Cựu cục trưởng C50 ngăn xác minh đường dây đánh bạc
(Copy từ http://plo.vn/an-ninh-trat-tu/cuu-cuc-truong-c50-ngan-xac-minh-duong-day-danh-bac-783408.html , tác giả: Tuyên Phan , đã đăng ngày 21/7/2018 - 01:40.)
(PL)- Nguyễn Văn Dương và đồng phạm có được tổ chức đánh bạc hay không phụ thuộc vào quyết định của cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh và cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa.
Như đã thông tin, Công an tỉnh Phú Thọ chuyển hồ sơ cho VKS đồng cấp đề nghị truy tố ông Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo kết luận điều tra, hai người này đã phớt lờ chỉ đạo của Bộ Công an và ngăn cấp dưới xác minh về đường dây tổ chức đánh bạc của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam.
Hợp tác kinh doanh đánh bạc
Theo kết luận điều tra, C50 được phép thành lập công ty bình phong để phục vụ yêu cầu nghiệp vụ và giữa năm 2011, ông Phan Văn Vĩnh chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hóa nghiên cứu việc này. Tiếp đó, ông Hóa chỉ đạo ông Võ Tuấn Dũng, trưởng phòng Tham mưu C50 (người vừa tử vong tại trụ sở Bộ Công an vào tháng 5-2018) nghiên cứu, tiến hành các thủ tục thành lập công ty bình phong.
Đến tháng 9-2011, ông Dũng chỉ đạo cấp dưới soạn công văn để ông Hóa ký, gửi lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát về việc thành lập công ty bình phong theo mô hình công ty TNHH, trong đó C50 góp 20% cổ phần (hình thức). Cùng ngày, ông Hóa cũng ký tờ trình tương tự gửi ông Vĩnh nhưng phần nội dung góp vốn thì bỏ đi hai chữ “hình thức”.
Trong thời gian xin chủ trương thành lập công ty, ông Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương gặp ông Hóa để thành lập công ty bình phong cho C50. Và cuối tháng 9-2011, Dương lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) và làm chủ tịch HĐTV.
Tiếp theo, ông Hóa ký bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với Dương, có nội dung phân phối lợi nhuận là: CNC hưởng 80%, C50 hưởng 20% và ký hợp đồng ủy quyền cho Dương “thay mặt và nhân danh C50 liên hệ với Công ty CNC và các cá nhân, tổ chức có liên quan để đại diện cho phần vốn góp 20%...”. Thực tế, C50 không góp vốn và không cử cán bộ tham gia.
Đến tháng 5-2012, Dương ký tờ trình đề xuất sử dụng trụ sở tại số 10 Hồ Giám (quận Đống Đa, Hà Nội - trụ sở trực thuộc Bộ Công an) và được ông Vĩnh đồng ý.
Không báo cáo, ngăn việc xác minh
Đầu năm 2015, Phan Sào Nam đề nghị Dương hợp tác phát hành game bài Rik.Vip. Đến tháng 5-2016, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo C50 báo cáo về hoạt động của Công ty CNC nói chung và hoạt động hợp tác giữa CNC với Công ty VTC Online liên quan đến hai game bài RikVip.com và 23dzo.com mang tính chất đánh bạc trá hình, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, ông Vĩnh không báo cáo lãnh đạo Bộ Công an theo yêu cầu, cũng không chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra xác minh. Ông Vĩnh tiếp tục chỉ đạo cấp dưới ký văn bản gửi Bộ TT&TT, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đề nghị hỗ trợ công ty nghiệp vụ thuộc Tổng cục Cảnh sát nhưng không được cấp phép vì các trò chơi mô phỏng các sòng bạc.
Hai tháng sau, lãnh đạo Bộ Công an tiếp tục có công văn yêu cầu Tổng cục Cảnh sát báo cáo. Sau khi có chỉ đạo lần thứ hai, tháng 8-2016, ông Hóa ký công văn yêu cầu Công ty CNC chấm dứt hoạt động hai website RikVip.com và 23dzo.com, đồng thời báo cáo với ông Vĩnh. Sau đó, cựu cục trưởng C50 mới chỉ đạo cấp dưới soạn thảo công văn để lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát báo cáo lãnh đạo Bộ Công an.
Từ giữa năm 2015, cán bộ Phòng 2, C50 phát hiện các game trên có dấu hiệu tổ chức đánh bạc, đánh bạc nên đã báo cáo trưởng phòng đề xuất ông Hóa giao cho đơn vị này tổ chức xác minh, xử lý. Tuy nhiên, ông Hóa không đồng ý, Phòng 2 không thể tổ chức xác minh.
Đến tháng 9-2016, lãnh đạo Phòng 2, C50 nhiều lần báo cáo trực tiếp với ông Hóa xin tổ chức xác minh nhưng bị can này vẫn không cho. Ông Hóa trực tiếp theo dõi, quản lý, chỉ giao cho phòng tham mưu làm nhiệm vụ theo dõi các văn bản đến, không được kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của Công ty CNC.
Sau đó, Tổng cục Cảnh sát yêu cầu C50 tạm dừng hoạt động phối hợp nghiệp vụ với Công ty CNC, ông Hóa ký văn bản gửi công ty này nhưng trên thực tế thì vẫn tổ chức đánh bạc…
Rửa tiền bằng bất động sản, BOT
Công an xác định Phan Sào Nam hưởng lợi 1.475 tỉ đồng; Nguyễn Văn Dương 1.655 tỉ đồng; nhóm Hoàng Thành Trung, Phan Anh Tuấn và Lê Văn Kiên (đang trốn truy nã) hưởng lợi 1.574 tỉ đồng.
Số tiền thu lợi Dương góp vốn vào Công ty Cổ phần Đầu tư UDIC hơn 575 tỉ đồng, sau đó góp vào dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn gần 330 tỉ đồng, gửi 150 tỉ đồng tiết kiệm, mua hai tầng (tầng năm và sáu) tòa nhà ICON4 61 tỉ đồng. Số còn lại Dương khai đã chi tiêu cá nhân hết. CQĐT khẳng định Dương vẫn che giấu phần lớn số tiền thu lợi bất chính của mình.
Còn Phan Sào Nam gửi tiết kiệm; góp vốn vào một số công ty; gửi người quen giữ tiền mặt, USD, vàng trị giá gần 300 tỉ đồng, mua 13 căn hộ hơn 120 tỉ đồng và gửi tại ngân hàng Bank of Singapore 3,5 triệu USD. Nam cũng khai chuyển cho các bị can đang trốn truy nã cất giữ vàng, USD trị giá 680 tỉ đồng.
Dương cũng khai từng cho các bị can Nguyễn Thanh Hóa 22 tỉ đồng, Phan Văn Vĩnh 27 tỉ đồng và 1,75 triệu USD. Ngoài ra, Dương khai cho ông Vĩnh một đồng hồ Rolex trị giá 57.000 USD, tặng rượu ngoại Maccalan trị giá 100 triệu đồng, nhiều lần đi tiếp khách có sự tham gia của ông Vĩnh và chi phí với số tiền trên 10 tỉ đồng.
Cả hai ông Vĩnh và Hóa không thừa nhận việc cho tiền trên.
|
TUYẾN PHAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét