cơ quan hành pháp khi thực hiện luật. 
Hơn 5 năm trước, Ban chấp hành Trung ương đã nhấn mạnh trong Nghị quyết 29:
Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về  phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu" còn chậm và lúng túng.
Việc xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch và chương trình phát triển giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội”. 
Hơn 5 năm sau khi Nghị quyết 29 được ban hành, tình trạng “chậm và lúng túng” trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển giáo dục đã đáp ứng yêu cầu của xã hội?
Câu trả lời là chưa.
Vì sao đánh giá như vậy?
Vì cho đến nay, việc sửa đổi Luật Giáo dục không những “chậm và lúng túng” mà ngày sau khi “lấy ý kiến nhân dân” vẫn còn những điều còn không phù hợp với các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trong hệ thống văn bản pháp luật pháp Việt Nam có “Luật Trưng cầu ý dân” với những quy định rất cụ thể, vậy vì sao không áp dụng mà lại thực hiện “Lấy ý kiến nhân dân”?
Nếu việc “Lấy ý kiến nhân dân” không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật thì số liệu thu thập có đủ “tư cách” để hợp thức hóa thành điều luật?
Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy trong 31 nội dung được lấy ý kiến, số lượng đồng ý với từng nội dung tỷ lệ thấp nhất là 96,5%, cao nhất là 99,5%?
Những con số rất đẹp (trên 95%) được công bố nhưng vẫn còn đó một số băn khoăn về phạm vi, đối tượng được lấy ý kiến?
Những người, cơ quan được hỏi ý kiến có đại diện cho mọi tầng lớp dân cư hay chỉ gói gọn trong phạm vi các sở Giáo dục và Đào tạo và đội ngũ công chức, viên chức trong ngành?
Riêng vấn đề lương nhà giáo, số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy có 94,3% ý kiến đồng tình nhưng đối chiếu với ý kiến của hai vị Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Phùng Quốc Hiển, cùng với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, có thể thấy một số vị lãnh đạo cao nhất của Quốc hội chưa đồng tình với dự thảo luật của Chính phủ. 
“Nói” trong nghị quyết và “làm” trong xây dựng luật hình như vẫn chưa phải là “cặp đôi hoàn hảo”. 
Chỉ có mỗi chuyện lương nhà giáo, sao bàn lâu thế?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://laodong.vn/thoi-su/ong-do-ba-ty-tuyen-dung-giao-vien-nhu-quan-doi-la-tot-nhat-658548.ldo
[2] https://www.nguoiduatin.vn/bo-truong-phung-xuan-nha-da-so-nhan-dan-cho-rang-du-an-luat-giao-duc-sua-doi-duoc-xay-dung-cong-phu-a422958.html
[3] https://laodong.vn/thoi-su/nhieu-y-kien-trai-chieu-ve-co-thang-bac-luong-rieng-cho-giao-vien-658574.ldo
Xuân Dương
Xuân Dương

Không có nhận xét nào: