Nhớ anh Nguyễn Mộng Giác |
Copy từ https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nho-anh-nguyen-mong-giac-76487.bld , tác giả: Đỗ Minh Tuấn , đã đăng ngày 01/08/2012 | 19:31. |
Duyên hội ngộ văn chương nhiều khi rất kỳ lạ. Kẻ mối lái cho quan hệ của tôi với nhà văn Nguyễn Mộng Giác lại là bài thơ… “Con cóc”! |
|
Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Văn Thọ và vợ chồng nhà văn Nguyễn Mộng Giác tại Hà Nội. |
Vào năm 1995, qua anh Phạm Quang Long, Trưởng khoa Văn Đại học Tổng hợp tôi được đọc cuốn “Thơ.v.v và v.v.” của nhà văn Nguyễn Hưng Quốc xuất bản tại Hoa Kỳ, trong đó, để truyền đạt quan niệm về thi pháp khá mới mẻ của mình, tác giả đã phân tích bài thơ “Con cóc” để chứng minh đó là một bài thơ hay. Tôi đã viết bài “Khế ước văn hóa trong bài thơ con cóc” đăng trên báo Văn nghệ, bác bỏ luận điểm của Nguyễn Hưng Quốc, cho rằng thơ con cóc là một khế ước văn hóa lưu giữ quan niệm thẩm mỹ truyền thống của người Việt. Tác giả cuốn sách đã ngụy biện, đổi chuẩn văn hóa, xâm lăng văn hóa để đưa bài thơ này lên ngôi vị thơ hay bằng cách phân tích lý trí thuần túy bỏ qua các yếu tố cảm tính trong thụ cảm, chẳng khác gì đưa Thị Nở lên ngôi hoa hậu chỉ qua vòng thi ứng xử mà bỏ qua vòng sơ khảo với những tiêu chuẩn tối thiểu về cân nặng, chiều cao và độ quyến rũ của ba vòng. |
Nguyễn Hưng Quốc từ Úc đọc được bài viết đã gửi thư cho tôi kèm bài trả lời. Báo Văn nghệ không đăng bài của Nguyễn Hưng Quốc, anh đã gửi đăng trên báo Văn học của Nguyễn Mộng Giác. Nhà văn Đặng Tiến đã sao bài viết đó gửi cho tôi kèm theo địa chỉ email của nhà văn Nguyễn Mộng Giác để tôi gửi bài tranh luận tiếp. Thế là tôi gửi tiếp bài “Cái bẫy văn hóa trong bài thơ con cóc” in trên Văn học số 134, tháng 6 năm 1997. Bài viết đã mở ra một cuộc tranh luận về thơ con cóc, về khế ước văn hóa và văn hóa Việt trên tờ báo của Nguyễn Mộng Giác, kéo theo sự tham gia của hàng loạt nhà văn hải ngoại như Đặng Tiến, Thụy Khuê, Phạm Thị Hoài… |
Lúc ấy tôi chưa nối mạng, phải mang bài viết ra phố thuê gửi email sang Mỹ. Sau đó, để chủ động gửi bài tranh luận cho báo Văn học của anh Nguyễn Mộng Giác và liên lạc với các bạn văn hải ngoại, tôi bắt đầu nối mạng. Nhờ cái duyên cộng tác với Nguyễn Mộng Giác mà tôi trở thành một trong vài văn nghệ sĩ đầu tiên nối mạng ở Việt Nam lúc đó. Và cũng nhờ có internet mà tôi có thể nhận về và in ngay ra 2000 trang tiểu thuyết “Sông Côn mùa lũ” chỉ trong hai giờ đồng hồ. |
Tôi không bao giờ quên được cái khoảnh khắc vừa ăn cơm chiều vừa bưng bát chạy ra xem những trang tiểu thuyết về Nguyễn Huệ Quang Trung của Nguyễn Mộng Giác nóng hổi trên máy in. Rồi những ngày sau đó tìm người bỏ vốn, chạy xin giấy phép các cấp rồi cặm cụi sửa morasse, vẽ bìa cho bốn tập sách, trong khi chưa gặp tác giả một lần. Đó là những trải nghiệm sâu sắc đầu tiên về tình cảm văn chương và duyên nợ văn chương của tôi với Nguyễn Mộng Giác nói riêng và các bạn văn hải ngoại nói chung. |
|
|
Khi “Sông Côn mùa lũ” in ra, nhiều người bất ngờ, ngạc nhiên, khâm phục. Đài Tiếng nói (TN) Việt Nam cho đọc ròng rã nửa năm trời trên chương trình đọc truyện. Nhiều độc giả ở các tầng lớp, các lứa tuổi đã say mê theo dõi cuộc đời người anh hùng áo vải Quang Trung và mối tình rất đẹp của ông với cô An. |
Khi về nước, Nguyễn Mộng Giác được đến thăm Ban Văn nghệ của Đài TN Việt Nam cho xem những bức thư cảm động của thính giả gửi về và vô cùng bất ngờ, xúc động trước những tình cảm họ dành cho tác phẩm. Có cụ bà về hưu sống cô đơn đã nghe không sót buổi đọc nào, hồi hộp dõi theo số phận cô An người yêu của Nguyễn Huệ, thậm chí có hôm buổi đọc “Sông Côn mùa lũ” trùng với lịch đi tập ở công viên, bà cứ phân vân sợ đi tập về muộn không kịp nghe từ đầu buổi đọc truyện nên cuối cùng lại thôi không đi tập nữa. |
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác cho biết, nhờ Đài TN Việt Nam mà nhiều người cao tuổi mắt kém ở Mỹ không đọc được sách cũng có cơ hội tiếp xúc với bộ trường thiên tiểu thuyết. Nguyễn Mộng Giác đã lần theo địa chỉ trên thư đến gặp những độc giả yêu quý tác phẩm của mình. Ông cũng đã tìm gặp nghệ sĩ Hoàng Yến để cảm ơn và ngỏ ý muốn nhờ bà đọc lại toàn bộ hơn 2.000 trang sách đã phát thanh để ghi lại thành băng đĩa phục vụ những độc giả người Việt ở Mỹ có nhu cầu nghe đọc truyện. |
Trong những dịp Nguyễn Mộng Giác về nước, tôi hay tổ chức cho anh gặp gỡ tụ tập với đông đảo các bạn văn với sự hội tụ của khá nhiều “anh hùng Lương Sơn Bạc” trong giới văn chương, với nhiều tính cách và khẩu khí khác nhau như nước với lửa: Trần Ninh Hồ, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Văn Thọ, Văn Chinh, Nguyễn Việt Hà, Dương Tất Thắng, Lương Tử Đức, Đỗ Ngọc Yên… |
Tôi cũng đưa vợ chồng Nguyễn Mộng Giác đến nhà Nguyễn Hoàng Đức để nghe chủ nhân đánh đàn piano trong ánh nến đầy không khí tôn giáo. Trong một bữa cơm thân mật tại nhà Nguyễn Đình Chính, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã tâm sự với Nguyễn Mộng Giác nhiều về thân phận người Việt và những đau khổ cùng cực trong chiến tranh, dường như muốn anh đồng cảm với những ngọn nguồn nhân văn của những ngày khốc liệt gian khổ ấy. |
Nguyễn Mộng Giác đã được nghe bao tâm sự cởi mở, chứng kiến bao cuộc tranh luận, cãi vã của các bạn văn trong nước, thậm chí có lúc xô xát suýt đánh nhau trước mặt anh. Anh chứng kiến tất cả những va đập, những nhốn nháo xô bồ ấy một cách bình thản như một người anh, người bạn thân tình, sâu sắc và nhân hậu. Tôi không biết những âm thanh nào, tiếng nói nào trong những cuộc gặp gỡ sôi nổi, thân tình ấy còn đọng trong ký ức của anh. Nhưng chắc chắn tiếng bi bô của cậu con trai tôi lúc nó mới hai tuổi đã trở thành một địa chỉ trong tâm thức của anh. |
Đó là lần tôi chở vợ chồng anh sang quán Hoa Ban để gặp Nguyễn Huy Thiệp. Khi trở về, qua cầu Chương Dương cậu con trai hai tuổi của tôi bi bô nói chuyện trên xe. Tiếng bi bô ấy đọng sâu trong ký ức của vợ chồng Nguyễn Mộng Giác đến nỗi lần nào gặp nhau anh chị cũng hỏi về cậu bé bi bô ấy. Con trai tôi nay đã 16 tuổi, đã sang du học ở Hoa Kỳ, vậy mà trong ký ức của vợ chồng anh Giác, cháu dường như vẫn chỉ là đứa trẻ bi bô. |
Nguyễn Mộng Giác là người có tình cảm sâu nặng với bạn văn ngay từ thời trẻ khi anh đang sống ở Sài Gòn. Có lần anh ra ngoài đi mua gì đó cho vợ, nhưng rồi mất hút cả tuần! Chị Chi vợ anh lo lắng hốt hoảng đi tìm, mãi sau mới biết anh tình cờ gặp bạn văn ngoài phố lôi đi tụ tập ở nhà một người bạn khác. Có đợt anh lôi bảy tám người bạn văn về tá túc tại nhà, chị phải đi mua quần lót cho họ nhưng lúng túng, khó xử không biết nên mua kích cỡ nào cho vừa với từng người. Có lúc anh mang cả vàng của nhà đi cho bạn văn vay nhưng rồi không trả anh cũng cho qua. Có lúc dùng xe chở bạn văn đi chơi, chiêu đãi bạn vào nhà chứa chơi gái, còn mình thì ngồi ngoài xe chờ. Khi sang định cư ở California, Nguyễn Mộng Giác vẫn thường xuyên tổ chức cho bạn bè văn chương tụ tập ở nhà mình, có những khi cuộc vui kéo dài không dứt, hai vợ chồng mệt quá nhưng không đuổi khách mà lặng lẽ rủ nhau đi ra ngoài phố xả stress, cứ để cho bạn bè tiếp tục vui đến tận khuya. |
Năm 2002 nhờ anh Giác giới thiệu, tôi được Trung tâm William Joiner thuộc Đại học Massachusetts mời sang Mỹ 7 tháng tham dự chương trình nghiên cứu văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ. Tôi đã bay từ Boston đến Quận Cam (California), ở nhà anh hai tuần, từ đó đi dự LHP Quốc tế Palm Springs, New Port Beach với bộ phim “Vua bãi rác”. Trước khi đi Palm Springs, được tin LHP chưa nhận được phim vì trong nước không gửi, tôi đã mua đến 9-10 cái thẻ điện thoại và liên tục nung nóng điện thoại nhà anh để liên lạc đấu tranh với lãnh đạo Cục Điện ảnh đề nghị họ phải gửi phim sang bằng mọi giá. Có lẽ cái điện thoại nhà anh cũng có duyên với tôi nên cuối cùng thì lãnh đạo ngành cũng chấp nhận cho gửi phim “Vua bãi rác” từ Đức sang Mỹ để tham dự LHP Palm Springs. Nhờ đó mà phim được một số viện sĩ VHL Điện ảnh Hoa Kỳ biết đến, viết báo lăng xê và gửi thư về trong nước gợi ý cho gửi phim đi dự Oscar. |
Đón tôi từ sân bay về nhà xong, hai anh em khuân tạp chí Văn học số mới chở ra bưu điện gửi cho các độc giả đặt báo ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Hầu như chỉ một mình anh làm tờ báo này trong hai mươi năm qua, từ biên tập, dàn trang đến đưa đi in, mang gửi bán. Nhìn Nguyễn Mộng Giác lặng lẽ cần mẫn phát hành tập chí Văn học, tôi bừng ngộ những nỗ lực sống đẹp, sống sâu sắc của người Việt xa xứ. Có lần, anh đưa tôi tờ Los Angeles Times có bài báo về LHP Palm Springs và nói: “Thằng Mỹ xưa nay ngạo mạn lắm, nó chỉ nói đến Hollywood thôi!”. Chị Chi vặn lại: “Thằng Mỹ! Thế anh là người gì?”. Anh Giác cười chống chế: - Siêu Mỹ! – rồi anh rủ rỉ tâm sự - Tuy sống ở Cali nhưng chưa bao giờ mình tự ý thức là người Mỹ. Khi nghe trong nước gọi là Việt kiều, mình thấy có cái gì phân biệt, coi như người ngoài. Thực ra vẫn luôn là người Việt Nam”. Rồi Nguyễn Mộng Giác hài hước: “Việt kiều về nước cầm thẻ tín dụng quẹt đánh xoẹt một cái tưởng là ai cũng giàu có lắm. Biết đâu nhiều người đang còng lưng trả nợ!” |
Những ngày ở Cali với vợ chồng Nguyễn Mộng Giác đã giúp tôi cảm nhận được những nỗi niềm sâu kín của một nhà văn xa xứ sâu sắc và nhạy cảm. “Sống ở đây tất cả qua ngân hàng và internet, cảm giác lâng lâng của ngày lĩnh lương cuối tháng không còn nữa! Chính sách Mỹ dựa trên những nhu cầu cận nhân tình của con người, không dựa trên những nguyên tắc sách vở, phù phiếm, đạo đức giả. Xã hội dân chủ cũng làm cho nhân viên và sếp gần gũi nhau hơn. Người ta có thể phun nước vào sếp để quyên tiền, hay sếp có thể tự tay nấu ăn cho nhân viên trong những dịp chiêu đãi. Nhưng khi các tổ hợp sản xuất lớn máy móc hóa, tự động hóa, tất cả đều chuẩn xác không có những hoạt động thừa, thì gia đình chủ nghĩa chỉ mất thời gian. Cách tổ chức xã hội của người Mỹ nhiều cái rất hay, nhưng áp dụng ở nơi khác rất khó, chẳng khác gì mua con voi đưa vào phòng ngủ!”. Đằng sau những nhận xét đó của Nguyễn Mộng Giác về xã hội Mỹ có cái gì đó như là một chút buồn, một chút tiếc nuối lo âu, một chút tổn thương của thân phận người xa xứ. |
Lần gặp nhau cuối cùng ở VN, anh hoan hỉ kể về việc Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh mời anh đến cho lĩnh ngay một lúc 70 triệu tiền mua bản quyền “Sông Côn mùa lũ” để làm phim. Anh ngạc nhiên mãi vì thủ tục tài chính để nhận tiền quá nhanh và quá đơn giản. Rồi anh say sưa tâm sự về dự định viết tiểu thuyết lịch sử mới về cuộc sống cung đình của các triều đại vua chúa Việt Nam xưa gắn liền với những tập tính của các cư dân sống trên sông nước. Vậy mà giờ đây, Nguyễn Mộng Giác đã ra đi, bỏ lại thế gian những niềm vui và nững dự định sáng tạo còn dang dở. |
Trong khoảnh khắc buồn, tôi nhớ lại bao kỷ niệm với anh những ngày ở Mỹ, những lần vợ Nguyễn Mộng Giác chở tôi đi Las Vegas hay San Diago đánh bạc giải trí, đi thăm Đại lộ Hollywood, những buổi tụ tập với các bạn văn hải ngoại… Tôi nhớ đến cái điện thoại nhà anh từng bị tôi nung nóng khi biết tin LHP Palm Springs vẫn chưa nhận được phim “Vua bãi rác” mặc dù sắp khai mạc… |
Và tôi chợt nhớ đến con chim vợ chồng Nguyễn Mộng Giác nuôi trong nhà khi tôi ở đấy. Con chim rất khôn, nó thường nhảy lên tay tôi vai tôi đùa vui và ú tim ranh mãnh. Dường như nó mang linh giác của chủ nhân. Tiếng hót của nó cứ văng vẳng bên tai, như chất chứa những tâm sự của nhà văn gửi lại… |
Hà Nội, 6 tháng 7 năm 2012. |
Đỗ Minh Tuấn |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét