Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

Chân dung vị tổng trấn uy quyền nhất Sài Gòn xưa trong tài liệu lưu trữ

Chân dung vị tổng trấn uy quyền nhất Sài Gòn xưa trong tài liệu lưu trữ
Copy từ https://baomoi.com/chan-dung-vi-tong-tran-uy-quyen-nhat-sai-gon-xua-trong-tai-lieu-luu-tru/c/22714969.epi , tác giả: Hồng Nhung , đã đăng ngày 10/07/17 07:46 .
“Ở đây chúng tôi mua được rất nhiều lúa gạo, ngà voi, sừng tê giác, các hàng tơ lụa, đũi thật đẹp. Từ các nơi, dân đi thuyền theo các kênh rạch lên bán cho chúng tôi. Nhìn dân chúng hân hoan vui vẻ, chúng tôi biết dân no đủ. Nhiều người rất kính trọng vị Tổng trấn của họ... Ngài sống thanh liêm, muốn mở mang đất Gia Định này trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng biển Đông” - Đó là nhận định của Crawfurd - một thương nhân người Anh về ấn tượng ban đầu hội diện Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt vào năm 1822.
Nhân kỷ niệm 179 năm lễ húy kỵ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, trong hai đêm 26 và 27.9.2011, tại Lăng Ông (Bà Chiểu - Bình Thạnh, TPHCM), vở kịch “Tả quân Lê Văn Duyệt” đã được tái diễn miễn phí phục vụ đông đảo công chúng. Đây là vở kịch lịch sử kể về cuộc đời.
Những năm gần đây, trong xu hướng đánh giá lại một số nhân vật lịch sử với cái nhìn cởi mở hơn, hầu hết các nhà sử học trong nước đều thống nhất nhận định: Lê Văn Duyệt là một tài năng lớn về quân sự, chính trị, kinh tế... Hai lần làm Tổng trấn Gia Định (vào những năm 1812 - 1815 dưới triều Gia Long và 1830 - 1832 dưới triều Minh Mạng), Lê Văn Duyệt đã có những đóng góp không nhỏ đối với vùng đất này.
Lê Văn Duyệt sinh năm 1764 trong một gia đình nông dân tại làng Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Năm 17 tuổi, cuộc gặp gỡ định mệnh với vị vương tử trẻ Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) đã mở ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Lê Văn Duyệt. Ông trở thành vị tướng giỏi phò trợ chúa Nguyễn trong vạn dặm chiến chinh, giành nhiều thắng lợi. Gần như trong tất cả các trận chiến lớn chống quân Tây Sơn, ông đều tham gia chỉ huy, chiến công được coi lớn nhất là trận đánh chiếm cửa biển Thị Nại đầu năm 1801.
Nhờ lập nhiều công lao, binh nghiệp thăng tiến nhanh chóng nên khi Nguyễn Ánh lên ngôi với hiệu Gia Long, Lê Văn Duyệt được liệt vào hàng đệ nhất khai quốc công thần với nhiều đặc ân.
Nếu Nguyễn Hữu Cảnh là người đặt đơn vị hành chính Gia Định và toàn miền Nam, chính thức xác lập vùng đất này vào địa lý hành chính nước ta thì Lê Văn Duyệt là người đã có công khai phá, mở rộng và bảo vệ vùng đất phương Nam.
Tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I hiện bảo quản bản chiếu về việc bổ Lê Văn Duyệt tới Gia Định lãnh ấn vụ Tổng trấn, năm Minh Mạng 01 (1820) (1). Chiếu: Chưởng Tả quân Bình Tây tướng quân kiêm Giám Thần sách quân Lê Văn Duyệt chuẩn thống lãnh quan viên, lính và voi tới thành Gia Định lãnh ấn vụ Tổng trấn.
Một văn bản khác, bản tấu về việc Lê Văn Duyệt đã đến nhậm sở tại Gia Định: “Chưởng Tả quân Bình Tây tướng quân kiêm Giám Thần sách quân Lê Văn Duyệt tâu về việc đã đến nhậm sở tại Gia Định. Châu phê: khanh đi đường được bình an, rất hay. (2)
Trong số tài liệu Châu bản triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, có khoảng 150 văn bản có nội dung liên quan đến con người đặc biệt này. Trong số đó, một số văn bản được ban hành vào thời điểm Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn thành Gia Định, đề cập chủ yếu về việc: Lê Văn Duyệt chăm lo đến đời sống nhân dân, Lê Văn Duyệt trong quan hệ với nước ngoài và khi ông trực tiếp chỉ huy việc đào kênh Vĩnh Tế.
Chăm lo đời sống nhân dân
Trước hết, phải nói rằng Lê Văn Duyệt là một ông quan rất quan tâm chăm lo đời sống nhân dân.
Theo nhiều tài liệu ghi chép lai, lúc bấy giờ, Gia Định thành và cả vùng đất từ Bình Thuận đến Cà Mau còn hoang hóa, trộm cắp hoành hành nhiều nơi. Lê Văn Duyệt chiêu mộ dân chúng cải tạo đồng ruộng, xây dựng làng xã. Ông chăm lo đời sống dân chúng, trừng trị nạn tham ô, trộm cướp. Chính vì vậy, trong thời gian ông làm Tổng trấn Gia Định, đời sống nhân dân nơi đây sung túc, no đủ.
Đại Nam thực lục chính biên - Đệ nhị kỷ còn ghi lại sự việc: Thời làm Tổng trấn Gia Định, trong một chuyến đi từ kinh đô Phú Xuân về Gia Định, khi đi qua Bình Thuận và Thuận Thành đang cơn đại hạn, “thấy dân đói đến nỗi phải ăn quả cây rễ cỏ”, Lê Văn Duyệt đã tức tốc đem tình trạng đó tâu về triều. Vua Minh Mạng cho ngay quan vào hội cùng các quan tỉnh Bình Thuận phát 10.000 hộc thóc kho, bớt giá bán cho dân, cứu nạn đói. (3)
Khi thiên tai, lũ lụt gây thiệt hại cho mùa màng và đời sống nhân dân, Duyệt Quận công đã tâu báo triều đình, xin đem gạo trong kho ra phát chẩn cho dân. Châu bản Minh Mạng tập 1, tờ 63 là một ví dụ: Tổng trấn thành Gia Định, Quận công Lê Văn Duyệt tâu về việc lấy gạo trong kho phát chẩn cho dân dọc bờ sông ba huyện Long Thành, Phước Chánh và Bình An thuộc trấn Biên Hòa bị nạn lụt. Châu phê: Biết cho, khẩm thử (theo lời ấy). (4)
Cảm thương nhân dân bị mùa màng tổn thất, Lê Văn Duyệt làm bản tấu xin giảm thuế cho dân:
Tổng trấn thành Gia Định, thần Lê Văn Duyệt kính tâu: Theo trình báo về tổn thất mùa màng của các trấn, chỉ trừ hai trấn Biên Hòa và Hà Tiên bị hư hại ít, còn đối với ba trấn Phiên An, Vĩnh Thanh, Định Tường, thần đã căn cứ vào tình hình thực khám, sức cho các nơi bị thiệt hại, nơi nào mất 4-5 phần thì thuế 10 phần hoãn 4 thu 6; mất 6-7 phần thuế thời 10 phần hoãn 5 thu 5; mất 8 phần trở lên tạm hoãn thu toàn bộ. Đợi khi các trấn phúc khám xong sẽ lập hồ sơ riêng tâu lên đợi chỉ. Châu phê: “Biết cho”. (5)
Quan hệ hữu hảo với nước ngoài
Trên tinh thần ngoại giao hòa hảo, ông sẵn sàng thu dụng những người nước ngoài tới làm ăn trong vòng pháp luật của triều đình và mở cửa giao thương với nước ngoài. Tới Gia Định buôn bán lúc đó chủ yếu là người Hoa, người Xiêm, Mã Lai… Họ đều được Lê Văn Duyệt tạo điều kiện làm ăn, góp phần làm cho kinh tế trong vùng phát triển, biến Gia Định thành một đặc khu kinh tế mở của nước ta.
Crawfurd, người dẫn đầu phái bộ ngoại giao của Toàn quyền Ấn Độ khi ghé thăm Gia Định (1822) đã nhận xét về Gia Định như sau:
“Tôi bất ngờ thấy rằng nơi đây không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hóa phong phú hơn, giá cả hợp lý và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng…” (Dẫn theo Lê Ngọc Trác - Lê Văn Duyệt: Một tài năng lớn về quân sự, chính trị, kinh tế).
Sau đây là một văn bản còn lưu lại trong Châu bản triều Nguyễn về việc thuyền Trung Hoa xin vào thành buôn bán. Sự việc diễn ra vào năm Minh Mạng 6 (1825):
Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt kính tâu: Nay có hai chiếc thuyền buôn ở huyện Trừng Hải, phủ Triều Châu, chủ thuyền là Trần Bách Thuận và Ngô Dụ Hưng vào cửa Cần Giờ xin vào thành buôn bán, chịu nộp thuế lệ. Thần đã theo lệ sức cho khám xét và đánh thuế nhập cảng. Châu phê: “Biết cho”. (6)
Bên cạnh việc mở rộng giao thương với nước ngoài, Tổng trấn Lê Văn Duyệt còn nhiều lần cứu giúp thuyền buôn nước ngoài khi họ gặp nạn. Theo bản tấu của Lê Văn Duyệt thì ngày 22 tháng 9 năm Minh Mạng 04 (1823): Ngày 20 tháng này có 20 chiếc tàu của tây vào thả neo ở thủ Cần Giờ. Họ gồm một người chủ tàu, một tài phó, một người làm công việc buôn bán hàng hóa. Cả ba đều nhận được sự ủy thác của vua Xiêm La chở hàng hóa đi Ma Cao buôn bán. Nhưng bị gió đánh dạt vào thủ Cần Giờ nên xin được vào thành mua buồm, dây neo… đợi thuận lợi sẽ nước. Thần thiển nghĩ các thuyền mắc cạn đều đáng thương, bèn cho mua dây neo như đã xin, cho về nước rồi. Châu phê: “Đã biết”. (7)
Trước tình hình dân Man cư ngụ ở Cao Miên bị đói khổ, tổng trấn làm tập tâu trình nhanh chóng lấy 4.000 phương gạo, 200 phương muối trong kho cấp cho họ. Các quan được cử đi phát chẩn trở về báo cáo, cho biết: Những dân lưu vong ấy được thoát khỏi đói khát, họ rất cảm kích. Sự việc diễn ra vào năm Minh Mạng 8 (1827) (8)
Trực tiếp chỉ huy việc đào kênh Vĩnh tế
Trong thời gian ở Gia Định, ông đã đóng góp nhiều công lao trong việc chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế, đào song song với đường biên giới Việt Nam
Campuchia, từ bờ tây sông Châu Đốc nối giáp sông Giang Thành, Hà Tiên, Kiên Giang. Đây là công trình có nhiều ý nghĩa về kinh tế và quốc phòng, hiệu quả mang lại cho đất nước là rất lớn, cho đến tận hôm nay.
Công việc đào kênh đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng trấn Lê Văn Duyệt và một số vị quan khác như Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại, Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên, Điều bát Nguyễn Văn Tồn, Phó Tổng trấn Trương Tấn Bửu, Phó Tổng trấn Trần Văn Năng và Thống chế Trần Công Lai.
Lúc đầu, lực lượng nhân công là 5.000 quân dân trong vùng, 500 lính thuộc đồn uy Viễn, 5.000 dân Khmer. Tháng 2 năm Minh Mạng 4 (1823), Tổng trấn Lê Văn Duyệt trực tiếp chỉ huy việc đào kênh, điều động thêm binh dân người Cao Miên ở đồn Vĩnh Thanh, Định Tường, Hà Tiên và Uy Viễn cùng hợp sức đào kênh Vĩnh Tế. Việc này còn lưu lại trong Châu bản triều Nguyễn như sau:
Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt kính tâu: Trước đây phụng chỉ, xem xét điều động binh dân của thành cùng với người Cao Miên ở đồn điền Vĩnh Thanh, Định Tường, Hà Tiên và Uy Viễn cùng hợp sức đào đường sông Vĩnh Tế. Ngày 1 tháng 2 khởi công từ bên đông Trác Khẩu đến Trà Cục, cộng là 8004 tầm, mặt sông rộng 12 tầm, lòng sông rộng 10 tầm, sâu 7 thước hoặc 5, 6 thước. Đã vẽ bản đồ dâng trình. Cuối tháng này đoạn ấy hiện thành sông. Ngày 1 tháng 3 tiếp tục đào từ xứ Trà Cục đến trấn Hạch Kỳ. Chỗ năm trước thành sông là 8120 tầm. Thần thấy công trình to lớn, khi nước mưa đổ vào, thần sợ đoạn sông này không thể hoàn thành, thần đã sức cho các trấn ấy theo số dân binh mình quản, dồn cả ra làm việc. Đầu tuần tháng ấy mọi người đều đã lục tục đi làm. Số dân binh đi làm lần này bao nhiêu, số phần đất cấp cho mỗi người bao nhiêu, tiền gạo cấp bao nhiêu, xin để thần cấp cho các ty xem xét rõ sự thực rồi lập bảng kê trình. Châu phê: “Đã biết” (9)
Năm 1824, công trình hoàn thành. Ước tính trong 5 năm thực hiện, phải huy động 80.000 dân công. Kênh đào xong đã tưới tiêu cho hàng vạn mẫu ruộng ở Hậu Giang và việc đi lại bằng đường thủy rất thuận lợi.
Sau khi công trình hoàn thiện và đi vào hoạt động, vua ban thưởng cho dân binh, Lê Văn Duyệt đã thay thợ đào sông Vĩnh Tế dâng sớ tạ ơn như sau:
Khâm sai thành Gia Định, thần Lê Văn Duyệt tâu: Trong tháng 7 nhuận năm nay, vâng được ban chiếu thưởng cho thợ đào sông Vĩnh Tế. Kính được thi ân ngoài thể cách, cấp cho bọn ấy “Kỷ lục kim thái” số lượng khác nhau. Ngày mồng 7 tháng này, thấy bọn ấy dâng sớ tạ ơn, xin riêng với thần đề đạt lên thay. Nguyên sớ văn của bọn ấy có 3 phong, kính làm tập tâu đề đạt lên thay, cúi đợi Thánh thượng soi xét. Châu phê: “Đã rõ”. (10)
Sách Đại Nam nhất thống chí chép: Từ đấy đường sông mới khai thông, việc biên phòng và việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng. Kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như một công trình đánh dấu xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ. Đó là nhờ công lao của tiền nhân với hơn 80.000 dân binh cùng một số vị quan trực tiếp chỉ huy, trong đó có Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt.
Ông được ca ngợi là một Tổng trấn tài năng đức độ, vừa trị an xứ sở vừa chăm lo đời sống nhân dân. Người dân Nam Bộ khi đó thường kính phục gọi ông là ông Lớn Thượng.
Không chỉ với người dân trong nước, thương nhân nước ngoài sau khi tiếp xúc cũng hết lời khen ngợi vị Tả quân này. Ông John White, người Mỹ đầu tiên đặt chân lên đất Việt Nam đã tỏ ra kính phục vị Tả quân ngay lần đầu gặp mặt. Ông ta đã ghi lại ấn tượng của mình về Tả quân Lê Văn Duyệt như sau: Dáng điệu và phong độ của ông này uy nghi lẫm liệt. Ông có vẻ một đại thần đầy kinh nghiệm nhưng vẫn giữ được đức độ cương trực của con nhà tướng. Tính tò mò muốn hiểu biết và cách thức ông lựa vấn đề đem bàn tỏ ra ông là người có đầu óc phóng khoáng, luôn luôn muốn trau dồi kiến thức. Những lời bàn chính đáng của ông trong nhiều vấn đề tỏ ra ông có tầm kiến thức rất rộng. Chính sự, chính trị, tôn giáo và những phong tục tập quán của các nước Âu tây là những vấn đề mà ông bàn cãi một cách chăm chú…
Sau này, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng cũng nhận định: “Lê Văn Duyệt có công, bằng chứng là nhân gian ngưỡng mộ và kính trọng ông... Chúng ta nhận thức rằng sự tôn trọng kia liên quan chủ yếu đến công lao của ông đối với vùng đất mà ông trấn nhậm”.
Với tất cả những công đức lớn lao như vậy, Lê Văn Duyệt được nhân dân Sài Gòn Gia Định cảm phục, nhớ ơn, thậm chí tên tuổi của ông đã đi vào đời sống tâm linh của họ, cho đến tận hôm nay.
Qua bao thăng trầm cùng thời gian, Khu lăng mộ Tả Quân Lê Văn Duyệt trở thành địa điểm văn hóa, tâm linh với công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật đặc sắc mang đậm nét truyền thống của vùng đất Nam bộ. Khu lăng mộ được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 1989.
Chú thích:
1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng, tập 2, tờ 188.
2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng, tập 1, tờ 56.
3.Nhiều tác giả, Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam Bộ, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2008, tr.16.
4. Trung tâm Lưu trữ QG I, Châu bản Minh Mạng tập 1, tờ 63.
5. Trung tâm Lưu trữ QG I, Châu bản Minh Mạng, tập 11, tờ 35.
6. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng, tập 14, tờ 209.
7. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng, tập 6, tờ 160.
8. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng tập 27, tờ 66.
9. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng, tập 6, tờ 53.
10. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng, tập 9, tờ 192.
Hồng Nhung

Không có nhận xét nào: