Nhớ quá Tết xưa
(TT&VH) - Nhớ lại những cái Tết xưa hồi còn thơ ấu mà thèm thuồng. Tuổi thơ ấu nằm bên ngoài lo toan, nhu cầu, dự tính… thế nên đáng yêu làm sao. Cái Tết lúc ấy là một vùng thật sự hạnh phúc trong đời.
1. Nhà văn Pháp Fontenelle (1657 - 1757) thọ 100 tuổi nói rất chí lý rằng: “Đòi được nhiều hạnh phúc là chướng ngại của hạnh phúc”. Quả đúng như vậy. Trẻ thơ không đòi hạnh phúc nên hạnh phúc lại đến chơi chung. Người lớn cứ đòi, nên hạnh phúc lảng tránh biệt tăm. Nhưng lúc này đây, chỉ dành nói riêng về cái Tết, bởi vì lúc này thời điểm là Tết. Không chỉ là Tết mà lại là Tết xưa lúc tôi còn thơ ấu. Quãng thời gian ấy, lòng háo hức đón Tết sôi sục. Tôi cứ mãi hỏi bố mẹ: “Tới Tết chưa?”. Bố mẹ trả lời: “Còn 7 ngày nữa”. 7 ngày mà cứ như dài cả năm. Đấy, lòng tôi đã đầy Tết trước khi gặp Tết.
2. Còn nhớ, ngày cuối năm, mẹ nấu bánh tét. Bánh Tét có hai loại: đòn to và đòn nhỏ. Loại nhỏ để cho trẻ nhỏ. Úi chà, không gì vui sướng bằng, bẻ một nhánh cây quảy gánh hai đòn bánh Tét nhỏ xíu đi chơi cùng tụi bạn trong xóm. Đứa nào cũng mặc đồ mới xúng xa xúng xính, rộng phùng phình (thời ấy, bố mẹ thường may trừ hao để còn lớn), bọn tôi đốt pháo chuột đì đẹt, đùa giỡn, và đói bụng thì bóc bánh tét ra ăn. Bạn nhỏ nhà quê cả, mình mẩy có thể lấm đất cát, nhưng đôi mắt sáng hơn sao, tấm lòng trong hơn nước suối. Chúng tôi đầy ắp tuổi vàng bởi lòng chúng tôi không có vàng ngự trị.
3. Nơi Tết xưa, giờ phút Giao thừa quả thật kỳ lạ trong mắt bọn trẻ chúng tôi. Chúng tôi tin có ông Giao Thừa. Cái ông ấy luôn hào phóng ban phát niềm vui và sự mau lớn. Cái ông ấy vơ vét bệnh đau, buồn phiền cơ cực quẳng tuốt xuống hầm rác.
Tôi hỏi bà nội: “Ông Giao Thừa không mặc quần, phải không nội?”. Bà cốc nhẹ vào đầu tôi: “Cháu lẫn lộn với ông Táo rồi. Ông Táo có áo dài mà không quần. Còn ông Giao Thừa đàng hoàng lắm, đẹp lắm”.
Càng lớn lên, ông Giao Thừa càng mất dần, để bây giờ ông Giao Thừa lại là chính mình còm cõi, niềm vui hiếm hoi như lá mùa Thu. Nay, chính mình phải cật lực vơ vét cơ cực mà quăng xuống hầm rác…
Còn nhớ, lúc Giao thừa ấy, chiếc đồng hồ lên giây cót trong thùng thiếc reo vang. Âm thanh do thùng thiếc khuếch đại thúc giục liên hồi. Đồng hồ reo 11h30 khuya. Tôi dậy súc miệng rửa mặt, tự động thay đồ mới. Đó là bộ đồ bà ba cổ kiềng vải Trăng Đầm sột soạt, bóng láng. Trẻ nhỏ thế hệ tôi thường ít lệ thuộc cha mẹ. Khổ nghèo tập quen tính tự lực từ bé. Đó là một đức tính mà trẻ con bây giờ ít có. Lúc ấy, tôi ra đứng giữa sân chuẩn bị đốt pháo chuột. Lại cũng không hiểu sao, tôi cứ tin rằng tiếng nổ lẹt đẹt của pháo chuột chính là tiếng cười hoành tráng của ông Giao Thừa.
Ừ, tôi đón giây phút của năm mới bằng tiếng cười hoành tráng ấy. Và, trong màn đêm bát ngát, như có một làn gió hiu hiu mát mẻ tràn qua, xuyên suốt con người bé bỏng của tôi.
Trong nhà đã sáng đèn, hương khói nghi ngút. Bố tôi cúng năm mới. Cả nhà đã sẵn sàng tinh thần đón ông Giao Thừa tinh khôi. Và, ngoài sân, tôi châm ngòi pháo chuột…
4. Ông Giao Thừa đã cười một tràng liên tục, bốc khói, thơm mùi diêm sinh. Chuỗi cười như thể chạy dài suốt một năm tương lai, bắt đầu từ giờ phút tuyệt vời ấy. Giờ phút hân hoan mà nghiêm trọng khó quên...
Ngô Phan Lưu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét